Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lấp lánh ngôi sao đèn lồng Giáng sinh
Thứ sáu: 20:03 ngày 18/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hàng chục năm qua, trong con hẻm nhỏ phía sau Nhà thờ giáo xứ Tây Ninh thuộc khu phố 3, phường II (thành phố Tây Ninh), có một nơi làm lồng đèn Giáng sinh đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Đó là gia đình của chị Nguyễn Thị Thanh Thuý.

Lấp lánh ngôi sao đèn lồng Giáng sinh.

Chị Thuý cho biết, cứ mỗi năm, khoảng đầu tháng 11, gia đình chị lại nhận làm lồng đèn Giáng sinh ngôi sao 5 cánh để đem bán ở các nhà thờ, hoặc làm theo đặt hàng của các gia đình có đạo.

“Làm lồng đèn Giáng sinh là nghề truyền thống của gia đình tôi có từ thời ông nội, khi cả nhà còn ở Tha La xóm đạo (xã An Hoà, thị xã Trảng Bàng ngày nay). Sau này, các cô và ba tôi tiếp nối nghề này. Đến giờ, người thì già, người thì đã mất, chỉ còn tôi giữ nghề của gia đình. Hơn 10 năm nay, sau khi ba mất, tôi bắt đầu hướng dẫn cho các thành viên của Hội Cầu nguyện thuộc Giáo xứ Tây Ninh cùng làm”, chị Thanh Thuý cho biết.

Đến hẹn lại lên, các chị, các dì lại tập trung làm lồng đèn ngôi sao Giáng sinh.

Cũng như như mọi năm, năm nay, các thành viên của Hội Cầu nguyện lại cùng nhau quây quần làm lồng đèn. Những chiếc lồng đèn ngôi sao Giáng sinh được làm hoàn toàn thủ công. Từ những thanh tre, mẫu giấy, qua bàn tay khéo léo của mọi người đã trở thành chiếc đèn ngôi sao lung linh, sặc sỡ.  

Những chiếc lồng đèn sau khi hoàn thiện sẽ được trang trí ở các nhà thờ, xóm đạo. Nhìn thấy những chiếc lồng đèn ngôi sao Giáng sinh lấp lánh, thấp thoáng trên phố xá, ai cũng có thể cảm nhận được không khí Noel đang đến rất gần.

Từ lâu ngôi sao trở thành biểu trưng rất có ý nghĩa trong mùa Giáng sinh và được treo ở vị trí trang trọng nhất, trong các giáo đường, trước nhà hoặc trên các cây thông Noel. Những chiếc lồng đèn ngôi sao 5 cánh rực rỡ này không chỉ góp phần làm đẹp cho không khí Giáng sinh thêm lung linh sắc màu mà còn mang một ý nghĩa tâm linh: ánh sáng từ ngôi sao sẽ xóa tan bóng tối đêm đông lạnh giá và thắp lên một mùa xuân ấm áp, hạnh phúc cho trần thế.

Để làm được một chiếc lồng đèn ngôi sao Giáng sinh cũng khá kỳ công. Sản phẩm hoàn tất đều phải qua 3 công đoạn chính, đó là bẻ sườn, dán cánh và trang trí. Bẻ sườn là công đoạn khó và cần nhiều sức nên sẽ do các cánh đàn ông đảm nhận.

Bẻ sườn tạo khung cho chiếc lồng đèn là công đoạn khó và cần nhiều sức nên sẽ do các cánh đàn ông đảm nhận

Anh Chưởng- người phụ trách làm khung sườn lồng đèn cắt ngắn các cây trúc theo từng kích cỡ khác nhau của chiếc lồng đèn: từ 1m, 0,8m cho đến 0,5m và chẻ chúng thành những thanh nhỏ. Vừa dùng tay kết các thanh lại với nhau, anh Chưởng nhiệt tình chia sẻ cho chúng tôi những bí quyết trong nghề. Theo đó, để làm được chiếc lồng đèn đều và đẹp, đầu tiên phải có bộ khung thật chuẩn.

“Các cạnh khi ghép với nhau phải chính xác với nhau, nếu không các cánh của ngôi sao sẽ thành bên to, bên nhỏ”- Anh Chưởng nói.

Sau khi có được phần khung sườn, chị Thanh Thuý là người đảm nhận việc dán các cánh của ngôi sao.


Để làm một chiếc lồng đèn ngôi sao Giáng sinh phải trải qua nhiều công đoạn.

“Công đoạn này nhìn tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi phải có thật nhiều kinh nghiệm mới có thể làm đẹp được. Bởi vì, có người khi dán lên, phần giấy dán quá căng khiến lồng đèn dễ bung. Nếu dán lỏng tay lại khiến các cánh ngôi sao chùng xuống, không đủ độ căng cần thiết”- Chị Thanh Thuý chia sẻ.

Sau cùng là phần trang trí cho ngôi sao Giáng sinh. Những hoa văn, dây kim tuyến được các dì, các chị tỉ mẫn điểm tô cho ngôi sao thêm rực rỡ, lung linh. Tất cả các hoạ tiết trang trí cho ngôi sao Giáng sinh từ bông hoa hay chiếc lá… đều được chị Thanh Thuý cắt tỉa trước, sau đó gửi cho mọi người cùng làm. Có người rãnh rỗi thì đến làm cùng với nhóm, người bận rộn hơn cũng có thể nhận đem về nhà.

Việc làm lồng đèn ngôi sao Giáng sinh cũng “thu hút” các cụ già tham gia.

Ngồi cùng làm với mọi người, cụ Nguyễn Thị Trắng (đã hơn 81 tuổi), đang “chạy chỉ” cho các cạnh của ngôi sao bằng các mảnh giấy màu. Hằng ngày, 7 giờ sáng bà đi bộ đến chỗ mọi người tập trung cùng làm rồi ăn trưa ở đó, đến chiều về lại nhà.

“Già cả rồi nên ở nhà riết cũng buồn. Cứ năm nào tới lễ Giáng sinh, mọi người trong Hội tập trung làm, tôi cũng tham gia. Lâu lâu có dịp mọi người quây quần cùng làm lồng đèn, ngồi nói chuyện, ăn cơm với nhau tôi thấy vui lắm. Ngồi làm vậy chứ thấy khoẻ hơn hẳn lúc nằm không ở nhà”, bà Trắng móm mém cười chia sẻ.

Mỗi chiếc lồng đèn thành phẩm được bán với giá từ 50 ngàn đến 200 ngàn đồng tuỳ theo kích cỡ to hay nhỏ. Theo chị Thanh Thuý, những năm trước đây, số lượng người đặt mua lồng đèn để trang trí tại nhà khá nhiều. Nhưng, hai năm gần đây, số lượng đèn lồng giảm do thị trường đèn điện tử phát triển mạnh.

 “Dù số lượng người mua có giảm, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì việc làm lồng đèn vào dịp Giáng sinh. Nhiều người vẫn thích lồng đèn truyền thống làm thủ công hơn. Mỗi khi thấy những chiếc lồng đèn chính tay mình làm ra treo trang trọng ở trước nhà các tín đồ hay trên chóp cao của Nhà thờ, chúng tôi rất vui”- chị Thuý tâm sự.

Tốn khá nhiều thời gian và công sức để làm lồng đèn Giáng sinh, thu nhập cũng chỉ mang tính tượng trưng thế nhưng ai nấy cũng đều vui vẻ. Đến hẹn lại lên, mọi người lại cùng nhau quây quần, tỉ mỉ làm từng chiếc lồng đèn và cũng để gìn giữ một nghề truyền thống trong dịp Noel.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Thuý có truyền thống 3 đời làm lồng đèn ngôi sao Giáng sinh

“Số tiền bán được một phần được trích chia thù lao cho mọi người, phần còn lại chúng tôi dùng cho công tác từ thiện của Hội. Đó cách vừa giữ gìn truyền thống và cũng là làm sáng danh Chúa”, chị Thanh Thuý bày tỏ.

Không khí cuối năm tất bật, khoảng không gian nơi các chị, các dì làm lồng đèn cũng rôm rả không kém. Tiếng cười nói hoà lẫn vào âm thanh phố phường nhộn nhịp. Những chiếc lồng đèn ngôi sao Giáng sinh hoàn tất được đem phơi nắng, treo thành từng hàng dài, đung đưa trong gió, tô điểm thêm cho không khí cuối năm với đầy sắc màu đón chờ những điều an lành, hạnh phúc.

Sản phẩm hoàn thành được phơi nắng để cho khô các vết nối.

Ngọc Diêu - Hoà Khang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục