Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lao đao vì phân bón giả
Thứ hai: 09:40 ngày 02/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Kinh nghiệm trồng trọt bao đời nay được nông dân đúc kết trong câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Tuy nhiên, việc mua nhầm phân bón kém chất lượng, phân bón giả coi như mùa vụ đó nông dân mắt trắng. Đã có bao nhiêu nông dân Tây Ninh mua nhầm phân bón giả, phân bón kém chất lượng? Câu trả lời là không có một con số cụ thể nào. Tuy nhiên, công sức, tiền của vùi xuống đất không có cái để thu hoạch, nông dân gặp khốn khó thì rất dễ nhìn thấy.

Nông dân không thể biết được đâu là phân bón giả.

Với một tỉnh có sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh thì nhu cầu về phân bón cho các loại cây trồng rất cao. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được thành lập. Hiện có 10 công ty sản xuất phân bón trong tỉnh và 479 cơ sở kinh doanh về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với gần 3.000 sản phẩm lưu thông trên địa bàn.

Trong đó khoảng 164 sản phẩm của công ty sản xuất trong tỉnh và gần 2.700 sản phẩm phân bón của các công ty ở ngoài tỉnh. Theo tính toán của nông dân, phân bón chiếm khoảng 60% chi phí vật tư nông nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, giá phân bón các loại tăng vùn vụt khiến giá thành đầu vào sản xuất tăng cao.

Ông Hà Văn Chái ở ấp Phước Trung, xã Long Phước, huyện Bến Cầu vừa chất những túi bầu mới hái tươi xanh lên xe lôi vừa nhẩm tính, 1 túi 10kg được 30 ngàn đồng. Trong khi thuốc trừ sâu, diêm tro giá lên gấp đôi. Phân bón NPK trước có 600-700 ngàn đồng/bao giờ lên hơn 1 triệu đồng. Đó là chưa kể tới nếu mua nhầm phân giả thì đổ sông đổ biển hết. Sản phẩm mình làm ra bán không được bao nhiêu.

Ông Chái có 5 công đất trồng bầu trong vụ này, thu hoạch 400-500kg/ngày, thương lái mua có 2.000 đồng/kg. Cả tháng cắt bầu mới được mười mấy triệu đồng, đủ tiền phân bón, thuốc trừ sâu. Tiền công lao động của gia đình không tính.

Khổ vì phân bón giả

Phân bón giả, phân bón kém chất lượng như một "cú nhồi" khiến cho nhiều nông dân thêm lao đao. Chị Nguyễn Ngọc Minh Thơ ở xã Suối Đá, Huyện Dương Minh Châu cho biết: "Nhiều lúc mua phải phân bón giả, không có chất lượng, cây trồng không phát triển, không có trái hoặc không lớn trái. Rải phân ra một thời gian thấy kết tủa dưới đất, nó đông cứng lại, thiệt hại cho cây trồng. Bị rồi thì né chỗ bán đó ra chứ đâu có ai đền bù thiệt hại cho mình".

Ông Nguyễn Văn Ấm ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành nói: "Mình mua về bón cây nó không phát triển thì mới biết đó là phân giả, phân kém chất lượng. Lúc đó sự đã rồi. Chịu thôi đâu có biết kêu ai".

"Nông dân làm cả 5-6 tháng mới thu hoạch mà nhầm phân bón giả thì không có gì để thu hoạch. Lại nợ nần, lại khổ", ông Tô Hữu Hạnh ở xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành nói.

Xử phạt nhưng phân bón giả vẫn "chui" ra thị trường

Năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh thực hiện 8 cuộc thanh, kiểm tra tại 2 công ty sản xuất và 101 cơ sở kinh doanh; lấy 220 mẫu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng kiểm nghiệm.

Kết quả có 13 cở sở vi phạm điều kiện kinh doanh, nhãn hàng hoá và kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng; kinh doanh sản phẩm phân bón có tên và thành phần đăng ký không đúng so với quyết định công nhận lưu hành.

Có 51 mẫu vi phạm chất lượng thì có đến 32 mẫu giả, 19 mẫu không đạt chất lượng. Xử phạt vi phạm hành chính 47 trường hợp với tổng số tiền hơn 518.000.000 đồng, đồng thời chuyển UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền 4 trường hợp với số tiền hơn 302.000.000 đồng.

Quý I.2022, trong 65 mẫu được kiểm nghiệm có 11 mẫu giả, 11 mẫu không đạt chất lượng. Còn 50 mẫu đang chờ kết quả. Đã xử phạt vi phạm hành chính 10 trường hợp với tổng số tiền hơn 93.000.000 đồng, đồng thời chuyển UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền 3 trường hợp với số tiền hơn 289.000.000 đồng.

Đáng chú ý, có nhiều sản phẩm mà hàm lượng qua kiểm nghiệm so với thành phần được công bố hoàn toàn không có hoặc rất thấp. Phân bón NPK 20-20-15 do Nhà máy phân bón Yên Trang sản xuất và phân phối, thành phần công bố: Nts: 16%, P2O5hh: 16%, K2Ohh: 16%. Qua kiểm nghiệm cho kết quả: Nts: 15,2%, P2O5hh: 0,22% chỉ đạt 1,1% so với công bố, K2Ohh: không có.

Phân bón NPK 30-1-1-17 cũng do Công ty TNHH SX TMDV Yên Trang sản xuất, thành phần công bố là: Nts: 30%, P2O5hh: 1%, K2Ohh: 1%, SiO2: 17%. Qua kiểm nghiệm Nts: 24,8%, P2O5hh: 0,23% , SiO2: 0,21%.

Sản phẩm phân bón Super canxi Lan Den Humic của Công ty cổ phần phân bón Quốc tế, thành phần công bố chất B: 2000 ppm, kết quả thử nghiệm chỉ có 38,9 ppm, đạt 1,9% so với hàm lượng được công bố. Phân bón NPK 30-30-10 của Công ty cổ phần SX TM DV và XNK GoldFamrm, thành phần công bố Nts: 30%, P2O5hh: 10%, K2Ohh: 10%, kết quả thử nghiệm: Nts: 27,1%, P2O5hh: 9,92%, K2Ohh không có.

Phân Đạm S+30 plus của Công ty TNHH Con Cò Vàng hàm lượng S hoàn toàn không có. 2 sản phẩm của Công ty TNHH SX TM Tứ Quý là: Phân bón vi lượng Tứ Quý hiệu ra mủ cao sau 7 tác động, theo công bố của nhà sản xuất, hàm lượng chất B: 2000 ppm nhưng thực chất chỉ có 17,9 ppm, đạt 0,9% so với công bố. Phân bón vi lượng Tứ Quý siêu ra mủ 8 tác động 2,5. Hàm lượng chất B được Công ty công bố là 2000 ppm nhưng thực chất chỉ có 18,1 ppm. Phân bón vi lượng NGH vi lượng 01 Song Ngưu (Super canxi lan) của Công ty TNHH SX TM DV Song Ngưu, hàm lượng chất B công bố là 2.000 ppm, thực chất chỉ có 83,2 ppm, đạt 4,2% so với hàm lượng đã công bố.

Phân bón hỗn hợp NPK TĐ lúa TE 01, NPK 20-15-7 của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ cao quốc tế Con Cò Vàng (Con Cò Vàng HiTech Group) có thành phần được công bố Nts: 20%, P2O5hh: 15%, K2Ohh: 7%. Kiểm nghiệm cho kết quả: Nts: 19,1%, P2O5hh: 9,18%, K2Ohh: 1,28%. Hàm lượng K2Ohh chỉ đạt 18,3% so với mức đã công bố.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cho biết: phân bón kém chất lượng, phân bón giả trên thị trường hiện nay là khá phổ biến. Đầu năm đã chuyển 1 vụ sang cơ quan điều tra để khởi tố hình sự.

Rất khó để tin rằng các công ty hoặc cơ sở sản xuất không biết mức độ thiệt hại mà nông dân phải chịu. Có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ thực vât số 41/2013/QH13, Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14, Luật Xử phạt vi phạm hành chính, và nhiều nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính đã được áp dụng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chương 2 nêu rất cụ thể “Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng”. Điều 19: Trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng quy định:

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng theo đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Trong quá trình thực hiện trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh cần bảo đảm sự phù hợp với các nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, giới tính, thu nhập, khu vực địa lý, dân tộc, tình trạng sức khoẻ, đặc điểm tâm thần, thể chất.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cảnh báo sản phẩm, dịch vụ có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và thông báo về các biện pháp phòng ngừa.

Luật quy định là vậy, nhưng hiếm khi các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng chịu trách nhiệm hay đứng ra bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho người tiêu dùng.

Ông Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh cho biết: "Sở Công Thương phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo để thực hiện kiểm soát tình hình. Giao nhiệm vụ cho nhiều sở.

Giao cho Sở Tài chính chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thanh tra, kiểm tra, niêm yết giá, thực hiện giá theo quy định về phân bón. Sở Công Thương phối hợp các ngành liên quan cung cấp tài liệu thông tin để quản lý phòng vệ thương mại, khi có tranh chấp thương mại thì can thiệp báo cáo về Bộ Công Thương.

Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát công bố nhu cầu sử dụng trong từng mùa vụ đối với từng loại phân bón, tăng cường công tác kiểm tra thanh tra các hoạt động cung cấp phân bón trên thị trường. Cục Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch để thanh tra kiểm tra để xử lý các hành vi vi phạm chất lượng hàng hoá, gian lận thương mại.

Nông dân cho rằng cần phải có biện pháp xử lý mạnh hơn. Theo ông Tô Hữu Hạnh ở xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành: "Nhà nước có Hải quan, Cục Thuế, Quản lý thị trường, một lực lượng rất mạnh. Phân bón giả, kém chất lượng không phải là một nắm nhỏ mà kho kho, bao bao tung ra thị trường. Bắt bữa nay, xử phạt rồi bán tiếp hoặc là lặn xuống như nấm mấy ngày sau bán tiếp. Nhà nước xử phạt mấy người bán phân giả như bắt cóc bỏ dĩa. Chỉ có nông dân thiệt đơn thiệt kép".

Chị Nguyễn Ngọc Minh Thơ ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu kiến nghị: "Nhà nước phát hiện lô hàng nào giả thì can thiệp kịp thời để giúp nông dân chứ nếu phân bón đó cứ trà trộn vô thì nông dân chỉ có nghèo".

Ông Phạm Minh Thông- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành nói rằng: "Khi phát hiện và xử phạt các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng thì đơn vị chức năng thông báo luôn cho nông dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua Hội Nông dân cơ sở".

Phân vi lượng bón rễ ( LAN CANXI BO) và phân bón lá Garden HT- 09 giả

Khi nông dân chỉ còn biết trông chờ vào các cơ quan quản lý nhà nước

Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng tinh vi. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ sở thường bày bán các sản phẩm với số lượng rất ít nhằm né tránh thanh tra và truy xuất nguồn gốc. Đã có nhiều nghị định quy định xử phạt hành chính đối với những vi phạm về gian lận thương mại, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng giả ở lĩnh vực phân bón.

Kinh doanh phân bón giả có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tuỳ theo mỗi hành vi vi phạm. Thế nhưng vẫn không thể ngăn chặn được thực trạng này. Bởi nghị định, quy định xử phạt vẫn có kẽ hở để các cơ sở kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng lợi dụng lách qua trót lọt. Nông dân vẫn khổ. Đơn vị chức năng cũng gặp khó.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cho biết: "Theo pháp luật hiện nay thì mình chỉ xử phạt được những đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh mình thôi. Cho nên đa số quyết định xử phạt của chúng ta là xử phạt đại lý chứ không xử phạt được doanh nghiệp sản xuất.

Mặc dù mức phạt không phải là thấp nhưng trên tổng khối lượng hàng hoá thì lại chưa cao. Và như vậy là còn khả năng họ vẫn có lợi nhuận. Và còn có lợi nhuận thì hàng giả vẫn còn. Chúng ta vẫn còn kẽ hở trong pháp luật. Phát hiện đã khó rồi, mà phát hiện ra xử lý đến nơi đến chốn cũng là khó. Chưa kể là khi phát hiện thì phần lớn phân bón đã được tiêu thụ trên thị trường, không còn mẫu để kiểm nghiệm nên xử phạt nó vẫn thấp hơn số đáng lẽ phải xử phạt".

Khi gián tiếp đưa ra thị trường sản phẩm giả, kém chất lượng, các đại lý thường cho là mình không sản xuất, chỉ lấy từ các công ty để bán ra. Vậy họ có vô can trong việc này hay không? Ông Lê Văn Toàn ở xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu bày tỏ bức xúc khi nông dân bị thiệt hại không thấy ai chịu trách nhiệm. Đề nghị Nhà nước có quy định cơ sở sản xuất hàng giả phải có trách nhiệm với nông dân khi bán ra hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh khẳng định: "Đại lý bán phân bón giả, kém chất lượng phải chịu trách nhiệm. Bởi pháp luật yêu cầu khi kinh doanh là phải ký hợp đồng chặt chẽ với công ty đó. Thứ 2 nữa là họ phải chịu trách nhiệm bởi vì là thực sự họ cũng biết. Nếu công ty làm ăn chân chính thì giá bán phải hợp lý, hoa hồng cũng vừa phải, những người cho hoa hồng quá cao, giá bán rẻ thì họ cũng phải nghi ngờ là giá sản xuất như vậy tại sao họ lại bán giá rẻ vậy. Cho nên tôi cho rằng người bán không vô can trong việc đưa phân bón giả, kém chất lượng ra thị trường".

"Một mặt chúng ta nghĩ rằng là chúng ta phải kiến nghị với bộ, ngành, Trung ương, Chính phủ tăng biện pháp xử lý, tăng mức phạt lên đồng thời có giải pháp căn cơ hơn, chặt chẽ hơn để quản lý thật tốt mặt hàng này.

Nhưng một mặt tôi nghĩ là chúng ta cũng phải làm thường xuyên, liên tục hơn, kiểm tra thường xuyên liên tục. Hiện nay, chúng tôi đã quán triệt cho anh em nếu khi nào có 1 sản phẩm kém chất lượng hoặc giả thì công ty đó được ghi vào danh sách đen. Và sản phẩm tương tự của công ty bán ở những đại lý khác cũng được thường xuyên thanh kiểm tra và lấy mẫu.

Và khi phát hiện ra chúng tôi sẽ thông báo cho bộ, cơ quan cấp trên, thông báo cho cơ quan báo chí, cho tất cả đại lý trong tỉnh kinh doanh phân bón là công ty này có làm sản phẩm này giả, kém chất lượng để họ hạn chế hoặc không bán sản phẩm đó nữa.

Đồng thời thông báo về địa phương nơi đặt trụ sở của công ty để họ phối hợp với mình quản lý. Tương tự như vậy nếu chúng tôi nghe ở tỉnh nào đó có xử phạt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mình, chúng tôi cũng sẽ kiểm tra doanh nghiệp đó để nếu còn phân bón giả, kém chất lượng trong kho, chúng tôi xử lý luôn tại đây. Bước đầu tôi thấy có tác dụng", ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh nhấn mạnh.

 Hàng giả, hàng kém chất lượng nói chung và nói riêng là phân bón giả, kém chất lượng như là một vấn nạn đang tồn tại. Chấm dứt vấn nạn này xem ra rất khó khăn khi mà các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn hiệu hàng hoá chưa được một số doanh nghiệp coi trọng.

Trong bối cảnh hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng cho mình về chiến lược chống hàng giả, nhất là công tác truyền thông về sản phẩm và chủ động đề xuất, bắt tay với các cơ quan Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống hàng giả.

Về phía nông dân, rất khó để phân biệt đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng; vì thế trước mắt cần lựa chọn nhãn hiệu, thương hiệu tốt, có uy tín, đại lý có uy tín. Không ham đồ rẻ, không mua thiếu.

Lưu mẫu, lấy hoá đơn khi mua. Nông dân mua phân bón với số lượng lớn có thể yêu cầu kiểm nghiệm sản phẩm. Khi có những dấu hiệu nghi ngờ về chất lượng phân bón thì báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh.

Phương Quỳnh

Tin cùng chuyên mục