Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tính đến tháng 9.2023, trên địa bàn tỉnh có 120 Hợp tác xã nông nghiệp, chiếm khoảng 66% tổng số HTX của tỉnh, thu hút gần 3.880 thành viên (chủ yếu hộ nông dân) tham gia
Cấy lúa bằng máy tại Hợp tác xã giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn, huyện Gò Dầu.
Thời gian qua, hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, các HTXNN từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ hướng đến quy mô lớn.
Chất lượng nông sản hàng hoá của các HTXNN ngày càng được nâng lên; sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì phong phú; các HTXNN đã thu hút được doanh nghiệp liên kết đầu tư; liên kết vùng nguyên liệu, phát triển thị trường, mở rộng sản xuất, thu hút được nhiều lao động ở nông thôn tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đã hình thành và phát triển liên kết kinh tế giữa các HTXNN và giữa HTXNN với doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có 80/120 HTXNN tham gia chuỗi liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã với hợp tác xã; 17/120 HTXNN ứng dụng công nghệ cao.
Thu hoạch mãng cầu tại Hợp tác xã mãng cầu Thạnh Tân, TP. Tây Ninh.
Kết quả đánh giá xếp loại HTXNN trên địa bàn tỉnh năm 2022 theo Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17.4.2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có 17 hợp tác xã xếp loại tốt, 29 hợp tác xã xếp loại khá, 47 hợp tác xã xếp loại trung bình, 6 hợp tác xã hoạt động nhưng không báo cáo, 7 hợp tác xã mới thành lập chưa đủ 12 tháng, 2 hợp tác xã củng cố lại, 12 hợp tác xã ngừng hoạt động.
HTXNN thành lập mới năm 2023 có sự đa dạng hơn về mô hình sản xuất kinh doanh, nhạy bén trong việc áp dụng các quy trình công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng, thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Nông dân phun thuốc nằm trong danh mục quy định dưỡng trái sầu riêng.
Đến nay, có 4 HTXNN có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP: HTX cây ăn trái Bàu Đồn, huyện Gò Dầu (sầu riêng đạt 4 sao); HTX DVNN Minh Trung, huyện Tân Châu (trái mãng cầu đạt 4 sao); HTX DVNN Phước Đông, huyện Gò Dầu (chanh giấy đạt 3 sao); HTX DV thuỷ lợi nông nghiệp Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng (gạo ST25 đạt 3 sao).
Ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) cho biết, để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng sản phẩm, thời gian qua, hợp tác xã chú trọng đến xây dựng quy trình sản xuất chung để sản phẩm đạt chất lượng đồng đều; tổ chức tập huấn để thành viên nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu.
Hiện hợp tác xã đang tập trung xây dựng mã số vùng trồng, đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu, đồng thời ứng dụng công nghệ số trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vụ sản xuất vừa qua, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 1.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ tập trung xây dựng thương hiệu trái sầu riêng, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu.
Tuy có phát triển, nhưng hoạt động của HTXNN nhìn chung vẫn chưa đạt được nhiều hiệu quả, nguyên nhân chính là do HTXNN có quy mô nhỏ, trình độ, năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý, năng lực người đứng đầu còn hạn chế; vai trò kết nối giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp thông qua liên kết chưa cao; chính sách ưu đãi, phát triển HTXNN còn bất cập, hạn chế trong triển khai.
Nông dân thu hoạch sầu riêng.
Theo UBND tỉnh, trong thời gian tới, cần tập trung phát triển mạnh mẽ, để HTXNN giữ vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững; cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; thúc đẩy hình thành, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp vùng; tổ chức quản trị tốt chất lượng, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản; chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh;
Từng bước hình thành các trung tâm logistics phục vụ nông nghiệp; góp phần quan trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tri thức, nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững; xây dựng quan hệ bình đẳng, môi trường họp tác, liên kết lành mạnh; tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nâng cao vị thế, vai trò của người dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Mới đây, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18.7.2023 của Chính phủ về phát triển HTXNN trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là nâng số lượng HTXNN hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số HTXNN trên toàn tỉnh; củng cố, phát triển các hợp tác xã hoạt động trung bình để đạt tiêu chí HTXNN hoạt động tốt, khá; đồng thời, xử lý giải thể các HTXNN yếu kém, ngừng hoạt động lâu ngày.
Xây dựng ít nhất 5 mô hình HTXNN điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia; doanh thu bình quân/HTXNN đạt từ 2,5 tỷ đồng - 5 tỷ đồng/năm trở lên. Bên cạnh đó, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng ít nhất 10%; doanh thu tăng ít nhất 20%; khoảng 30% HTXNN có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ít nhất có khoảng 10% HTXNN là chủ thể OCOP.
Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu 15% HTXNN ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Ngoài ra, có khoảng 30% cán bộ quản lý HTXNN (ban giám đốc, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát) được đào tạo nghề giám đốc HTXNN theo chương trình đào tạo của Bộ NN&PTNT và các cơ sở đào tạo khác; ưu tiên đào tạo lực lượng lao động trẻ, cán bộ nữ tham gia quản lý, điều hành HTXNN.
Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng tối thiểu 5 mô hình HTXNN phát triển bền vững, hiệu quả, phù hợp với vùng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển mô hình HTXNN kiểu mới, hoạt động hiệu quả, gắn với vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu đầu vào, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về sản lượng, chất lượng, phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Xây dựng mô hình HTXNN phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh và quản lý HTXNN, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm minh bạch thông tin và an toàn thực phẩm.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi về đất đai đối với HTXNN; hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định nhằm giúp các HTXNN có đủ điều kiện đầu tư phát triển kinh doanh gắn với điều kiện thực tiễn và phương án sản xuất, kinh doanh; rà soát, tổng hợp báo cáo khó khăn, vướng mắc thực hiện chính sách đất đai để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Cục Thuế phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, phí, lệ phí để HTXNN và thành viên hợp tác xã tiếp cận chính sách ưu đãi hiện hành.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ HTXNN tiếp cận tín dụng, vay vốn, trong đó, ưu tiên tiếp cận vốn đối với HTXNN có phương án sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo việc rà soát, triển khai các chính sách liên quan về sở hữu trí tuệ, năng suất chất lượng, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng khoa học và công nghệ... để hỗ trợ, phát triển HTXNN. Mặt khác, nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng quản lý HTXNN; thu hút lao động trẻ, sinh viên tổt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, sau đại học vào làm việc trong các HTXNN; phát triển đội ngũ chuyên gia tư vấn, lực lượng khuyến nông, khuyến nông cộng đồng hỗ trợ HTXNN.
Ngoài ra, xây dựng và phát triển các loại hình hợp tác khác trong lĩnh vực nông nghiệp như: câu lạc bộ của người sản xuất, hội quán, tổ hợp tác, nhóm, hội cùng sở thích; tạo điều kiện để nông dân tìm hiểu, trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, xây dựng lòng tin trong hợp tác, liên kết sản xuất.
Trúc Ly