Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Muốn tròn phải có khuôn...
Chủ nhật: 09:36 ngày 19/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
“Muốn tròn phải có khuôn, muốn vuông phải có thước”. Việc thực thi pháp luật không nghiêm ngay từ lực lượng thực thi pháp luật thì khó đòi hỏi người dân tự giác chấp hành.

Mặc dù còn có những góc nhìn khác nhau về những barie được lắp trên vỉa hè ở trung tâm quận 1, TP.HCM, nhưng phải nhìn nhận đó là chỉ dấu cho thấy sự quyết tâm của cơ quan chức năng muốn siết lại kỷ cương, lập lại trật tự, xây dựng văn minh đô thị. 

Ông bà xưa thường nói “muốn tròn phải có khuôn, muốn vuông phải có thước”. Đó không chỉ là sự đúc kết kinh nghiệm lao động sản xuất hằng ngày, mà còn là bài học về cách giáo dục, định hình chuẩn mực đạo đức của mỗi cá nhân, khuôn phép sinh hoạt của mỗi cộng đồng.

Ở xã hội hiện đại, khuôn thước chính là hệ thống quy phạm pháp luật, là hành lang pháp lý để đảm bảo các mối quan hệ kinh tế - xã hội, văn hóa... của mỗi người dân được vận hành trơn tru trên nguyên tắc được cho mình và tốt cho mọi người.

Một trong những khuôn thước được nhiều người dân và cả các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm gần đây chính là nghị định 155 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Nghị định 155 không phải là một cái “khuôn” xa lạ, mà chỉ là “phiên bản” nâng cấp của nghị định 179 đã có từ mấy năm trước, nhưng mức phạt tăng lên gấp 10 lần.

Thế nhưng tại cuộc họp của ngành môi trường TP.HCM hôm 16-2 về triển khai thực hiện nghị định 155, hầu hết cán bộ tham dự nhất loạt kêu khó xử phạt người vi phạm.

Nào là vứt rác, tiểu bậy rất khó bắt quả tang; người vi phạm không nhận sai còn đe dọa, hành hung người thi hành công vụ; cán bộ cơ sở thì ít, thu nhập thấp nên không thể quán xuyến hết; thậm chí người vi phạm vệ sinh đô thị thường là nghèo, phạt cao quá tội nghiệp...

Nói người vi phạm giao thông, vệ sinh đô thị có ý thức chấp hành pháp luật kém là đúng. Nhưng để những vi phạm đó diễn ra hằng ngày mà không chấn chỉnh, trách nhiệm đầu tiên thuộc về những người cầm khuôn, dụng thước.

Nói như trung tá Võ Văn Hữu - phó trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.HCM: “Chúng ta hay có tâm lý là phạt thấp thì nói không đủ sức răn đe, còn phạt cao thì lại thấy tội nghiệp. Quan trọng là mình có vì cái lợi chung mà quyết tâm làm hay không”!

Cũng chuyện xử phạt vi phạm, trong lần làm việc với Sở Tài nguyên - môi trường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa đã nêu câu hỏi rất đáng suy nghĩ: “Tại sao cũng con người đó nhưng qua Singapore một mẩu kẹo cao su không dám vứt, mà về nước lại đâu vào đó?”.

Rồi ông chỉ đạo luôn là phải phạt, phạt để người vi phạm biết sợ mà tuân thủ pháp luật.

Còn nhớ từ năm 1994, UBND TP.HCM từng ra thông báo khuyến khích người đi xe máy đội mũ bảo hiểm, nhưng vì không có biện pháp chế tài nên không thành công. Đến ngày 15-12-2007, khi thời điểm quy định bắt buộc người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm có hiệu lực trên toàn quốc, nhiều người vẫn đầu trần ra đường.

Chỉ thời gian ngắn sau, nhờ cảnh sát giao thông xử phạt nghiêm nên thói quen đội mũ bảo hiểm dần được hình thành.

Gần đây, thuật ngữ “xây dựng nhà nước pháp quyền” không chỉ là chuyện cán bộ nhà nước nói với nhau mà với người dân, thuật ngữ ấy cũng không còn là điều xa lạ. Nhưng việc thực thi pháp luật không nghiêm ngay từ lực lượng thực thi pháp luật thì khó đòi hỏi người dân tự giác chấp hành.

Không thể có tròn, có vuông nếu pháp luật không được thực thi nghiêm túc ở ngay chính những người thừa hành nhiệm vụ.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục