Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Thông tin tiếp bài báo "Dở khóc, dở cười vì mua "nhầm" tài sản bị kê biên":
Ngân hàng xử lý nợ đúng quy định pháp luật
Thứ hai: 11:51 ngày 03/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tháng 7.2018, Báo Tây Ninh có bài viết “Dở khóc, dở cười vì mua “nhầm” tài sản bị kê biên” phản ánh trường hợp của bà Bùi Thị Huỳnh Hoa (sinh năm 1977, ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) mua một phần đất mà trước đó cơ quan THA đã giải toả kê biên nhưng khi làm thủ tục xong, cơ quan THA lại ra quyết định kê biên tài sản làm bà Hoa rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

Nhà, đất bà Hoa đã nhận chuyển nhượng hợp pháp từ bà Thuý, ông Khanh.

Tháng 7.2018, Báo Tây Ninh có bài viết “Dở khóc, dở cười vì mua “nhầm” tài sản bị kê biên” phản ánh trường hợp của bà Bùi Thị Huỳnh Hoa (sinh năm 1977, ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) mua một phần đất mà trước đó cơ quan THA đã giải toả kê biên nhưng khi làm thủ tục xong, cơ quan THA lại ra quyết định kê biên tài sản làm bà Hoa rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

 

Theo nội dung vụ việc, tháng 5.2017, bà Nguyễn Thị Thanh Thuý (sinh năm 1963, phường 1, thành phố Tây Ninh) có nghĩa vụ phải thi hành 2 bản án với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Tiền lãi suất chậm thi hành án và án phí hơn 78 triệu đồng. Chi cục THADS thành phố Tây Ninh đã xác minh điều kiện thi hành án, bà Thuý cùng chồng là ông Ðỗ Hữu Khanh có tài sản là 1 căn nhà tường cấp 2 diện tích 158,16m2, trên phần đất có diện tích 145,20m2 toạ lạc tại khu phố 2, phường 2, thành phố Tây Ninh.

Tài sản này đã được ông Khanh, bà Thuý thế chấp tại Ngân hàng TMCP Kiên Long - Chi nhánh Tây Ninh với số tiền 700 triệu đồng. Chi cục THADS Thành phố đã phối hợp với ngân hàng kê biên tài sản nói trên. Sau đó, Chi cục THADS Thành phố ra quyết định giải toả kê biên tài sản nêu trên. Tuy nhiên, sau khi bà Hoa đã mua, tài sản trên lại tiếp tục bị Chi cục THADS phong toả, không cho bà Hoa sang tên.

Về sự việc trên, Chi cục THADS Thành phố cho biết, trên cơ sở thoả thuận của ông Ðỗ Hữu Khanh (sở hữu khối tài sản chung với bà Thuý), bà Thuý và những người được thi hành án đồng ý ngưng bán đấu giá tài sản của bà Thuý, ông Khanh, đồng thời cơ quan THA giải toả tài sản để Ngân hàng TMCP Kiên Long xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21.6.2017 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Do đó, ngày 7.5.2018, Chi cục THADS Thành phố ban hành quyết định giải toả kê biên, đồng thời có công văn giao cho Ngân hàng TMCP Kiên Long xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Theo ông Lại Vũ Hiếu Tùng, Chi cục phó phụ trách Chi cục THADS Thành phố cho biết, sau khi giao tài sản của ông Khanh, bà Thuý cho Ngân hàng TMCP Kiên Long, Ngân hàng đã không xử lý các bước theo quy định tại Nghị quyết 42. Lã ra, ngân hàng đứng ra bán tài sản của ông Khanh, bà Thuý để thu hồi nợ, số tiền còn lại (nếu có) ngân hàng phải chuyển cho Chi cục THADS để thi hành các khoản liên quan đến thi hành án. Tuy nhiên, qua xác minh cho thấy, ông Khanh, bà Thuý đã nộp tiền tất toán nợ vay tại ngân hàng, ngân hàng không xử lý tài sản bảo đảm của ông Khanh, bà Thuý theo Nghị quyết 42.

Trong khi đó, qua xác minh, xét thấy việc người được thi hành án có đơn tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản và Ngân hàng TMCP Kiên Long không xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của Nghị Quyết 42, cũng như ông Khanh, bà Thuý lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án nên Chi cục THADS Thành phố ban hành quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản để bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án.

Ông Hồ Tấn Tài, Giám đốc Ngân hàng TMCP Kiên Long, Chi nhánh Tây Ninh cho biết, việc vợ chồng ông Khanh và bà Hoa tự thoả thuận chuyển nhượng QSDÐ và tài sản gắn liền với đất không thông qua ngân hàng, đó là giao dịch giữa vợ chồng ông Khanh và bà Hoa, ngân hàng không có ý kiến gì về giao dịch này. Ðối với khoản vay của vợ chồng ông Khanh tại ngân hàng đã đến hạn thanh toán, ngân hàng có yêu cầu vợ chồng ông Khanh thu xếp nguồn vay để trả nợ. Vợ chồng ông Khanh thanh toán nợ cho ngân hàng và nhận lại tài sản thế chấp vào ngày 6.6.2018 là thực hiện đúng theo hợp đồng thế chấp đã ký kết và đúng theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Việc Chi cục THADS Thành phố cho rằng ngân hàng đã không thực hiện xử lý tài sản của vợ chồng ông Khanh theo quy định tại Nghị quyết 42, theo ông Tài, khi có một khoản vay quá hạn, ngân hàng có quyền đôn đốc khách hàng trả nợ, khởi kiện khách hàng ra toà án có thẩm quyền hoặc nhận tài sản để cấn trừ nợ hay thu giữ tài sản để xử lý thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42... Tức là, ngân hàng được lựa chọn cách thức xử lý nợ phù hợp nhất đối với từng khoản vay để thu hồi nợ chứ không có nghĩa, khi khoản vay quá hạn, bắt buộc ngân hàng phải xử lý tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 để thu nợ. Do đó, trong trường hợp này, ngân hàng chỉ thực hiện biện pháp đôn đốc khách hàng thanh toán nợ mà không xử lý theo Nghị quyết 42.

Ông Tài khẳng định, ngân hàng không có trách nhiệm gì đối với bà Hoa. Bởi lẽ, ngân hàng không có bất kỳ một thoả thuận hay cam kết gì với bà Hoa trong việc mua tài sản của vợ chồng ông Khanh. Ngân hàng đã làm đúng trình tự và thủ tục xử lý nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật Việt Nam.

Như vậy, trong trường hợp này, ngân hàng khẳng định đã làm đúng theo quy định pháp luật. Vậy, căn cứ nào để Chi cục THADS thành phố Tây Ninh kê biên tài sản mà bà Hoa đã nhận chuyển nhượng hợp pháp? Bà Hoa rất mong các cơ quan có thẩm quyền làm sáng tỏ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà.

THIÊN TÂM

Tin cùng chuyên mục