Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lao động nông thôn thay đổi để thích ứng thực tế
Chủ nhật: 23:34 ngày 27/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mô hình lao động tập trung thông qua nhóm vừa mang lại việc làm cho nhiều lao động tại vùng nông thôn, vừa giúp công việc sản xuất của nhà nông được thuận lợi hơn.

Nhân công thu hoạch mãng cầu.

Những năm gần đây, nhiều người trong độ tuổi lao động ở các khu vực nông thôn thường tìm việc làm trong các xí nghiệp. Nguồn lao động cho sản xuất nông nghiệp biến động không ít, có thời điểm lao động trở nên khan hiếm nhưng cũng có những lúc lao động thừa không có việc làm thường xuyên. Tuy nhiên, lao động nông thôn hiện nay đã có những thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế, để dễ tìm việc hơn.

Chị Dương Thị Thu Trang, ngụ ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành từng làm công nhân, khoảng 10 năm nay, chị trở về địa phương làm đầu công, kết nối, cung cấp nhân công cho người có nhu cầu.

Chị Trang cho biết có thể huy động từ vài người đến vài chục người, tuỳ theo nhu cầu công việc. Tại địa phương, việc làm chủ yếu là trồng và thu hoạch ớt, hàng bông các loại, nhổ mì, chặt mía, cạo mủ cao su… Một ngày công được trả từ 100.000 đồng trở lên tuỳ theo công việc.

Thời gian gần đây, do dịch bệnh, thời tiết làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nên nhân công thường xuyên không có việc làm. “Trước đây, nhiều nhóm nhân công sang cả Campuchia làm thuê, từ khi xảy ra dịch bệnh thì không đi được. Sản xuất nông nghiệp ở địa phương cũng không ổn định do giá vật tư tăng, giá bán không ổn định, thời tiết thất thường dẫn đến người làm thuê thất nghiệp khá nhiều”- chị Trang chia sẻ.

Chị Trang vừa làm đầu công vừa trực tiếp lao động. Từ trước tết đến nay, chị chuyển sang chặt mía thuê, sắp hết vụ mía thì đi tìm những việc khác. Chị nói: “Lao động nhiều năm nên không gặp khó khăn gì, tôi có thể làm được nhiều việc để kiếm sống; chỉ lo những lúc công việc không có thường xuyên, làm một ngày nghỉ hai, ba ngày thì cuộc sống không thoải mái”.

Là người làm công theo nhóm, chị Nguyễn Thị Ly (ngụ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) được bảo đảm có việc thường xuyên. Chị chia sẻ, lúc dịch bệnh, việc làm bị ảnh hưởng nên gặp khó khăn, nay công việc đã ổn định lại. “Làm việc theo nhóm, tôi có công việc thường xuyên hơn trước, có ngày kiếm hơn 200.000 đồng, đủ chi tiêu cho gia đình”- chị Ly cho biết.

Người sản xuất nông nghiệp cũng an tâm thuê lao động theo nhóm, vì bảo đảm đủ nhân công khi có nhu cầu. Chị Phan Thị Thu Thuý, ngụ ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành có 7 mẫu lúa, mỗi năm làm hai vụ và cần nhiều nhân công cho việc sạ lúa, chăm sóc, thu hoạch. Có những lúc vào vụ, tình trạng “kẹt” nhân công xảy ra, chị Thuý rất lo lắng. Từ khi có tổ đầu công của phụ nữ do Hội LHPN xã Ninh Điền thành lập, chị giảm bớt sự lo lắng như trước vì bảo đảm được nhân công khi cần.

Nhiều năm trồng mãng cầu, những lúc vào vụ tuốt lá, bấm nhánh, thụ phấn hoa hay thu hoạch trái phải làm đồng loạt, chị Lê Kim Liên (ngụ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) đều nhờ đầu công gọi giúp nhân công.

Chị chia sẻ: “Kêu công thông qua đầu công thuận tiện hơn so với kêu công lẻ. Mình chỉ cần nói công việc, số lượng người là được đáp ứng. Kêu công qua đầu công cũng an tâm vì mình có thể chọn những tốp công “lành nghề”, bảo đảm kỹ thuật”. Theo chị Liên, tuỳ công việc, thời gian làm việc mà giá thuê dao động từ 100.000 đồng - 400.000 đồng/người.

Ông Hà Văn Hùng, ngụ ấp Ninh Phú, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu là người chuyên trồng hàng bông. Với diện tích khoảng nửa mẫu đất, khi trồng đậu rồng hay đậu đũa, ông chỉ kêu thêm 2 đến 4 người cùng làm việc. "Nhân công ít nên tôi thường kêu công lẻ. Giá thuê mướn dao động khoảng 130.000 đồng/người/buổi”- ông Hùng cho biết.

Có thể nói, mô hình lao động tập trung thông qua nhóm vừa mang lại việc làm cho nhiều lao động tại vùng nông thôn, vừa giúp công việc sản xuất của nhà nông được thuận lợi hơn.

Vi Xuân

Tin cùng chuyên mục