Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Việc một doanh nghiệp mượn danh nghĩa di dời cơ sở lò mì ở địa phương này để xây dựng một nhà máy có công suất lớn gấp 400% ở địa phương khác; trong khi chưa hoàn chỉnh thủ tục đã vội vàng “làm lấy, làm để”, phải chăng là muốn đặt người dân và chính quyền địa phương vào “việc đã rồi”?
Trên phần đất xanh tươi, gần khu di tích lịch sử cách mạng và khu du lịch sinh thái của huyện, dự kiến xây dựng cơ sở sản xuất tinh bột khoai mì.
DI DỜI HAY XÂY MỚI ?
Trước thông tin về việc chuyển nhà máy chế biến tinh bột mì từ xã Suối Đá về xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, dư luận cho rằng, xây mới chứ không phải là “di dời để nâng công suất”, và điều này liệu có cần thiết hay không khi ở Phước Ninh đã có quá nhiều lò mì?
Tại lò mì chuẩn bị di dời ở ấp Phước Hội, xã Suối Đá, khu vực tiếp nhận củ mì đã trở thành nơi đậu nhiều rơ-moóc xe container; khu trạm cân, cỏ mọc um tùm, hiện đang đổ một vài đống cát, đá. Hầu hết các trang thiết bị đã được tháo rời, bị rỉ sét, hoặc di dời đi nơi khác. Điều đó chứng tỏ lò mì này đã ngưng hoạt động một thời gian khá lâu chứ không phải đang hoạt động sản xuất.
Theo bà Trần Thị Ngọc Em - Chủ tịch UBND xã Suối Đá, lò mì này trước kia là của ông Nguyễn Thành Nhân, nhưng không còn sản xuất hơn một năm nay vì hoạt động không hiệu quả. Thời điểm lò mì hoạt động, người dân địa phương có phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền xã đã tiến hành kiểm tra và nhận thấy, dù có mùi hôi nhưng không gắt lắm. Lò mì này đã bán cho người khác và chuẩn bị di dời về xã Phước Ninh.
NHIỀU Ý KIẾN PHẢN ĐỐI
Khi phóng viên đặt câu hỏi xung quanh việc di dời nhà máy chế biến tinh bột khoai mì từ xã Suối Đá về xã Phước Ninh, nhiều người tỏ thái độ phản đối.
Cựu chiến binh La Thanh Mừng- Chủ tịch Câu lạc bộ hưu trí xã Phước Ninh nói: “Trước đây, công ty tư vấn của nhà máy mì có tổ chức họp dân ấp Phước Tân để nói về việc di dời nhà máy mì từ xã Suối Đá về địa phương, đa số người dân ở đây không đồng ý. Họ bảo nhà máy này di dời về đây là vì cần nâng công suất. Tôi cho rằng công ty tư vấn nói không thật, vì muốn nâng công suất sao không nâng tại chỗ cũ ở xã Suối Đá mà lại phải dời về đây!? Điều quan trọng nhất là bà con sợ khi nhà máy hoạt động sẽ gây ô nhiễm môi trường. Thực tế ở nhiều nơi khác cho thấy, các nhà máy mì dù có cam kết xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn theo quy định, nhưng môi trường ở những nơi đó đều bị ô nhiễm, hôi thối không chịu nổi. Tôi thay mặt người dân ở đây đề nghị tỉnh, huyện không cho xây dựng nhà máy mì ở xã Phước Ninh để bảo đảm môi trường trong tương lai”.
Bà Huỳnh Thị Nhặc- nguyên Phó Bí thư Huyện uỷ Dương Minh Châu, hiện ngụ tại xã Phước Ninh cũng nói rõ: “Tôi không đồng ý về việc di dời nhà máy mì từ xã Suối Đá về xã Phước Ninh, vì hai lý do: thứ nhất, ở các xã giáp ranh Phước Ninh như Phước Minh, Phan đã có nhiều cơ sở sản xuất tinh bột khoai mì rồi, nên việc di dời thêm nhà máy từ nơi khác về đây là không cần thiết. Thứ hai, vị trí xây dựng cơ sở này quá gần Khu di tích lịch sử cách mạng huyện Dương Minh Châu, nơi đã được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái. Việc xây dựng nhà máy mì ở đây tất yếu sẽ ảnh hưởng đến khu di tích lịch sử và khu du lịch sinh thái của huyện”.
Đồng quan điểm với bà Nhặc, ông Đào Văn Bá- nguyên Bí thư Đảng uỷ các xã Phước Ninh, Phước Minh, hiện là Bí thư Chi bộ ấp Bàu Dài (giáp ranh ấp Phước Tân), xã Phước Ninh, thẳng thắn: “Ở xã này, tổng diện tích trồng mì chỉ khoảng 1.500 ha. Trong khi đó, ở các xã lân cận đã có bốn, năm nhà máy mì hoạt động chưa hết công suất. Sản lượng củ mì ở xã Phước Ninh không đủ cung cấp cho các nhà máy mì ở những xã xung quanh, vì vậy, việc xây dựng nhà máy mì ở xã này là hoàn toàn không cần thiết. Đáng lưu ý là chủ nhà máy mì này lắp đặt hệ thống dẫn nước thải mà không hỏi ý kiến dân; đến khi bị nhiều bà con phản ứng họ mới tổ chức họp dân. Hôm họp dân có khoảng 40- 50 người dự. Khi lấy ý kiến về việc di dời lò mì từ xã Suối Đá về đây, 100% bà con “giơ tay cái rần”: không đồng ý! Đó là chưa kể đến việc ống dẫn nước xả thải của nhà máy mì đã lắp đặt là loại ống nhựa, thành ống quá mỏng. Người dân ở gần đường ống phản ánh có đoạn vừa lắp đặt xong, chưa sử dụng đã bị bể, rõ ràng là không thể bảo đảm về môi trường. Đã vậy, đường ống xả thải của nhà máy mì này dẫn đi tới 5- 6km, nghe đâu sẽ xả xuống bàu Eo, giáp với địa phận xã Chà Là. Cơ sở sản xuất đặt ở xã mình mà xả thải qua xã khác, làm như vậy không chỉ gây mích lòng với xã bạn mà còn khó lường được diễn biến, hậu quả về sau”.
Cọc tầm vông cắm trong đất trồng mì của người dân.
Bà Huỳnh Thị Ái Lê- Bí thư Đảng uỷ xã Chà Là cũng lên tiếng phản đối: “Tôi thấy đơn vị thi công đã lắp đặt đường ống xả thải của nhà máy mì ở xã Phước Ninh qua ấp Láng, xã Chà Là, nhưng đến thời điểm này chủ doanh nghiệp chưa tổ chức họp dân xã Chà Là để thông báo nội dung. Tôi đề nghị chủ doanh nghiệp phải tổ chức lấy ý kiến của dân, đồng thời công khai đề án rõ ràng để dân biết và giám sát. Mặc dù hiện nay đơn vị thi công mới lắp đặt đường ống xả thải, nhưng đa số bà con ấp Láng đều không đồng tình, vì sợ sẽ bị ô nhiễm môi trường”.
Ngày 21.10.2016, Đảng uỷ xã Phước Ninh cũng đã có văn bản thể hiện ý kiến của mình về việc chủ dự án đầu tư nhà máy mì thi công đường ống gửi Huyện uỷ Dương Minh Châu. Theo phản ánh của Đảng uỷ xã, ông Hà Văn Thắng (DNTN Thiên Đức) đang cho lắp đặt đường ống cặp theo ranh lưu không kênh TN02, dự kiến sẽ thoát nước thải sau xử lý của lò mì. Ống nhựa được lắp đặt có đường kính 315mm, bề dày 9,2mm với tổng chiều dài dự kiến lắp đặt 5.877m.
Đảng uỷ xã Phước Ninh cũng nhận định, trong Quyết định số 2187 của UBND tỉnh Tây Ninh có yêu cầu DNTN Thiên Đức chỉ được triển khai xây dựng khi đã thực hiện hoàn chỉnh các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường. Và, trong giấy phép do UBND huyện Dương Minh Châu cấp cũng yêu cầu trước khi thi công, cần thực hiện thủ tục xin giấy phép xả thải vào hệ thống công trình thuỷ lợi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định thẩm quyền, thủ tục cấp phép xả thải vào hệ thống công trình thuỷ lợi.
Do đó, Đảng uỷ xã nhận thấy DNTN Thiên Đức chưa hoàn chỉnh nhiều thủ tục bắt buộc và có liên quan như chưa chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa có giấy phép xả thải, chưa tham vấn ý kiến địa phương và cộng đồng dân cư khu vực dự án… Từ những ý kiến thắc mắc của đảng viên và nhân dân địa phương, Đảng uỷ xã kiến nghị lãnh đạo huyện xem xét tạm ngừng việc thi công lắp đặt đường ống của DNTN Thiên Đức để hoàn tất các thủ tục theo quy định.
Tóm lại, việc một doanh nghiệp mượn danh nghĩa di dời cơ sở lò mì ở địa phương này để xây dựng một nhà máy có công suất lớn gấp 400% ở địa phương khác, trong khi chưa hoàn chỉnh thủ tục đã vội vàng “làm lấy, làm để”, phải chăng là muốn đặt người dân và chính quyền địa phương vào “việc đã rồi”? Đặc biệt đối với các cơ sở công nghiệp dễ gây tác động môi trường như nhà máy chế biến tinh bột mì, việc đầu tư xây dựng càng phải hết sức cẩn trọng. Không thể vì việc làm ăn của một doanh nghiệp mà tước đi quyền được sống trong môi trường trong lành, không bị ô nhiễm của người dân.
Đại Dương- Đức an