Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Mai một nghề chằm nón lá Ninh Sơn
Thứ tư: 20:45 ngày 19/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Từ một nghề thủ công của “xóm người Trung”, đến nay, nghề chằm nón lá ở Ninh Sơn đã được công nhận là một nghề truyền thống tại Tây Ninh.

Không chỉ gắn liền với hình ảnh người nông dân, chiếc nón lá còn đi cả vào những câu thơ lời ca của nhiều nhà thơ, nhạc sĩ. Thế nhưng, hiện nay, nghề truyền thống này đang dần dần mai một.

Nón thành phẩm sau khi đã được đánh một lớp dầu bóng.

Trở lại “xóm người Trung”, nơi đã lưu giữ nghề chằm nón lá bấy lâu. Khi hỏi đường đến nơi làm nón lá, chúng tôi được người dân giới thiệu đến nhà bà Kiều Thị Hoa ở khu phố Ninh Thọ, phường Ninh Sơn, TP.Tây Ninh. Ở độ tuổi 76, bà Hoa vẫn ngày ngày miệt mài bên khuôn nón.

Chúng tôi thắc mắc vì sao lại gọi “xóm người Trung”, mà chỉ có những người trong xóm này mới biết chằm nón. Bà Hoa cười hiền từ rồi kể, ngày xưa nhiều người từ Bình Định vào đây lập nghiệp, họ ở thành một xóm nhỏ, lâu dần người ta gọi là “xóm người Trung”. Nghề làm nón này cũng theo người dân từ Bình Định vào. Sau bao năm, nghề làm nón vẫn không “phụ” người dân nơi đây, dù cho họ có đi dâu chăng nữa.

Bà Hoa còn kể thêm, hồi còn trẻ bà không biết làm nón. Từ lúc lấy chồng, sinh con nhỏ không thể đi cấy thuê được, bà “xin” theo một bác trong xóm theo học làm nón lá. Vậy rồi những tháng ngày thơ ấu của con bà cũng gắn liền với hình ảnh chiếc nón lá. Từ lúc học nghề chằm nón đến nay cũng gần 50 năm, dù có làm gì đi nữa thì giờ đây bà cũng chọn cách quay về với khuôn nón.

Tỉ mỉ từng mũi kim, chăm chút từng chiếc lá nón, mỗi ngày bà Hoa chỉ chằm được duy nhất một chiếc nón, không nhiều nhưng có lẽ đây là niềm vui lúc về già của bà. Vậy nên rất nhiều lần các cháu khuyên nghỉ nhưng bà vẫn bám nghề.

“Tôi già rồi, không thấy đường xỏ kim, chằm chậm lắm. Hôm nào khỏe tôi làm được một chiếc, bữa nào mệt tôi nghỉ. Tôi làm cho vui chứ giờ sức khỏe yếu không làm thuê được, ở nhà mà không làm gì thì buồn lắm”- bà Hoa chia sẻ.

Ông Hiểu cẩn thận luộc từng bó lá.

Nghề làm nón lá không cần nhiều vốn, nhưng người thợ phải chịu “ngồi kiềng”. Bởi để làm ra một chiếc nón phải trải qua rất nhiều khâu. Từ chẻ sườn, kéo lá đến xoay nón đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Người thợ phải cẩn thận chọn từng cây trúc già, chẻ làm miếng nhỏ, vót đều các cạnh mới có thể lên khung sườn. Nếu không vót bốn cạnh cho bớt sắc, khi chằm sẽ bị những sợi cước mỏng manh cắt đứt. Tiếp đến là kéo lá, đây là khâu quan trọng nhất, bởi lá kéo ra thẳng bóng, vẫn còn giữ được màu xanh thì chiếc nón làm ra mới đẹp.

Đối với những người mới học nghề, công đoạn xoay lá là khó nhất. Nếu xoay không khéo đầu nón sẽ không tạo thành xoáy hoặc xoáy không đẹp. Vì vậy, để có thể xoay được đầu xoáy nón đẹp không chỉ cần thời gian học mà cần sự khéo tay của người thợ. Xoay xong nón, người thợ phải chăm chút từng mũi kim, làm sao cho đều thì sản phẩm tạo ra mới đẹp mắt.

Mặc dù nghề chằm nón khá nhọc công, nhưng thu nhập lại không cao. Vì vậy, thế hệ trẻ hiện nay gần như không còn mấy ai mặn mà với nghề làm nón. Bà Lê Thị Kim Hà, 42 tuổi, cùng ngụ ở khu phố Ninh Thọ, chia sẻ: “Nghề làm nón này nói vất vả thì cũng không vất vả lắm, nhưng thu nhập không cao. Tôi làm cả ngày cũng chỉ được vài chục ngàn. Vậy nên giới trẻ bây giờ đi làm xí nghiệp hết rồi, còn những người trung niên thì cũng đi nhổ mì hay làm cỏ mướn. Khi nào không có công việc họ mới quay về làm nón”.

“Hồi trước, nhà ai cũng chằm nón, không chỉ phụ nữ thôi mà còn cả đàn ông, trẻ nhỏ cũng theo chằm. Còn bây giờ, đi mãi mới thấy được một nhà có người làm nón. Đa số họ chỉ làm thêm sau những buổi làm thuê, chứ cũng ít ai kiếm sống bằng nghề chằm nón nữa”- bà Hà nói thêm.

Bà Hoa chăm chút từng mũi kim.

Theo bà Hà, người dân thờ ơ với nón lá như hiện nay không phải vì đầu ra, mà bởi làm ra một chiếc nón lá lặt vặt rất nhiều khâu, nhưng lợi nhuận không cao như các nghề khác, chứ thật ra nhu cầu tiêu dùng  nón lá vẫn còn, và luôn trong tình trạng khan hiếm hàng. “Hơn nữa nguồn lá nón lại ít, hiện tại chỉ còn một điểm bán lá nón ở khu phố Ninh Trung, nếu chỗ này nghỉ thì chúng tôi cũng bỏ nghề chứ đâu có lá để làm”, bà Hà băn khoăn.

Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến cơ sở bán lá nón của ông Nguyễn Hữu Hiểu ở khu phố Ninh Trung, phường Ninh Sơn. Rất may, hôm chúng tôi đến cũng là hôm ông Hiểu luộc lá. Những bó lá xanh mướt lần lượt được ông cho ra lò.

Ông Hiểu bảo, đây là lá mật cật, chỉ có trong rừng. Để có được lá về bán cho bà con, ông Hiểu phải lên tận vùng biên giới mua lại của người dân Campuchia. Sau khi mang lá về phải lựa ra, xâu thành từng xâu rồi mới mang đi luộc.

Ông Hiểu cho biết: “Lúc trước lá nhiều, nhưng giờ rừng càng ngày càng thưa dần đi, khó khăn lắm mới mua được vài thiên lá về bán cho bà con. Nhiều lúc đi mua không được, tôi không có lá bán, bà con cũng phải nghỉ nghề bởi không có lá để chằm”.

Cẩm Tiên

Tin cùng chuyên mục