Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những năm gần đây, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước khởi sắc, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ những cây trồng truyền thống, kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Ông Nguyễn An Giang, ngụ ấp Cẩm An, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu mạnh dạn chuyển đổi hơn 2,43 ha đất chuyên sản xuất lúa sang trồng khóm xen canhgần 600 cây bưởi da xanh.
Năm 2018, được sự vận động của Hội Nông dân xã, ông Nguyễn An Giang, ngụ ấp Cẩm An, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu mạnh dạn chuyển đổi hơn 2,43 ha đất chuyên sản xuất lúa không hiệu quả sang trồng khóm xen canh gần 600 cây bưởi da xanh.
Ban đầu, nhiều người không tin ông Giang có thể thành công, một số người thân trong gia đình còn phản đối gay gắt. Thế nhưng với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, cùng với quyết tâm và nỗ lực vượt qua khó khăn của bản thân, đến nay với diện tích đất chưa đầy 2,5 ha, sản lượng khóm trung bình khoảng 30 tấn/năm, bưởi khoảng 9-10 tấn, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm, ông thu về không dưới 500 triệu đồng, cao hơn nhiều so với việc sản xuất lúa như trước đây.
Theo ông Giang, khi bắt đầu chuyển đổi sang trồng khóm, ông đã được một doanh nghiệp chế biến trên địa bàn huyện Gò Dầu ký kết chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, sau hơn một năm chăm sóc, khi cây khóm bắt đầu cho trái, đơn vị thu mua “bẻ kèo”, khiến ông gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết đầu ra.
Chính vì vậy, ông quyết định chuyển đổi một phần diện tích khóm để trồng xen canh cây bưởi, dự tính sau khi cây bưởi lớn cho thu hoạch ông sẽ dẹp bỏ khóm, chỉ giữ lại bưởi. Do mất đầu ra ổn định nên ông không thể làm trái cho khóm trong một đợt như trước mà phải chia nhỏ ra nhiều đợt để bán cho thương lái. Nhờ vậy, từng bước ông thu hồi vốn và có nguồn thu nhập ổn định để chăm sóc cây bưởi.
“Sau khi tìm hiểu nhiều nơi về cách chăm sóc vườn cây ăn trái, tôi nhận thấy việc hạn chế cỏ dại trên vườn cây là vấn đề rất khó khăn, chính vì vậy, tôi bỏ ý định phá bỏ vườn khóm mà duy trì chúng để hạn chế cỏ dại phát triển, vừa tạo thu nhập cho gia đình”- ông Giang chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn An Giang cho biết, từ khi chuyển đổi cây trồng, ông đã được các cấp chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc vườn cây ăn trái phát triển. Năm 2019, khi đang thiếu vốn sản xuất, ông được UBND và Hội Nông dân xã làm cầu nối giúp ông vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển sản xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Hiện nay, khóm và bưởi sau khi thu hoạch chủ yếu bán cho thương lái tại địa phương. Để nâng cao chất lượng sau thu hoạch, ông áp dụng các biện pháp sản xuất sạch, tăng cường các loại phân bón hữu cơ và tuân thủ quy trình cách ly khi phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của cơ quan chuyên môn, đồng thời, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để được chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong thời gian tới.
Ông Phạm Thành Thuế- Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Giang cho biết, những năm qua, ngành Nông nghiệp khuyến khích nông dân chuyển những diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn trái. 5 năm gần đây, nông dân trên địa bàn xã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chuyên canh các loại cây ăn trái như: sầu riêng, bưởi, khóm… có giá trị kinh tế cao. Trong đó, mô hình trồng khóm xen cây bưởi của ông Nguyễn An Giang bước đầu phát huy hiệu quả.
Hưởng ứng phong trào “Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới”, ông Giang cùng với nhiều hội viên Hội Nông dân xã tích cực đóng góp công sức, tiền của để thực hiện công trình giao thông nông thôn tại địa phương.
Trong đó, ông Giang đầu tư hơn 60 triệu đồng để làm cầu phao bằng sắt, nối liền đường Hóc Đùn, ấp Cẩm An, tạo điều kiện cho người dân và các loại xe cơ giới thuận tiện ra đến cánh đồng ven sông Vàm Cỏ Đông để lao động, sản xuất.
Ông Giang là hội viên Nông dân năng nổ, tích cực giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm; giúp đỡ, hỗ trợ những hội viên khác địa phương phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Minh Dương