Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lập nghiệp trên vùng quê mới
Thứ ba: 01:56 ngày 27/09/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Những năm qua, có nhiều hộ gia đình quê ở tỉnh Bắc Ninh đã tìm vào vùng đất biên giới Tây Ninh, đến xã Tân Hà, huyện Tân Châu để làm ăn, sinh sống. Mỗi hộ đến đây với một hoàn cảnh khác nhau và buổi đầu trên quê mới hầu như ai cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Thế mà nhờ chí thú làm ăn, không ít hộ đã thoát nghèo, còn vươn lên làm giàu một cách chính đáng.

Ông Liêm (đứng trước) với vườn lan ngọc điểm sắp tới kỳ thu hoạch.

Hộ ông Lê Đình Liêm, 50 tuổi là một trường hợp điển hình. Hưởng ứng chính sách di dân, tháng 3.1993, ông Liêm cùng gia đình rời làng quê Hà Bắc cũ (nay là tỉnh Bắc Ninh) để vào Tây Ninh sinh sống. Gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác, đều được UBND xã cấp cho 1 ha đất để sản xuất và 0,1 ha đất để cất nhà ở. Các cư dân mới được bố trí ở ấp Tân Hà, xã Tân Đông, huyện Tân Châu (sau này, ấp Tân Hà tách ra khỏi Tân Đông, thành xã Tân Hà như hiện nay). Trên 1 ha đất sản xuất được chính quyền địa phương cấp cho ban đầu, ông Liêm trồng mì. Những năm sau, khi tích luỹ được vốn liếng, ông chuyển sang trồng cây cao su. Hơn 10 năm trước, mủ cao su có giá cao, bán mủ có lời nhiều, vợ chồng ông dành dụm tiền mua thêm đất tiếp tục trồng cao su. Tính đến nay, gia đình ông Liêm đã có trong tay 10 ha cao su đang kỳ thu hoạch. Không dừng lại ở đó, hai năm gần đây, ông Liêm còn đầu tư trồng lan ngọc điểm. Ông thu mua những cây lan nhỏ từ 2- 4 lá, do những người đi “săn” lan từ những cánh rừng ở Campuchia đem về bán lại. Sau đó, ông trồng lan vào những thanh gỗ cây vú sữa. Sau 2 năm chăm sóc, lan lớn, đủ tiêu chuẩn từ 7 lá trở lên, mỗi cây nặng hơn 1kg, ông thu hoạch bán cho các thương lái với giá 300 ngàn đồng/kg. “Hiện tại, tôi trồng được 400 mét vuông loại lan này, vừa rồi bán hai luống được 145 triệu đồng. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư trồng thêm một vườn lan khác với diện tích lớn hơn”, ông Liêm cho hay.

Vợ chồng ông Lê Bá Thuận, 47 tuổi tự tìm vào Tây Ninh hồi năm 1995, theo diện di cư tự do. Vì là di cư tự do nên gia đình ông Thuận không được cấp đất như nhiều gia đình khác. “Lúc đầu, chúng tôi ở nhờ nhà cha mẹ vợ, làm thuê làm mướn kiếm sống”- ông Thuận kể lại. Nhờ chí thú làm ăn và biết tiết kiệm, tích cóp tiền bạc, một vài năm sau vợ chồng ông mua được đất cất nhà ở ấp Tân Kiên và còn mua thêm một ít đất để trồng mì, chăn nuôi heo. Mỗi năm vợ chồng ông lại mua thêm một ít đất. Sau hơn 20 năm phấn đấu, đến nay, vợ chồng ông đã có hơn 10 ha đất nông nghiệp, trong đó, có 6 ha trồng cao su đang thu hoạch, số còn lại trồng mía, mì. Hai năm gần đây, vợ chồng ông Thuận mua thêm một phần đất ở ấp Tân Trung với giá 1,2 tỷ đồng để cất một căn nhà hai tầng lầu khang trang, rộng rãi ở gần chợ Tân Hà. Từ đó đến nay, vợ chồng ông ngưng hẳn việc chăn nuôi heo, chuyển sang kinh doanh các mặt hàng điện máy, điện gia dụng, đồ sắt, ống nước. “Con trai lớn của tôi đã tốt nghiệp đại học Bưu chính Viễn thông nên mở cửa hàng này cho nó buôn bán, còn đứa con út đang chuẩn bị vào đại học”- ông Thuận cho biết.

Anh Nguyễn Huy Thành Đồng, 31 tuổi, hiện ngụ ấp Tân Trung cũng là một điển hình của sự vươn lên từ hai bàn tay trắng. Anh Đồng thuộc thế hệ thứ hai của những cư dân Tân Hà gốc Bắc Ninh. Cha của anh, ông Nguyễn Huy Hiện là bộ đội xuất ngũ. Sau khi chiến trường ngưng tiếng súng, ông Hiện không trở về miền Bắc mà ở lại Tân Hà lập gia đình với một phụ nữ Việt kiều Campuchia. Anh Đồng sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất biên giới Tân Hà đầy nắng gió. Sau nhiều lần về thăm quê cha Bắc Ninh, anh nhận thấy ở xã Phù Khê có làng nghề đồ gỗ rất nổi tiếng, tại đây nhiều trai làng có tay nghề về mộc, chạm trổ, điêu khắc khá cao. Trong khi đó, ở xã Tân Hà có nhiều loại gỗ quý. Sau khi cân nhắc, tính toán, anh Đồng quyết định chọn cho mình con đường mưu sinh bằng nghề sản xuất đồ gỗ. Anh về Bắc Ninh thuê những trai làng giỏi nghề mộc vào Tân Hà làm công cho mình. Đồng thời, anh mở rộng khu nhà sau làm thành nơi chuyên sản xuất tủ, bàn, ghế các loại. Từ cơ sở nhỏ này, anh thường xuyên cho “xuất xưởng” nhiều bộ bàn ghế, tủ thuộc dạng cao cấp. Anh cũng xây dựng cho mình một cửa hàng trưng bày, giới thiệu và buôn bán các mặt hàng trên. Trưa ngày 16.9 vừa qua, chúng tôi đến thăm gia đình anh Đồng, thấy trong cửa hàng có trưng bày một số bộ bàn ghế, tủ cao cấp được đóng bằng các loại gỗ quý như cẩm lai, giáng hương với những đường nét, hoa văn, hoạ tiết rất tinh xảo. Giá mỗi bộ bàn ghế từ 200- 240 triệu đồng, tuỳ kích thước lớn nhỏ. Anh Đồng cho biết: “Các sản phẩm này làm bằng gỗ quý, mẫu mã đẹp, sử dụng bền nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hầu hết các sản phẩm làm ra đều có người đến mua. Các loại tủ, bàn ghế này chủ yếu bán cho bà con trong xã, trong huyện, một số ít bán ra ngoài tỉnh”.

Ngoài việc sản xuất kinh doanh đồ gỗ, hơn bốn tháng nay, người thanh niên gốc Bắc Ninh Nguyễn Huy Thành Đồng còn đầu tư mở một quán cà phê sân vườn tại nhà. Đây cũng là nơi các anh em đồng hương Bắc Ninh thường xuyên gặp gỡ, chuyện trò, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau cùng làm giàu trên quê hương thứ hai.

Qua câu chuyện trao đổi, ông Đoàn Xuân Trường- Bí thư Đảng uỷ Tân Hà nhận xét: “Nói chung, bà con quê gốc Bắc Ninh đều cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất. Từ chỗ chỉ có hai bàn tay trắng, đến nay, hầu hết mọi người đều đã có kinh tế gia đình ổn định. Trong xã hiện chỉ có một hộ quê Bắc Ninh còn thuộc diện nghèo, nhưng hộ này cũng đã được chính quyền địa phương giúp sửa chữa nhà ở”.

Tính đến nay, ở xã Tân Hà có khoảng 40 hộ dân quê Bắc Ninh đang cư ngụ. Điều đáng ghi nhận là những cư dân gốc Bắc ấy luôn có ý chí vượt khó vươn lên, làm giàu bằng chính đôi tay và ý chí, nghị lực của mình. Đến vùng quê mới, họ mang theo cả những nét đặc trưng văn hoá vùng miền như các làn điệu dân ca quan họ, các trò chơi dân gian: đấu vật, đấu cờ người, ném còn vv…vv… góp phần đa dạng hoá, làm phong phú thêm vốn quý văn hoá của địa phương Tân Hà nói riêng và tỉnh Tây Ninh nói chung.

Đại Dương

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục