Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Liên kết phát triển vùng Đông Nam bộ:
Muốn đi xa, phải đi cùng nhau
Thứ bảy: 01:35 ngày 10/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều chương trình xúc tiến thương mại, du lịch, hàng loạt các dự án đầu tư hạ tầng… đã và đang được Tây Ninh và các địa phương trong vùng thực hiện.

Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cùng các doanh nghiệp Tây Ninh ký kết cung ứng sản phẩm (Ảnh: Nhi Trần)

Mối quan hệ gắn bó giữa tỉnh Tây Ninh với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ đã được các thế hệ lãnh đạo tỉnh dày công xây dựng, duy trì, đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt, kể từ khi thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 24), mối quan hệ giữa các địa phương trong vùng có định hướng, mục tiêu rõ ràng hơn.
Nhiều chương trình xúc tiến thương mại, du lịch, hàng loạt các dự án đầu tư hạ tầng… đã và đang được Tây Ninh và các địa phương trong vùng thực hiện. Liên kết vùng trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh từng địa phương để cùng phục hồi, tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh, bền vững theo đúng tinh thần “muốn đi xa phải đi cùng nhau”.

HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐI TRƯỚC

Cách đây một năm, UBND hai tỉnh Bình Dương và Tây Ninh tổ chức khánh thành công trình xây dựng đường và cầu kết nối hai tỉnh. Điểm đầu của dự án giao với đường ĐT.744 thuộc thị trấn Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương; điểm cuối đấu nối vào dự án đường Đất Sét - Bến Củi thuộc địa bàn huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, đây là công trình thể hiện sự hợp tác, quyết tâm cao của hệ thống chính trị và nhân dân hai địa phương, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của người dân hai tỉnh. Đồng thời góp phần nối liền mạng lưới giao thông trong khu vực, thúc đẩy quá trình kết nối vùng, tạo ra động lực mới về phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương cũng như của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhằm hiện thực hoá chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, hệ thống hạ tầng giao thông được các tỉnh, thành trong khu vực cùng phối hợp và quan tâm đầu tư. Hạ tầng giao thông được coi là “huyết mạch” để phát triển kinh tế - xã hội, giao thông đi trước, mở đường cho liên kết vùng.

Theo kế hoạch, Bộ Giao thông Vận tải đầu tư hoàn thành cầu Thanh An trên đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà (dự án đã được Bộ phê duyệt chủ trương đầu tư, sau thời gian dừng giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11 năm 2011 của Chính phủ), dự án dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025.

Tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm kết nối vùng:
+ Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài: đã thống nhất với Thành phố Hồ Chí Minh về bố trí nút giao giữa dự án với đường Hồ Chí Minh, phương án tổ chức thực hiện và cơ chế vốn để xây dựng tường chắn song âm. Dự kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong quý IV.2023.

+ Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh): Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Tập đoàn Sun Group) đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và hồ sơ đề xuất đầu tư dự án đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát theo phương thức đối tác công tư (PPP).

+ Đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789: dự án phần 1 - đường N8 (dự kiến khởi công trong quý IV.2023); dự án thành phần 2 - đường ĐT.787B (dự kiến hoàn thành quý II.2024) và dự án thành phần 3 - đường ĐT.789 (dự kiến hoàn thành quý IV.2024).

+ Trung tâm logistics, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp tại xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh: Đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho UBND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng 213,86 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án. Hiện nay, các đơn vị đang phối hợp thực hiện công tác kiểm đếm, giải phóng mặt bằng và lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

(Theo báo cáo của UBND tỉnh)

Ngoài ra, hai địa phương Bình Dương, Tây Ninh thống nhất bổ sung quy hoạch thêm 2 cầu bắc qua sông Sài Gòn kết nối thị xã Trảng Bàng với huyện Dầu Tiếng và sẽ được nghiên cứu, phối hợp đầu tư trong thời gian tới. Như vậy, với khoảng 50km chiều dài sông Sài Gòn, kết nối hai bờ giữa Tây Ninh và Bình Dương dự kiến có 6 cây cầu, trong tương lai, cứ bình quân 7-10km sẽ có một cây cầu.

Trên tuyến đường bộ nối Tây Ninh - TP. Hồ Chí Minh, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài là đại dự án nhận được sự quan tâm, mong mỏi của người dân cũng như quyết tâm hiện thực hoá của cấp uỷ, chính quyền hai địa phương. 

Ông Nguyễn Thành Tâm- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: “Các dự án giao thông kết nối vùng, đặc biệt là kết nối Tây Ninh với TP. Hồ Chí Minh và khu vực cảng biển có ý nghĩa rất quan trọng trong việc cải thiện điều kiện giao thông, lưu thông hàng hoá và môi trường đầu tư của Tây Ninh. Giao thông liên kết vùng thuận lợi sẽ giúp Tây Ninh có thể thu hút được các nhà đầu tư đến để khai thác các tiềm năng về điều kiện đất đai, tự nhiên của Tây Ninh để đầu tư phát triển. Tôi nghĩ rằng đây là những dự án có tính chất rất quan trọng và có thể là quyết định trong việc thay đổi về điều kiện, môi trường đầu tư của Tây Ninh. Do đó, tỉnh rất quan tâm và tích cực phối hợp với Hội đồng điều phối vùng và các địa phương trong vùng để cụ thể hoá chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị cũng như các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng”.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm cho biết thêm, hiện nay, tỉnh tích cực phối hợp với TP. Hồ Chí Minh để hoàn tất các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài và tập trung chuẩn bị các thủ tục đầu tư xây dựng cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (giai đoạn 1 từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh). Tỉnh cũng tập trung đầu tư kết nối giữa Tây Ninh với Bình Dương, Tây Ninh với Long An. “Tôi hy vọng rằng, với sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, các tỉnh liên quan sẽ sớm hiện thực hoá được những ý tưởng này. Đây là tiền đề, điều kiện để tạo ra không gian phát triển tốt hơn cho không chỉ Tây Ninh mà cả vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới”- Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh.

DU LỊCH “LIÊN KẾT - PHÁT TRIỂN - BỀN VỮNG”

Chương trình hành động của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết 24 xác định đẩy mạnh hợp tác, chủ động, tích cực trong hoạt động liên kết phát triển của vùng một cách toàn diện, góp phần tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của toàn vùng. Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được xây dựng trên cơ sở bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng.

Tỉnh uỷ xác định tầm nhìn đến năm 2030, công nghiệp và dịch vụ du lịch là động lực chủ yếu cho tăng trưởng gắn với phát triển không gian mới, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Thực tế trong 3 năm gần đây, liên kết vùng trong phát triển du lịch đã có nhiều chuyển động tích cực, các biên bản ký kết, hợp tác giữa Tây Ninh với các tỉnh lân cận về phát triển du lịch đã có kết quả bước đầu.

Tháng 6.2020, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và 5 tỉnh trong vùng Đông Nam bộ ký kết thoả thuận liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025. Sự kiện này đánh dấu bước khởi đầu cho giai đoạn phát triển mới của ngành du lịch theo hướng “Liên kết - Phát triển - Bền vững”.

Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Tây Ninh đã đón đoàn du khách ngoại tỉnh đầu tiên đến với Khu di tích lịch sử văn hoá - danh thắng và du lịch núi Bà Đen vào tháng 10.2021. Đây là chuyến du lịch đặc biệt, hoàn toàn khép kín với “nhân lực xanh”, “hành trình xanh”, “điểm đến xanh”, không để khách ghé dọc đường như các tour du lịch trước. Đây chính là kết quả của Chương trình liên kết phục hồi tuyến du lịch giữa UBND tỉnh Tây Ninh và UBND TP. Hồ Chí Minh trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 được tổ chức ngay sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành một ngày.

Đoàn khách du lịch đầu tiên với khoảng 100 du khách đã được Công ty du lịch SACO (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) “mở hàng” du lịch Tây Ninh. Tham gia chuyến đi này, nghệ sĩ Bích Thuỷ (con gái của cố nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Bắc Sơn) hào hứng chia sẻ: “Cần bỏ ngay suy nghĩ Tây Ninh gần TP. Hồ Chí Minh quá không nhất thiết phải đến du lịch. Có đến với Tây Ninh, đến với núi Bà Đen mới thấy nơi đây xứng tầm là nơi du lịch ngắn ngày cho bà con sau những ngày làm việc vất vả, nhất là vào dịp cuối tuần”. Chị Thuỷ cho biết, chính sự hiếu khách của người Tây Ninh đã tạo thiện cảm cho các thành viên đoàn, từ đó truyền đi thông điệp “Hãy một lần đến với Tây Ninh để tiếp tục đến nhiều lần nữa”.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định phát triển du lịch là một trong 4 chương trình đột phá, “với trọng tâm là phát triển nhanh, đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan toả du lịch địa phương và khu vực Đông Nam bộ”.

Từ xưa giờ, núi Bà Đen là điểm du lịch quen thuộc của người dân khu vực phía Nam. Gần đây, Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain được Tập đoàn Sun Group đầu tư công phu, sáng tạo với hệ thống cảnh quan và trải nghiệm văn hoá độc đáo xứng tầm quốc tế. Sun World Ba Den Mountain vinh dự được trao giải thưởng khu du lịch có thiết kế cảnh quan đẹp nhất Việt Nam năm 2023. Ông Trịnh Văn Hà- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mặt trời Tây Ninh cho biết: “Chúng tôi đã đón được 5 triệu lượt khách trong năm 2023, đặc biệt, số lượng khách nước ngoài tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Chính vì những lý do đó, chúng tôi đã đặt mục tiêu xây dựng và tạo điểm nhấn mới cho khu du lịch”.

Về liên kết phát triển du lịch vùng, ông Trịnh Văn Hà đưa ra nhận định, thời gian qua, tuy kết nối du lịch vùng đã có nhưng chưa rõ nét. Để việc kết nối du lịch đạt kết quả cao hơn nữa, ông hy vọng rằng, trong những năm tới, sẽ có hội thảo chuyên đề về kết nối du lịch vùng; ngoài sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp hàng đầu trong phát triển du lịch trong các tỉnh, thành. Khi đó, sự kết nối du lịch sẽ rõ ràng hơn, hiệu quả từ các chiến lược chính sách của các địa phương sẽ tốt hơn.

Du khách trải nghiệm đi cáp treo tham quan Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain

Toàn cảnh khu du lịch quốc gia núi Bà Đen nhìn từ trên cao (Ảnh: Sun Group cung cấp)

Thực tế liên kết phát triển du lịch đã và đang được Tây Ninh đẩy mạnh thực hiện, bởi, đây là vấn đề “sống còn” trong phát triển du lịch. Đã qua thời kỳ chỉ đón khách trong tỉnh (đây đã là lượng khách ổn định) mà phải chú trọng thu hút được khách trong nước và quốc tế đến với Tây Ninh không chỉ một mà nhiều lần. Thời gian qua, ngoài kết nối vùng phát triển du lịch thị trường miền Nam, Tây Ninh còn chú trọng liên kết với thị trường miền Bắc. Nổi bật như chuỗi hoạt động sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội tháng 10.2023, tỉnh Tây Ninh phối hợp thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị quảng bá xúc tiến du lịch với chủ đề “Để yêu Tây Ninh”. Đây là dịp quảng bá du lịch Tây Ninh, giới thiệu cơ hội đầu tư phát triển du lịch được các doanh nghiệp du lịch, lữ hành bày tỏ sự quan tâm, đồng thời cùng trao đổi, đề xuất giải pháp để việc hợp tác phát triển du lịch ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. 

CUNG CẤP LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN CHO VÙNG

Cùng với hạ tầng và du lịch, nông nghiệp cũng là một trong những lĩnh vực trọng yếu của tỉnh trong định hướng cơ cấu lại kinh tế tỉnh cho phù hợp cơ cấu kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là trọng tâm. Trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 24, Tỉnh uỷ xác định tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị sản xuất.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Hiện nay, nếu nói về liên kết vùng thì chúng ta đang bàn nhiều về hạ tầng hơn. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực nông nghiệp cũng có những chuyển biến bước đầu. Mặc định trong vùng Đông Nam bộ thì Tây Ninh, Bình Phước- hai địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn được định hướng tập trung sản xuất nông nghiệp, trước hết để phục vụ các khu đô thị lớn, khu công nghiệp lớn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương. Đây là những nơi có nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm rất lớn, đặc biệt là nhu cầu nông sản sạch, an toàn. Thứ hai, nông nghiệp làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong đó Tây Ninh có những sản phẩm chủ lực như mía, mì, cao su, lúa gạo…”.

Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp các ngành liên quan tăng cường xúc tiến thương mại, ký kết nhiều chương trình hợp tác cung cấp nông sản cho các doanh nghiệp, trung tâm thương mại lớn trong vùng. Tiêu biểu như tháng 6.2023, các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh và Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về tiêu thụ sản phẩm nông sản của Tây Ninh. Các sản phẩm đều là đặc sản của Tây Ninh như rau rừng, bánh tráng, muối ớt, muối tiêu, mắm trái điều, hạt điều, tinh dầu tràm, các loại trà, yến hũ.v.v.

Lãnh đạo hai tỉnh Bình Dương, Tây Ninh cắt băng khánh thành dự án đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương - Tây Ninh

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, khi hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản ra tới cảng, sân bay nhanh nhất thì tính hiệu quả, giá trị trong liên kết vùng của ngành nông nghiệp sẽ rõ hơn, lớn hơn.

Sẽ là “đầu tàu” mạnh hơn khi các tỉnh, thành trong vùng cùng chung một nhịp chuyển động
Theo đánh giá của UBND TP. Hồ Chí Minh, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh vùng Đông Nam bộ toàn diện trên các lĩnh vực: đầu tư, bất động sản, công nghiệp, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, văn hoá, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội…

Tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển vùng kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam bộ diễn ra đầu năm 2023 tại tỉnh Bình Phước, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đều khẳng định: Thành phố luôn ý thức sự phát triển của mình không thể tách rời khỏi sự đóng góp rất lớn của các địa phương vùng Đông Nam bộ và các vùng khác trong cả nước. Thông qua hợp tác, liên kết vùng, Thành phố là địa phương được hưởng lợi lớn nhờ mở rộng không gian phát triển, có thêm nhiều ý tưởng, phát huy thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và được hưởng lợi từ nguồn nhân lực cho đến hàng hoá, sản phẩm tiêu dùng…

Trong giai đoạn 2023-2025, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ thống nhất tiếp tục phối hợp mở rộng hợp tác trên các các lĩnh vực: công tác quy hoạch, kết nối giao thông, công nghiệp, dịch vụ, môi trường, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục…

P.T - H.T

Tin cùng chuyên mục