Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Miền Nam trong trái tim Người
Thứ hai: 15:05 ngày 11/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cho đến những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, Bác Hồ vẫn không ngừng suy nghĩ về cuộc kháng chiến ở miền Nam, dành cho miền Nam nhiều tình cảm sâu đậm.

Đã có nhiều quyển sách, những tập ảnh với chủ đề "Miền Nam với Bác Hồ, Bác Hồ với miền Nam", trong đó đã khai thác khá đầy đủ các khía cạnh về tình cảm của Bác Hồ với nhân dân miền Nam. Do vậy, bài viết này muốn bàn về một khía cạnh khác thuộc về trí tuệ và hoạt động thực tiễn, đó là tầm nhìn và những chủ trương chiến lược mà Bác Hồ trực tiếp chỉ đạo trong cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam và thống nhất đất nước.

"Dân ta phải biết sử ta" và nỗi đau chia cắt

Thời tuổi trẻ của Bác Hồ, đất nước ta đang nằm trong đêm dài thuộc địa của thực dân Pháp: dân nghèo, mù chữ hơn 90%; nhiều cuộc khởi nghĩa đã thất bại vì sự đàn áp dã man của thực dân, phong kiến. Trong hoàn cảnh ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa kêu gọi đấu tranh bạo lực mà khuyên "dân ta phải biết sử ta", vì chính Người đã hiểu rất rõ lịch sử nước nhà với những nguyên nhân nào bị xâm lược và những sức mạnh nào để Việt Nam giành lại độc lập.

Trong dòng lịch sử ấy nổi lên những chiến công hiển hách, đánh bại nhiều thế lực phong kiến hùng mạnh nhất từ phương Bắc nhưng cũng để lại những "vết sẹo" của những thời kỳ chia cắt bởi Trịnh - Nguyễn phân tranh. Đến thời Pháp thuộc, chúng cũng chia đất nước thành ba kỳ với những chính sách cai trị khác nhau, đó là chính sách "chia để trị".

Thấu hiểu nỗi đau của tình trạng chia cắt đất nước nên xuyên suốt trong tầm nhìn và chủ trương chiến lược của Người, độc lập dân tộc và thống nhất Bắc Nam luôn gắn chặt với nhau thành một thể thống nhất.

Nam Bộ kháng chiến và phong trào Nam tiến

Trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh đã lên án những chính sách cai trị hà khắc của thực dân Pháp và phát xít Nhật đối với nhân dân ta, mạnh mẽ lên án thủ đoạn chia cắt Việt Nam: "... Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết". Như vậy, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ đã đưa vấn đề thống nhất Bắc Nam vào nội dung quan trọng nhất của bản Tuyên ngôn độc lập.

Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai bằng hành động tấn công lực lượng cách mạng ở Sài Gòn. Trung ương Đảng dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ đã nhất trí với quyết tâm kháng chiến của nhân dân Nam Bộ, đồng thời chủ trương phát động phong trào Nam tiến chi viện lực lượng cho quân và dân miền Nam.

Ba ngày sau, 26-9-1945, Bác Hồ đã gửi thư kêu gọi đồng bào Nam Bộ: "Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ, chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quân dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng...".

Cũng ngay trong ngày hôm đó, một chi đội quân tình nguyện đã xuất phát từ ga Hàng Cỏ lên đường Nam tiến. Tiếp sau đó là nhiều chi đội khác xuất quân vào các chiến trường miền Nam. Như vậy, ngay từ ngày đầu lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã dành cho miền Nam sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp và đặc biệt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng chiến sĩ miền Nam năm 1965. (Ảnh tư liệu)

Tầm nhìn đi trước thời đại

Hiệp định Genève 1954 lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương phản ánh tương quan thực tế trên chiến trường và những quan điểm ngoại giao của Đảng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Hồ: Thắng lợi to lớn của hiệp định là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã giành lại một nửa đất nước và những điều khoản rất quan trọng khác, đặt tiền đề pháp lý cho công cuộc thống nhất đất nước.

Đó là điều khoản về vĩ tuyến 17, được nhấn mạnh: "Dù bất kỳ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ" - tức là sự chia cắt đó chỉ là tạm thời, hai miền phải thống nhất trước tháng 7-1956 bằng tổng tuyển cử tự do dân chủ.

Điều khoản này bảo đảm tính hợp pháp quốc tế cho cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam sau này, khi phía bên kia không thi hành hiệp định, không tiến hành tổng tuyển cử. Nói cách khác, Hiệp định Genève đã tránh được tình trạng phân chia đất nước thành 2 quốc gia độc lập như trường hợp nước Đức và Triều Tiên. Từ điều khoản đó mà miền Bắc đã công khai trở thành hậu phương lớn, miền Nam trở thành tiền tuyến lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là tầm nhìn chiến lược rất xa của Đảng và Bác Hồ.

Về tập kết lực lượng: Trên những chuyến tàu chuyển quân ra Bắc còn có một bộ phận rất đặc biệt, đó là các em thiếu niên trong độ tuổi học trò, là con em các gia đình cách mạng được ra miền Bắc và học tập trong các "trường học sinh miền Nam".

Chủ trương này của Đảng và Bác Hồ không chỉ thể hiện tính nhân văn, chăm lo cho thế hệ trẻ của miền Nam mà còn là "vườn ươm tài năng" cho cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng miền Nam sau ngày giải phóng. Rất nhiều các cựu học sinh của các "trường học sinh miền Nam" đã trở thành các sĩ quan quân đội trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu và nhiều người khác trở thành những cán bộ chủ chốt của nhiều ngành kinh tế, kỹ thuật trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở miền Nam sau này. Đó là tầm nhìn "vì lợi ích trăm năm trồng người" của Bác Hồ dành cho miền Nam.

Về Chiến lược kháng chiến: Ai cũng biết bài thơ chúc Tết năm 1969 của Bác Hồ có câu: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" nhưng sau khi kháng chiến thắng lợi người ta mới nhận thấy đó không chỉ là một vần thơ mà còn là sự chỉ đạo chiến lược cho cuộc kháng chiến, hay một "quy trình" giành thắng lợi mang tính biện chứng sâu sắc.

Ở thời điểm số lính Mỹ có mặt ở miền Nam lên đến hơn nửa triệu quân, cùng với gần 1 triệu quân của chính quyền Sài Gòn thì việc giành thắng lợi không thể diễn ra theo kịch bản tiêu diệt hoàn toàn hoặc đánh tan một lực lượng gần 1,5 triệu quân với vũ khí trang bị mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Do đó, phải đuổi được quân Mỹ đi trước rồi lật nhào quân ngụy sau là giải pháp khả dĩ và thực tế hơn cả.

Lịch sử đã chứng minh điều đó: Hiệp định Paris tháng 1-1973 đánh dấu thời điểm "Mỹ cút" và 30-4-1975 là thời điểm "ngụy nhào". Như vậy, tất cả đã nằm trong tầm nhìn và chủ trương chiến lược mà Người đã vạch ra từ khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam còn đang gặp nhiều khó khăn, ác liệt.

Bác Hồ hoàn thành bản “Di chúc” khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam còn đang ở thời kỳ đầy khó khăn, ác liệt nên đó cũng là vấn đề đầu tiên Bác viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài..., đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất... Nam Bắc nhất định sum họp một nhà...”.

Nguồn NLDO

Tin cùng chuyên mục