Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hội nghị chuyên đề về Đề án phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh:
Nên quy hoạch theo định hướng phát triển của thị trường
Thứ hai: 05:46 ngày 05/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tiến sĩ Huỳnh Thế Du đề xuất nên quy hoạch theo định hướng phát triển của thị trường, Nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng hạ tầng phát triển nông nghiệp, nhân lực, khoa học kỹ thuật, đồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường.

Ông Võ Ðức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Ngày 31.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến chủ trì hội nghị chuyên đề về Ðề án phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp Tây Ninh, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, thành viên Nhóm công tác đột phá về nông nghiệp tỉnh và lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Tại hội nghị, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Ðại học Fullbright, cố vấn thực hiện đề án trình bày những nội dung cốt lõi của đề án, trong đó đề cập đến việc xây dựng đề án nhằm hiện thực hoá sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm sản xuất, chế biến nông sản hiện đại, chất lượng cao của cả nước, một hình mẫu đi lên và làm giàu bằng nông nghiệp”.

Qua phân tích, đánh giá những đóng góp của ngành Nông nghiệp, năng lực cạnh tranh và tiềm năng của các cụm ngành và chuỗi giá trị sản phẩm theo từng nhóm, tiến sĩ đưa ra những định hướng thực hiện, gồm: nhóm khuyến khích phát triển, nhóm duy trì và nhóm không khuyến khích và giảm dần. Tiến sĩ Huỳnh Thế Du đề xuất nên quy hoạch theo định hướng phát triển của thị trường, Nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng hạ tầng phát triển nông nghiệp, nhân lực, khoa học kỹ thuật, đồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường.

Thành viên nhóm cố vấn cũng trình bày chi tiết chuỗi giá trị ngành chăn nuôi và ngành trồng trọt. Hiện, trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, ngành trồng trọt chiếm 75%, ngành chăn nuôi chiếm 15%, còn lại là dịch vụ và hoạt động khác. Trên cơ sở đánh giá thời gian qua, nhân lực, vật lực và tài lực trong ngành chăn nuôi còn hạn chế, các thành viên xác định nút thắt trong chăn nuôi đối với từng loại vật nuôi gồm heo, gà, bò thịt, bò sữa.

Ngành chăn nuôi sẽ hình thành nhóm khuyến khích phát triển (heo, gà, bò sữa); nhóm duy trì mức độ phát triển (bò thịt), không có vật nuôi nào xếp vào nhóm không khuyến khích và giảm dần. Từ đó, nhóm đề ra kịch bản phát triển với những giải pháp cải thiện chất lượng con giống, hỗ trợ tinh heo, tinh bò thịt, tinh bò sữa; nghiên cứu lai tạo giống gà địa phương năng suất cao; nâng cao công tác quản lý giống, đẩy mạnh công tác khuyến nông, hoạt động thông tin truyền thông; tăng cường năng lực dự báo thị trường, tổ chức sản xuất; thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển ngành chăn nuôi; xây dựng một số chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi phát triển.

Với ngành trồng trọt, các nhà nghiên cứu chỉ ra những nút thắt của cụm ngành cây trồng: cây lúa chưa mở rộng vùng trồng chất lượng cao, lúa hữu cơ; cây mía hiệu quả sản xuất thấp; cây khoai mì đang trải qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh, chưa cơ giới hoá khâu thu hoạch dẫn đến chi phí cao; cây cao su chưa đa dạng hoá các sản phẩm chế biến, lại gặp phải sự bất ổn của thị trường; cây rau gặp khó khăn trong sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng như tổ chức sản xuất chưa hợp lý, thiếu vốn đầu tư công nghệ cao.

Cây ăn quả, ngoài những nút thắt như cây rau, còn có thêm nguồn cung giống chưa bảo đảm chất lượng, chưa có quy trình sản xuất phù hợp, chưa hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Từ phân tích trên, đề án đưa ra định hướng: cây lúa, cây mía và cao su là 3 loại cây trồng thuộc nhóm không khuyến khích và giảm dần.

Cây mì, mãng cầu thuộc nhóm duy trì. Cây rau và cây ăn quả thuộc nhóm khuyến khích phát triển. Với mỗi nhóm cây có những giải pháp riêng phù hợp, trong đó, cây ăn quả có khá nhiều giải pháp để phát triển như: lựa chọn vùng sản xuất phù hợp trên cơ sở đánh giá các yếu tố về đất đai, nước tưới; xây dựng quy trình sản xuất cho từng loại cây, nghiên cứu thực hiện các giải pháp kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch, song song đó, cần đầu tư công nghệ chế biến, đa dạng hoá các sản phẩm.

Ông Võ Ðức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu những giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp như: thu hút đầu tư doanh nghiệp nông nghiệp tiên phong gắn với vùng quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổ chức lại sản xuất, phát triển các mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp (triển khai sản xuất theo định hướng quy hoạch sản xuất vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hiện thực hoá các nội dung quy hoạch thuỷ lợi gắn với phát triển nông nghiệp; chuyển đổi một số vùng sản xuất lúa năng suất thấp sang sản xuất cây khác hiệu quả hơn…); xây dựng cơ chế chính sách (rà soát, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cụ thể hoá và triển khai thực hiện các chính sách của trung ương đã ban hành, xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh), phải tiếp cận định chế tài chính để đầu tư phát triển.

Ông Võ Ðức Trong còn cho rằng, từ ý tưởng khi chuyển thành hiện thực sẽ có rất nhiều khó khăn, đòi hỏi nguồn lực và sự đồng bộ. Nhưng đây là cơ hội để thực hiện, khi ngành Nông nghiệp đang nhận được sự quan tâm của các cấp. Chuyện này không chỉ riêng ngành Nông nghiệp mà của cả hệ thống chính trị, bước đầu đã có chuyển động trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Các đại biểu đóng góp ý kiến, nông dân sẽ rất phấn khởi khi biết đến Ðề án này, do đó, khi thực hiện cần có sự hướng dẫn cụ thể; Cần làm rõ hơn nguồn kinh phí triển khai thực hiện; khi quy hoạch trồng cây gì cũng nên nghiên cứu đất đai có phù hợp không; Phải có mô hình điểm hiệu quả gây chú ý cho người dân; Ðầu ra cho sản phẩm cũng là một vấn đề cần lưu tâm...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cố vấn của đề án, đã gắn định hướng phát triển trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là đang hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cơ quan xây dựng và cố vấn của đề án tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, khẩn trương chỉnh sửa để trình Ban chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2017-2021.

C.T

Tin cùng chuyên mục