Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Liên kết theo chuỗi giá trị-phát triển chăn nuôi bền vững
Thứ năm: 23:38 ngày 26/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong khi nhiều trang trại, gia trại rơi vào cảnh “điêu đứng” do tác động của dịch bệnh thì vẫn có không ít trang trại vững vàng giữa “bão dịch”, thậm chí thu lợi hàng tỷ đồng, đóng góp tích cực vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Trang trại gà của gia đình anh Tâm.

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh rơi vào khủng hoảng vì giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, nhưng giá vật nuôi lên xuống thất thường, đầu ra thiếu ổn định. Mặc dù vậy, vẫn có không ít các trang trại, gia trại “sống khoẻ” nhờ chủ động liên kết, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến cho người chăn nuôi trên địa bàn rơi vào tình trạng khó khăn. Nhiều hộ phải chấp nhận "treo chuồng”, hạn chế tái đàn vì lo ngại càng nuôi càng lỗ.

Theo một số đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đồng loạt tăng giá sản phẩm từ 300 - 2.000 đồng/kg. Các loại thức ăn thuộc nhóm nguyên liệu ngũ cốc tăng mạnh, từ 1.000 - 2.500 đồng/kg so với đầu năm, cụ thể giá lúa, bắp chăn nuôi là 9.000 đồng/kg, vỏ đậu nành khoảng 7.000 đồng/kg…

Anh Ðặng Ðình Ðông, ngụ ấp Bình Linh, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu cho biết: "Lứa vịt này tôi thả 1.000 con. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vịt quá lứa mà không bán được, giá thì xuống thấp nhưng cũng không ai mua do khó khăn trong vận chuyển. Trong khi đó, thức ăn mỗi ngày cho đàn vịt tốn khoảng 2 triệu đồng. Chỉ tính riêng lứa vịt này, gia đình tôi đã lỗ hàng chục triệu đồng.

Theo Sở NN&PTNT, trong tháng 7 vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên khâu tiêu thụ gặp khó khăn, giá gà xuống thấp. Ðến cuối tháng 7, toàn tỉnh còn tồn khoảng 1 triệu con gà lông trắng, tương đương 2.500 tấn thịt và hàng ngàn con vịt. Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT đã kiến nghị Bộ NN&PTNT có giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ, kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nông dân tiêu thụ gia cầm, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân.

Trong khi nhiều trang trại, gia trại rơi vào cảnh “điêu đứng” do tác động của dịch bệnh thì vẫn có không ít trang trại vững vàng giữa “bão dịch”, thậm chí thu lợi hàng tỷ đồng, đóng góp tích cực vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Ðơn cử như trang trại dế Oanh Vĩnh của anh Hồ Ðắc Vĩnh, ngụ tại ấp 7, xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Anh Vĩnh cho biết, năm 2005, anh bắt đầu nuôi lứa dế đầu tiên với số lượng khoảng 20 chuồng để cung cấp cho những người nuôi chim kiểng.

Quá trình nuôi, nhận thấy nếu chỉ nuôi dế làm thức ăn cho chim thì số lượng không được nhiều, nên anh quyết định chuyển qua nuôi dế thương phẩm và liên kết với một số hộ dân tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu và xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành để chăn nuôi.

Trang trại của anh nhận bao tiêu sản phẩm với giá thu mua 35.000 đồng/kg. Các sản phẩm dế chế biến sau thu hoạch như: dế đông lạnh, dế sấy sả ớt ăn liền, dế sấy bơ tỏi ăn liền... của trang trại dế Oanh Vĩnh được người tiêu dùng đón nhận. Mỗi tháng, sau khi trừ hết chi phí chăn nuôi, anh Vĩnh có thu nhập khoảng 25 triệu đồng.

Mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được một số trang trại, doanh nghiệp phối hợp thực hiện tốt, tạo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Ðơn cử như mô hình liên kết trong chăn nuôi giữa một số trang trại trên địa bàn tỉnh với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH CJ Vina Agri.

Với hình thức liên kết này, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, bảo đảm thị trường tiêu thụ, cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của doanh nghiệp, chăn nuôi theo hợp đồng ký kết.

Anh Vĩnh chăm sóc đàn dế.

Từ năm 2018, trang trại của anh Phạm Lê Tâm (xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên) nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Trang trại được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường, quản lý nghiêm ngặt trong việc phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm môi trường sống cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, anh Tâm còn xây dựng thêm một trang trại tại huyện Bến Cầu với tổng diện tích 40.000m2, mỗi năm nuôi hàng chục ngàn con gà.

Anh Tâm cho biết, việc nuôi gia công cho Công ty C.P giúp anh có thu nhập ổn định. Sau khi trừ chi phí, thu nhập của anh vào khoảng 500 triệu đồng/năm, đồng thời còn tạo việc làm cho một số lao động nông thôn.

Nhiều năm qua, anh Trần Mạnh Hùng, ngụ xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu có trang trại heo nuôi gia công cho Công ty TNHH CJ Vina Agri. Mỗi năm, anh Hùng nuôi được 2 đợt, mỗi đợt hàng ngàn con heo, trung bình từ 5-6 tháng sẽ xuất chuồng.

Với việc liên kết chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp, các chủ trang trại gần như có lãi do được cung cấp con giống chất lượng, không phải lo về đầu ra và giá cả; đồng thời được học hỏi và tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến.

Ông Nguyễn Thành Thúc- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y cho biết, các trang trại có sự liên kết trong chăn nuôi cơ bản không bị ảnh hưởng quá nhiều. Thời gian tới, Chi cục sẽ tập trung hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại quy mô lớn, thực hiện liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong chăn nuôi để tăng hiệu quả sản xuất, bảo đảm môi trường, phát triển chăn nuôi ổn định, bền vững.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục