Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cùng với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đồng loạt các ngân hàng thương mại đang ứng biến linh hoạt trong việc hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, phần nào chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp cầm cự sản xuất trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.
Người dân đến giao dịch tại Ngân hàng cổ phần thương mại Quân Ðội chi nhánh Tây Ninh. Ảnh minh hoạ
Thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhiều ngành sản xuất gặp không ít khó khăn. Các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì hoạt động, sản xuất kinh doanh, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá không bị gián đoạn.
Cùng với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đồng loạt các ngân hàng thương mại đang ứng biến linh hoạt trong việc hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, phần nào chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp cầm cự sản xuất trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.
Giảm lãi suất, cơ cấu lại thời gian trả nợ
Một doanh nghiệp xây dựng có quy mô lớn ở tỉnh chia sẻ, thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều công trình phải tạm dừng thi công; trong khi đó, vật tư xây dựng lại tăng giá… ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh. Như nhiều đơn vị khác, doanh nghiệp này cũng phải vay ngân hàng để hoạt động, nên khi sản xuất khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của ngân hàng như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Ðại diện Công ty T- một doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực, cho biết: Việc ngân hàng giảm lãi suất vay hay các chi phí giao dịch cho doanh nghiệp là thiết thực. Thời gian qua, chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ cho doanh nghiệp theo các quy định là ngắn (chỉ tới 31.12.2021). Do đó, công ty mong muốn Ngân hàng Nhà nước sớm chỉ đạo cho các hệ thống ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ dài hơn để doanh nghiệp ổn định, tập trung hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch.
Chị N.T.N, chủ một chuỗi kinh doanh quán cà phê trong tỉnh cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 4.2021 đến nay, hoạt động kinh doanh ăn uống bị ảnh hưởng rất nhiều, các quán cà phê của chị phải tạm dừng kinh doanh.
Chị N nêu ý kiến: Ngân hàng cần xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng dài hơn, để khách hàng có điều kiện đẩy mạnh việc kinh doanh sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Không “bỏ rơi” khách hàng cá nhân
Ðại diện một chi nhánh ngân hàng thương mại ở tỉnh cho biết, thời gian qua, ngân hàng cho vay chủ yếu là khách hàng cá nhân. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, không chỉ doanh nghiệp mà các khách hàng cá nhân cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, trong đó có khách hàng vay tiêu dùng, kinh doanh sản xuất.
Với mong muốn đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, người dân, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai ngay nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng trong thời gian qua. Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) chi nhánh Tây Ninh, trong đợt này, ngân hàng đã có những chính sách hỗ trợ khách hàng, như giảm lãi cho khách hàng cá nhân từ 1%-5%/năm, đặc biệt giảm nhiều nhất ở nhóm vay tiêu dùng tín chấp hưởng lương ngân sách; riêng khách hàng doanh nghiệp giảm từ 0,5%-1,5%/năm, thời gian giảm từ tháng 7 đến hết ngày 31.12.2021.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Tây Ninh đã triển khai liên tục 2 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, từ ngày 15.7 - 31.12.2021 giảm lãi suất 1%/năm cho toàn bộ dư nợ và từ 18.8 - 31.12.2021 giảm lãi suất tiếp 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ.
Theo Vietcombank Tây Ninh, tổng lãi hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dự kiến là 18 tỷ đồng. Ðồng thời, Vietcombank Tây Ninh xem xét cho vay mới với mức lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất thông thường đối với tất cả khách hàng đáp ứng đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, Vietcombank Tây Ninh đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh điều kiện được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với dư nợ phát sinh trước ngày 1.8.2021; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc/lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23.1.2020 đến 31.12.2022.
Sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các ngân hàng. Ảnh minh hoạ
Nhiều giải pháp chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, người dân
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng trong thời gian qua. Trong đó, hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phổ biến từ mức 0,3% đến 1%/năm cho 70.887 khách hàng, với tổng dư nợ 21.181 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ ước đạt 74 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tây Ninh cho biết, trong tháng 8.2021, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 toàn tỉnh nên hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục đẩy mạnh cho vay, đáp ứng nhu cầu về vốn cho sản xuất, kinh doanh, tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp để tiếp cận vốn, nhưng mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt thấp và nợ xấu chưa thể kéo giảm.
Tấn Hưng