Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Mô hình thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất đậu phộng cho hiệu quả cao
Thứ hai: 09:58 ngày 29/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao TBKT nông nghiệp cho biết thêm, dự án “Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hoá sản xuất đậu phộng tại các vùng trồng chính” giúp nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.

Nông dân xã Thạnh Đức (Gò Dầu) cùng nhân viên Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao TBKT nông nghiệp bên mô hình.

Đậu phộng là một trong những cây trồng thế mạnh của Tây Ninh, được trồng nhiều ở các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu. Những năm gần đây, nhiều nông dân không còn trồng đậu phộng mà chuyển đổi cây trồng khác nên diện tích cây đậu phộng ngày càng giảm. Trong khi đó, cây đậu phộng là cây ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, có thể dùng làm đối tượng chuyển đổi cơ cấu cây trồng luân canh trên đất lúa.

Nguyên nhân chính của tình trạng giảm mạnh diện tích trồng đậu phộng là do chưa được cơ giới hoá trong các khâu sản xuất. Các khâu xuống giống, thu hoạch phải cần nhiều nhân công. Trong khi lao động ở nông thôn ngày càng trở nên khan hiếm vì đa số đi làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp nông dân trồng đậu phộng phải rất vất vả tìm công thu hoạch mỗi khi vào vụ. Mặt khác, do công lao động khan hiếm nên giá thuê nhân công ngày càng tăng cao, làm tăng chi phí đầu tư.

Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (TBKT) nông nghiệp, thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đã triển khai thực hiện mô hình thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất đậu phộng (thuộc dự án xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hoá sản xuất đậu phộng tại các vùng trồng chính).

Năm 2017, mô hình được triển khai thực hiện ở xã Truông Mít; năm 2018 được triển khai tại xã Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu). Mục tiêu đến là nâng cao tỷ lệ áp dụng cơ giới hoá lên 70% trong các khâu sản xuất, hiệu quả kinh tế mô hình tăng 20% so với sản xuất đại trà.

Tại xã Cầu Khởi, mô hình thực hiện trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 11.2018, diện tích trồng 15 ha với 75 hộ tham gia. Giống đậu phộng sử dụng là GV3 và VD2. Nông dân tham gia mô hình được tập huấn về kỹ thuật sản xuất gieo trồng đậu phộng thương phẩm gắn với cơ giới hoá.

Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao TBKT nông nghiệp còn tổ chức 3 lớp tập huấn cho khoảng 90 nông dân không tham gia mô hình nắm được quy trình kỹ thuật canh tác đậu phộng thương phẩm và giới thiệu một số thiết bị, máy móc trong các khâu gieo hạt, thu hoạch và bứt củ, qua đó, nông dân có thể áp dụng vào quá trình sản xuất tại hộ gia đình, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ gia đình khác.  

Ông Phan Văn Phi (ngụ ở ấp Khởi An, xã Cầu Khởi), là một trong những nông dân tham gia vào mô hình này, cho biết, gia đình ông có đất sản xuất 2 ha, hằng năm sản xuất 3 vụ gồm: vụ lúa Đông Xuân, đậu phộng vụ Hè Thu và hoa màu ở vụ Mùa.

Trước đây, nông dân sản xuất đậu phộng chủ yếu thuê công lao động, chưa áp dụng cơ giới hoá. Khi tham gia vào mô hình này, ông bắt đầu cơ giới hoá ở khâu gieo hạt, thu hoạch và bứt củ. Máy móc tham gia vào quá trình sản xuất đã giúp ông tiết kiệm được chi phí đầu tư, tăng năng suất lao động. Ông Phi giải thích: “Chẳng hạn với khâu lặt đậu, nếu thuê nhân công tôi phải tốn 25.000 đồng/giạ.

Còn dùng máy bứt củ thì chi phí khoảng 22.000 đồng/giạ mà đậu được lặt sạch hơn, tỷ lệ hư hao, thất thoát cũng thấp”. Ông Phi ước tính, với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg, lợi nhuận ông thu về từ trồng đậu phộng khoảng 40 triệu đồng/ha. Còn nếu không có cơ giới hoá, lợi nhuận chỉ khoảng 30 triệu đồng/ha. 

Hiện nay, mặc dù mô hình trình diễn này đã kết thúc nhưng thấy được lợi ích của cơ giới hoá, ông Phi và nông dân trong vùng đã tiếp nhận và duy trì trong sản xuất. Máy móc chủ yếu được thuê từ các xã lân cận. Ông Phi chia sẻ, nhu cầu sử dụng nhiều nhưng số lượng máy móc còn hạn chế nên có những lúc không đủ máy để làm, nông dân vẫn phải thuê nhân công lao động cho kịp mùa vụ. 

Ông Nguyễn Minh Hải - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cầu Khởi cho biết, việc thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hoá mang lại hiệu quả cao trong canh tác cây đậu phộng, giải phóng được công lao động. Có cơ giới hoá, nông dân rất phấn khởi bởi năng suất, chất lượng nông sản tăng, mang lại lợi nhuận cao. 

Theo Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao TBKT nông nghiệp, mô hình hỗ trợ cơ giới hoá khâu gieo trồng bằng máy gieo đậu phộng 5 hàng, khâu thu hoạch, bứt củ. Ngoài ra, mô hình còn áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây đậu phộng... Bước đầu, nông dân vẫn còn lạ lẫm với máy móc áp dụng trong sản xuất đậu phộng và còn hoài nghi về hiệu quả của máy móc. Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất, nông dân rất muốn tiếp cận về các loại máy móc này.

Trong thời gian thực hiện mô hình, thời tiết ít mưa, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh hại. Tuy nhiên, cũng do ít mưa nên tình trạng thiếu nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của cây. Kết quả từ mô hình năm 2018 cho thấy, năng suất thu hoạch đạt trung bình 4,4 tấn/ha. Trong khi đó, canh tác đại trà (sản xuất thủ công) chỉ cho năng suất 3,8 tấn/ha. Với giá bán 26.000 đồng/kg (tại thời điểm thực hiện mô hình), lợi nhuận thu về từ áp dụng cơ giới hoá đạt khoảng 57 triệu đồng/ha, tăng trên 40% so với sản xuất đại trà.

Tuy nhiên, số lượng máy móc hỗ trợ còn khá khiêm tốn nên việc luân chuyển giữa các hộ rất khó khăn- nhất là khi việc gieo hay thu hoạch cần thực hiện nhanh chóng để kịp tiến độ mùa vụ. Một khó khăn khác là cơ giới hoá cần áp dụng trên một diện tích lớn, trong khi diện tích mô hình là 15 ha nhưng số hộ tham gia là 75 hộ thì việc chia nhỏ diện tích cho các hộ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc cơ giới hoá.

Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao TBKT nông nghiệp cho biết thêm, dự án “Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp, áp dụng cơ giới hoá sản xuất đậu phộng tại các vùng trồng chính” giúp nông dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, dự án đáp ứng một phần nhu cầu cơ giới hoá cho nông dân trồng đậu phộng tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn hiện nay.

Năm 2019, mô hình tiếp tục được triển khai thực hiện tại xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu. Hiện nay, nông dân đang xuống giống bằng máy gieo hạt, dự kiến trong tháng 7.2019 sẽ hoàn tất trên toàn diện tích 15 ha.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục