Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hội thảo khoa học:
Lựa chọn mô hình và định hướng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài
Thứ bảy: 08:41 ngày 12/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 11.12, tại Tây Ninh, với sự hỗ trợ của Nhóm Hỗ trợ xúc tiến nhanh cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Tỉnh uỷ tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế Mộc Bài – lựa chọn mô hình và định hướng phát triển”. Hội thảo do ông Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn -Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương và ông Nguyễn Thành Tâm -Bí thư Tỉnh uỷ chủ trì.

Toàn cảnh Hội thảo.

Có 33 tham luận gửi đến hội thảo. Các đại biểu đã được nghe 6 tham luận, 10 ý kiến, hầu hết đều có chung nhận định, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững khu vực biên giới; là “cửa ngõ” giao thương với Campuchia và các nước trong khu vực. Tuy nhiên khu kinh tế này chưa phát huy đầy đủ tiềm năng, lợi thế.

Tiềm năng lớn nhưng phát triển chưa tương xứng.

Qua hơn 20 năm thành lập và phát triển, đến nay Khu KTCK kinh tế cửa khẩu Mộc Bài thu hút được 58 dự án đầu tư, 18 dự FDI và 40 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 455,88 triệu USD và 8.587,4 tỷ đồng. Hiện có 21 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 17.500 lao động địa phương; kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu đạt 878 triệu USD; số lượt phương tiện qua lại đạt 417.611 lượt. Bình quân mỗi năm có trên 2 triệu lượt người qua lại cửa khẩu.

Ông Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại buổi Hội thảo.

Ngân sách Nhà nước đã đầu tư 218,28 tỷ đồng (trong đó vốn TW 151,31 tỷ đồng; vốn địa phương 66,97 tỷ đồng) để xây dựng hạ tầng Khu KTCK Mộc Bài. Tuy nhiên, chỉ có 15% trên tổng diện tích đất đăng ký đầu tư được đưa vào sử dụng, khai thác, chủ yếu là các dự án sản xuất và dịch vụ, thương mại; các dự án có diện tích đất lớn, sử dụng nhiều đất không triển khai được do đền bù không liền thửa gây lãng phí tài nguyên, khó khăn cho quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đường biên chỉ khởi sắc vào những năm đầu khi áp dụng chính sách bán hàng miễn thuế cho khách nội địa tham quan, du lịch. Khi chính sách này thay đổi, hoạt động thương mại ngày càng bị thu hẹp dần.

Đến tháng 3.2018 các doanh nghiệp mua bán hàng miễn thuế đều ngừng hoạt động do Chính sách bán hàng miễn thuế của Chính phủ bị bãi bỏ. Quy hoạch chung Khu KTCK Mộc Bài đến nay đã không còn phù hợp nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời.

Động lực nào để Khu KTCK Mộc Bài phát triển?

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Nguyễn Thành Tâm - Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh khẳng định, Quán triệt chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phải nghiên cứu tìm ra động lực mới để phát triển Khu KTCK Mộc Bài tương xứng với tiềm năng, bắt kịp xu hướng phát triển công nghiệp, thương mại, đầu tư trong thời kỳ nước ta mở rộng hội nhập quốc tế sâu rộng, đưa nơi đây trở thành cực tăng trưởng cao của tỉnh trong tương lai.

Ông Nguyễn Thành Tâm-Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tỉnh uỷ Tây Ninh trân trọng cám ơn Hội đồng Lý luận Trung ương đã đồng cảm, chia sẻ trách nhiệm chính trị của tỉnh; quan tâm hỗ trợ Tây Ninh xúc tiến các nghiên cứu khoa học, tạo cơ sở lý luận cho việc báo cáo, đề xuất Trung ương về mô hình phát triển mới cho Khu KTCK Mộc Bài.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, trước yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, phát triển đô thị tại Khu KTCK Mộc Bài cần được nghiên cứu, xem xét đồng bộ. Khu KTCK Mộc Bài được đặt trong tầm nhìn, định hướng phát triển của đất nước.

Hạn chế lớn nhất trong thời gian qua là trông chờ nguồn đầu tư của nhà nước. Với diện tích đứng đầu Đông Nam Á và nằm ở vị trí thuận lợi, Khu kinh tế của khẩu Mộc Bài như một cửa ngõ kết nối; phải đa dạng hoá nguồn đầu tư, từ trong nước đến các quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Vì vậy, cần phải nhìn nhận đúng, phải chuyển đổi mô hình, phải lựa chọn nhà tư vấn hàng đầu, có năng lực kết nối và chọn nhà đầu tư có tầm chiến lược.

Các giáo sư, nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế đều thống nhất là phải thay đổi, có tầm nhìn đột phá để phát triển Khu KTCK Mộc Bài trong xu hướng hội nhập toàn cầu hiện nay.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn -Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, nếu chỉ dừng lại ở ưu đãi về thuế quan thì chưa khai thác đươc lợi thế của Khu KTCK Mộc Bài. Vấn đề chính là tập trung thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự lan tỏa trong khu vực và quốc gia.

Phương tiện qua lại tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Đây là gợi ý rất quan trọng cho việc lựa chọn mô hình định hướng phát triển của Khu KTCK Mộc Bài trong tương lai khi đứng trước xu thế toàn cầu hóa, cuộc cách mạng thứ 4, cơ hội thách thức của đất nước ta nói chung và Khu KTCK Mộc Bài nói riêng.

Các tham luận tại Hội thảo cũng đã đã gợi ý, đưa ra mô hình phát triển Khu KTCK Mộc Bài. Theo ông Phạm Phú Trường – Nhóm Hỗ trợ xúc tiến nhanh cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, phải định vị Khu KTCK Mộc Bài theo hướng tầm cỡ quốc gia khi dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra. Lợi thế của Tây Ninh là có đủ các yếu tố mà nhà đầu tư quan tâm.

Ông Phạm Phú Trường đề xuất định hướng phát triển cho Khu KTCK Mộc Bài. Thứ nhất, lấy công nghiệp làm động lực chính theo hướng công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, tạo ra giá trị gia tăng nội địa. Đây là yếu tố rất quan trọng, chúng ta rất mong doanh nghiệp trong nước sẽ kết nối được với các chuỗi cung ứng toàn cầu tại khu công nghiệp này. Thứ hai là khu đô thị thông minh, dịch vụ hoàn chỉnh nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và ngoài nước.

Đây cũng là một yếu tố quan trọng nếu không sẽ mất đi nguồn chất xám từ trong nước. Và điểm đáng chú ý nữa là ứng dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế, chính sách cơ chế đủ sức cạnh tranh trong khu vực nhằm thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ toàn cầu, đảm bảo vấn đề ngoại giao và an ninh quốc phòng.

Các tham luận cũng đưa ra nhận định, do vai trò của Tây Ninh cũng như Khu KTCK Mộc Bài trong bài toán tổng thể phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và yêu cầu cạnh tranh trong việc đón dòng chảy FDI trong thời kỳ mới, Trung ương cần tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ Tây Ninh, Khu KTCK Mộc Bài và các tỉnh lân cận phát triển cơ sở hạ tầng xứng với tiềm năng của Khu kinh tế.

Phải có cơ chế vượt trội, phù hợp để phát triển. Cơ chế tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, dịch vụ tốt, môi trường sống, đô thị thông minh an toàn tiện lợi trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế. Việc xây dựng các cơ chế chính sách có liên quan đến thủ tục hành chính, quản lý các nhà đầu tư cần phải xây dựng song song và đồng bộ với định hướng mới nhằm giúp các nhà đầu tư triển khai dự án nhanh chóng hơn so với các quốc gia khác.

Đại biểu tham dự buổi Hội thảo chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.

Kết quả Hội thảo sẽ được tổng hợp báo cáo Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.

Doanh thu hoạt động thương mại ở Khu KTCK Mộc Bài năm 2011 đạt 1.237 tỷ đồng, năm 2012 đạt 1.250 tỷ đồng, năm 2013 chỉ đạt 993 tỷ đồng, năm 2014 chỉ đạt 996 tỷ đồng, năm 2015 tiếp tục giảm xuống 386 tỷ đồng, 2016 đạt 434 tỷ đồng, năm 2017 đạt 476 tỷ đồng.

Phương Quỳnh

Tin cùng chuyên mục