Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tiếp tục thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19:
Ngành Giáo dục sẽ ứng phó như thế nào?
Thứ bảy: 00:08 ngày 18/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Học kỳ 2 có 18 tuần, trừ đi hai tuần học trước Tết, còn 16 tuần. Sau tinh giản, theo tính toán, vẫn còn khoảng 14 tuần chuyên môn. Để hoàn thành chương trình, phải có ít nhất 3 tháng dạy liên tục.

Hình ảnh một lớp học qua mạng ở cấp THCS.

Như có lần đã đề cập, nhiều giáo viên, cán bộ quản lý phân tích, nếu sau ngày 20.4, học sinh vẫn chưa thể đi học thì phải tiếp tục tinh giản chương trình. Vì ngày 15.7 kết thúc năm học, chỉ chừng đó thời gian (nếu đầu tháng 5 đi học trở lại) khó có thể hoàn thành chương trình. Học kỳ 2 có 18 tuần, trừ đi hai tuần học trước Tết, còn 16 tuần.

Sau tinh giản, theo tính toán, vẫn còn khoảng 14 tuần chuyên môn. Để hoàn thành chương trình, phải có ít nhất 3 tháng dạy liên tục. Tuy vậy, cũng có ý kiến nhìn nhận, không thể cắt bớt chương trình, nội dung bài học được nữa, vì Bộ GD-ĐT đã tinh giản đến mức tối đa.

Học sinh “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin”

Tiếp chuyện dạy học qua mạng, ngày càng có nhiều cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông chỉ ra rằng, hình thức dạy học này hiệu quả rất thấp, dù ngành đã có nhiều cố gắng. Theo phản ánh, phân tích của những người trong ngành, chuyện dạy học qua mạng ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề.

Trước hết, phần lớn giáo viên chọn thời gian dạy qua mạng vào buổi tối, vì ban ngày khó “hẹn” được học sinh “đến lớp”. Thời điểm buổi tối là lúc lượng người sử dụng mạng đông, do đó, mạng thường xuyên bị quá tải. “Hiện có nhiều phần mềm được giáo viên ứng dụng để dạy học qua mạng.

Nhưng, phần mềm tốt nhất chỉ cho khoảng 60 học sinh tham gia lớp học trên mạng. Nếu số lượng học sinh tham gia tăng lên, mạng quá tải, nhiều em đang học bị “rớt mạng” và không đăng nhập được nữa. Hiện, đang là thời gian thực hiện giãn cách xã hội, phần lớn người dân ở nhà, không có việc gì làm, họ chỉ còn lên mạng nên đường truyền thường chậm”- một giáo viên cấp THCS chỉ ra hạn chế của hoạt động dạy qua mạng.

Một vấn đề khác, việc kiểm soát học sinh học qua mạng cũng rất khó. Có phần mềm cho phép người dạy và người học nhìn thấy nhau qua camera của điện thoại hoặc máy tính, nhưng những học sinh lười biếng, vì không muốn học nên chủ động tắt camera. Khi đó, giáo viên không thể biết em học sinh đó còn tham gia lớp học hay không, dù tín hiệu cho thấy học sinh đang online.

Theo thông tin nhiều giáo viên cung cấp, khi học qua mạng, giáo viên yêu cầu học sinh làm bài tập, nhiều em đã “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin” để gian lận. Cụ thể, ngay trong giờ học, khi nhận được bài tập, học sinh dễ dàng chuyển bài tập cho nhau. Lý do, trước đó các em đã lập các nhóm riêng trên zalo, facebook có thể vừa theo dõi thầy giảng bài, vừa chuyển bài giải cho nhau.

Thông thường, trong nhóm kết bạn, một học sinh nào đó sẽ được các bạn khác “chỉ đạo” giải bài tập. Nếu em này làm đúng, cả nhóm sẽ đúng và ngược lại. Điều này dẫn đến kết quả điểm bài kiểm tra độ tin cậy rất thấp. Một giáo viên tiếng Anh cho biết, kết quả chấm bài qua mạng đôi khi rất hài hước. Có những bài tập không khó nhưng “con chim đầu đàn” làm sai kéo theo cả nhóm sai.

Ở vùng sâu vùng xa, khu vực nông thôn, số lượng học sinh theo học qua mạng rất ít- nhiều giáo viên cho biết. Lãnh đạo một phòng giáo dục thông tin, ở nông thôn, biên giới, không phải học sinh nào cũng có điện thoại thông minh. Có gia đình mua điện thoại cho con học nhưng sau vài buổi, yêu cầu con thoát ra khỏi nhóm vì thấy phiền phức. Nguyên nhân, trong tiết học, để thực hiện tương tác giữa thầy và trò, học sinh bắt buộc phải mở micro của điện thoại.

Nhiều bậc cha mẹ không muốn nghe âm thanh lớp học nên không cho con sử dụng điện thoại nữa. Có những lớp học, chỉ được vài ba em lên mạng để học vào đúng giờ giáo viên dạy, dù trước đó thầy cô đã cho lịch hẹn giờ học. Riêng học sinh tiểu học, chuyện học qua mạng gần như không thể hoặc nếu có, cũng chỉ dừng lại ở những con số không lấy gì làm đẹp.

Phía giáo viên, dù lãnh đạo ngành, các cấp quản lý đã chỉ đạo dạy qua mạng cho học sinh nhưng có một thực tế, nhiều giáo viên không tham gia. Có những trường học, học sinh cho biết chỉ có một số thầy cô soạn bài, hẹn học sinh lên lớp, còn lại có môn chưa học. Có nhiều nguyên nhân khiến giáo viên lên lớp không đồng đều. Trong đó có thể do ý thức trách nhiệm của một bộ phận giáo viên không cao, dù trong mấy tháng qua, họ vẫn được hưởng lương, phụ cấp ưu đãi”.

Trong khi đó, việc chế tài những giáo viên này không phải chuyện đơn giản. “Khi được giao nhiệm vụ gửi bài tập cho học sinh nhưng kiểm tra hộp thư cho thấy, đó là hộp thư rỗng, không có file đính kèm”- một giáo viên phụ trách công nghệ thông tin cho biết.

Ngoài ra, trình độ công nghệ thông tin của không ít giáo viên và cả cán bộ quản lý còn nhiều hạn chế. Có giáo viên thậm chí chưa biết soạn thảo văn bản, nên chuyện soạn bài giảng qua mạng, đối với họ, là quá sức. Hiệu trưởng, hiệu phó cũng có người yếu công nghệ thông tin, làm việc nặng về tính thủ công nên không kiểm soát được giáo viên có lên lớp hay không.

Liên quan dạy qua mạng còn có một câu chuyện không thể bỏ qua, đó là tính an toàn, bảo mật thông tin. Một số giáo viên chuyên về môn Tin học lưu ý, có những phần mềm rất tiện lợi cho việc dạy học qua mạng, vì có thể cho phép cả trăm học sinh tham gia học cùng lúc, hình ảnh, âm thanh chuẩn.

Nhưng phần mềm này cũng có những hạn chế không nhỏ. Về mặt kỹ thuật, phần mềm chỉ cho phép hoạt động liên tục trong 40 phút, sau đó cả người dạy và người học phải thoát ra đăng nhập lại. Do mạng quá tải nên có nhiều trường hợp sau khi thoát ra, không đăng nhập trở lại được nữa.

Điều đáng lưu ý hơn, để vào học, mỗi học sinh sẽ được thầy cô cho mật khẩu rồi chính những học sinh nghịch ngợm lại cho người ngoài mật khẩu. Điều này giải thích vì sao, khi mở mạng để dạy, giáo viên, học sinh thỉnh thoảng lại thấy những hình ảnh hoặc video bậy bạ, dung tục hoặc những lời bình về hình thể thầy cô. Mới đây, Bộ Thông tin - Truyền thông đã khuyến cáo ngành giáo dục thận trọng khi dùng các phần mềm dạy học qua mạng.

Kế hoạch nào cho học sinh cuối cấp?

Theo ý kiến của một hiệu trưởng trường THPT, với thông tin đầu tháng 5 mới đi học, tình hình thật sự khó khăn, khó dự báo. Bởi vì, những tỉnh, thành phố không còn thực hiện giãn cách xã hội, học sinh nơi đó sẽ đi học trở lại. Trong khi đó, một số địa phương (có Tây Ninh) tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, học sinh chưa thể đi học.

Điều này sẽ dẫn đến sự không công bằng, không đồng đều trong hoạt động dạy học, trong khi kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi chung dành cho học sinh cả nước. Như đã nói, mặc dù có chỉ đạo nhưng ở cấp THPT, việc dạy trực tuyến không phải trường nào cũng thực hiện một cách đầy đủ, có đơn vị chỉ thuần tuý giao bài tập (qua Zalo, Gmail) cho học sinh làm.

Lại có đơn vị chỉ mới dạy được một số môn học, có môn chưa triển khai được. Có môn thầy cô cố gắng dạy nhưng số học sinh theo học không nhiều. Thực tế cho thấy, việc dạy học hiện nay chưa phải là dạy trực tuyến một cách đúng nghĩa. Vì dạy học trực tuyến phải có sự kết nối giữa điểm cầu này với các điểm cầu khác trong cùng một thời điểm, giống như họp trực tuyến.

Điều quan tâm nhất hiện nay là học sinh lớp 12 (lớp 9 dẫu sao cũng đỡ căng thẳng hơn), do liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học. Theo thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT được công khai trên báo chí chính thống thì có thể thấy, ba kịch bản đang được xây dựng dành cho học sinh lớp 12.

Đó là, có thi, không thi hoặc giảm số môn thi. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT tính toán, nếu học sinh cả nước đi học trở lại từ ngày 15.6 thì vẫn tổ chức kỳ thi. Tình huống khác, nếu vẫn chưa đi học được thì có thể không tổ chức kỳ thi hoặc có tổ chức nhưng giảm số môn thi. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin chính thức sẽ giảm những môn thi nào.

Như từng đề cập cách nay chưa lâu, thi hay không thi, giữ nguyên môn thi hay giảm là một bài toán làm “nhức đầu” cơ quan quản lý về giáo dục. Đã có nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế tìm lời giải cho bài toán nêu trên nhưng hiện tại chưa có quyết định sau cùng.

Hiện một số trường đại học chuẩn bị kế hoạch tuyển sinh riêng trong trường hợp dịch bệnh kéo dài không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Như vậy, dù có thi THPT quốc gia hay không, trường đại học, cao đẳng vẫn phải tổ chức tuyển sinh bằng một trong hai phương thức: xét tuyển bằng học bạ hoặc tổ chức thi tuyển. Lãnh đạo một số trường đại học tốp trên đã phát biểu trước báo giới, không thể tuyển sinh bằng học bạ vì nhiều học sinh sẽ có kết quả giống nhau, không có cơ sở để xét tuyển.

Do đó, cần thi tuyển để phân loại thí sinh trúng hay trượt, thông qua điểm bài làm. Trước tình hình đó, có ý kiến đề xuất, nên tổ chức xét công nhận tốt nghiệp (tạm hoãn áp dụng Điều 34 của Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019). Tiếp theo, khâu tuyển sinh giao cho trường đại học nhưng có thể lùi đến một thời điểm thật sự an toàn, ví dụ, tổ chức tuyển sinh vào cuối năm nay. Phương án này giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an toàn nhưng cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề. Tuy nhiên, trong tình hình đặc biệt thì phương án này có thể chấp nhận được.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục