Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong trường học
Thứ sáu: 18:47 ngày 20/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bình đẳng giới được hiểu là quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam, bất kể nam hay nữ đều có vị trí, vai trò ngang nhau; cùng được tạo điều kiện, cơ hội để phát huy năng lực của mình trong mọi khía cạnh của đời sống và đều có quyền thụ hưởng như nhau về những thành quả đó.

Học sinh tìm hiểu thông tin về bình đẳng giới qua báo chí.

Từ khi Việt Nam ký kết tham gia Công ước CEDAW vào ngày 27.11.1981, nước ta đã cụ thể hoá Công ước vào việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Từ một nhóm yếu thế, đến nay phụ nữ Việt Nam đã có cơ hội tự do phát triển và khẳng định vị trí của mình trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Từng bước nâng cao thứ bậc về chỉ số bình đẳng giới trong bối cảnh mạng xã hội, chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ là một thách thức lớn đối với ngành chức năng trong việc kiểm soát thông tin tiêu cực về bình đẳng giới tác động đến giới trẻ hiện nay. Trong đó, nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục bình đẳng giới cho học sinh.

Thời gian qua, Sở GD&ĐT Tây Ninh đã xây dựng kế hoạch vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 với những mục tiêu cụ thể. Riêng trong năm 2022, 2023, Sở tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng lồng ghép giới trong dạy học, giáo dục học sinh và công tác hướng nghiệp cho cán bộ Đoàn Thanh niên, tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm các cấp học.

Cùng với đó, Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố, trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở cũng tổ chức triển khai các nội dung tập huấn đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh bằng nhiều hình thức phong phú với mục tiêu phổ biến nội dung về kiến thức giới, bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép giới trong công việc; phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Tại Trường THPT Tây Ninh (thành phố Tây Ninh) nhiều năm nay, các hoạt động về bình đẳng giới đã được quan tâm, đưa vào hoạt động đoàn và chương trình chính khoá, ngoại khoá.

Theo thầy Nguyễn Hoàng Tâm- Bí thư Đoàn Trường THPT Tây Ninh, trước đây nhà trường tổ chức diễn đàn với các chương trình kịch, giao lưu có nội dung về bình đẳng giới. 2 năm trở lại đây, nội dung tuyên truyền chủ yếu là sinh hoạt dưới cờ, tuyên truyền qua trang fanpage của trường. Ngoài ra, trong các hoạt động thể thao, văn nghệ, nhà trường luôn chọn các môn thể thao mà cả nữ, nam học sinh đều có thể tham gia, như bóng chuyền, kéo co…

Nói về nhận thức của học sinh trong vấn đề bình đẳng giới, Bí thư đoàn trường cho rằng, các em không có nhiều sự phân biệt nam nữ, dễ nhìn thấy nhất là trong việc bầu thành viên ban cán sự lớp. “Việc bầu ban cán sự lớp do các em quyết định và đều có sự tham gia của các bạn nam, nữ. Hay như trong phong trào Đoàn, cũng có những bạn LGBT tham gia. Hầu hết các em đều vui chơi, học tập cùng nhau, không có sự kỳ thị”- thầy Hoàng Tâm nói.

Cô Lê Thị Hà- Tổ trưởng tổ Ngữ văn của trường chia sẻ, trong những bài nghị luận, bài giảng môn Ngữ văn cũng có đề cập đến vấn nạn bạo lực gia đình, vấn đề bình đẳng giới. Ngoài ra, có những tiết ngoài giờ lên lớp, chương trình hướng nghiệp cho học sinh, các giáo viên chủ nhiệm sẽ có chủ đề của từng tháng khác nhau để định hướng cho các em, trong đó, các vấn đề xã hội như bình đẳng giới cũng được đề cập đến.

“Như chủ đề ngoại khoá tháng 10 năm nay là “Thanh niên với tình bạn, tình yêu” để các em tìm hiểu rõ hơn chính mình cũng như cách ứng xử trong các mối quan hệ. Học sinh sẽ tự tìm hiểu nội dung và đặt câu hỏi liên quan đến chủ đề đưa ra, trong đó có cả bình đẳng giới”- cô Lê Thị Hà cho biết.

Trần Hoa Bảo Châu, học sinh lớp 11A7 cho biết, những kiến thức về bình đẳng giới em biết đến qua thông tin từ nhà trường, trên mạng xã hội cũng như các tác phẩm văn học, giúp Bảo Châu hiểu rằng, nam nữ đều bình đẳng với nhau. “Trong lớp em có những bạn nữ theo phong cách tomboy, nhưng mọi người đều không kỳ thị, vẫn chơi chung, hoà đồng cùng nhau. Tụi em chơi với nhau vì tính cách chứ không phải vì ngoại hình, giới tính”- Bảo Châu chia sẻ.

Học sinh Trường THPT Tây Ninh tham gia các hoạt động của trường.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều nhận thức đúng đắn về vấn đề này. Trên mạng xã hội vẫn còn những video clip cười nhạo khi một bạn nam làm nghề giáo viên mầm non; vô số bình luận không hay khi một bạn nữ chủ động thể hiện tình yêu với bạn nam; hay những quan điểm nữ làm việc nhà, nam lo kinh tế gia đình… vẫn còn tồn tại và thể hiện qua những đoạn video đăng tải trên mạng.

Có thể thấy, ở độ tuổi học sinh, các bạn đang định hình, xây dựng nhân cách, lối sống. Nếu bị tác động những thông tin tiêu cực về giới sẽ tạo ra những suy nghĩ chưa đúng về bình đẳng giới sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai, trở thành người cha, người mẹ không tốt trong gia đình, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.

“Theo em, việc chọn nghề, công việc tuỳ thuộc vào sở thích, năng khiếu của từng người. Chúng em xem qua mạng, thấy có nhiều bạn trẻ dùng những lời nhạo báng, chế giễu về giới tính, ngoại hình của người khác, em và các bạn đều cho rằng không nên, chúng ta cần có nhận thức rõ ràng hơn về bình đẳng giới và không nên gây tổn thương người khác vì những suy nghĩ, lời nói của mình”- Trần Ngọc Anh, học sinh lớp 12A14 nói.

Theo báo cáo của Tổ chức UNICEF, 83% trẻ em từ 12-13 tuổi sử dụng internet. Con số này tăng lên 93% ở độ tuổi 14-15 tuổi. Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh Xã hội, trẻ em sử dụng mạng xã hội từ 5-7 giờ/ngày; chỉ 36% trẻ vị thành niên 16-17 tuổi được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng. Chính vì vậy, truyền thông là yếu tố khá quan trọng trong việc cải thiện nhận thức, thái độ và hành vi bình đẳng giới của học sinh.

Ngoài việc lồng ghép kiến thức về bình đẳng giới trong các bộ môn Sinh học, Giáo dục công dân, các buổi nói chuyện chuyên đề, thì cần đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội. Ngoài ra, nhà trường, các tổ chức xã hội cần tổ chức nhiều cuộc thi, vẽ tranh, hùng biện, thiết kế infographic… với những thông điệp ý nghĩa sẽ giúp học sinh hứng khởi trong việc tiếp thu kiến thức về bình đẳng giới.

Quan trọng hơn, mỗi học sinh cần chủ động tìm hiểu, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, từ đó, không phát sinh những phát ngôn, hành động phân biệt giới đối với người khác dẫn đến mâu thuẫn trong các mối quan hệ.

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục