Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngày Gia đình Việt Nam (28/6): Đừng 'bỏ rơi' nhau vì chiếc điện thoại
Thứ tư: 09:34 ngày 28/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chia sẻ với Báo TG&VN nhân Ngày Gia đình Việt Nam, bà Tô Thụy Diễm Quyên* cho rằng, mỗi ngày khi quay trở về nhà, các thành viên hãy buông bỏ điện thoại và đừng bao giờ vừa ăn vừa đọc báo, lướt mạng...

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam, chia sẻ với Báo TG&VN, bà Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, chúng ta đừng để công nghệ, Internet làm ảnh hưởng đến nếp nhà. (Ảnh: NVCC)

Trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV, khi thảo luận về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nhiều Đại biểu Quốc hội rất trăn trở trước báo cáo thống kê về số vụ bạo lực gia đình ngày một tăng, số phụ nữ bị bạo hành bởi chồng ngày một nhiều. Điều này nói lên một sự thực đáng buồn là văn hoá gia đình đang có những vấn đề rất đáng báo động, đang đi ngược lại với xu thế văn minh, tiến bộ. Góc nhìn của bà về câu chuyện này thế nào?

Theo tôi, bạo lực gia đình có nhiều nguyên nhân. Có nhóm nguyên nhân liên quan đến xã hội, ví dụ áp lực của cuộc sống và kinh tế gia đình ngày càng nặng nề, hoặc tâm lý con người bất ổn bởi sự gia tăng thiết bị số. Có nhóm nguyên nhân liên quan sự thiếu hụt kỹ năng và chế tài bạo lực, cụ thể là luật pháp và sự giám sát bạo lực từ cộng đồng.

Tuy nhiên, thực tế cách nhìn nhận về bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Tôi được biết, có một phụ người nữ bị chồng bạo hành. Khi người phụ nữ ấy cần sự giúp đỡ thì được trả lời là họ không can thiệp chuyện riêng của gia đình. Vì vậy, đã từng có những người phụ nữ bị bạo hành khóc với tôi rằng, họ không biết tìm ai để bảo vệ mình.

Khi có thể làm một khảo sát nghiêm túc về nguyên nhân của bạo hành, chúng ta có thể đưa ra giải pháp để hạn chế và hướng đến chấm dứt tình trạng bạo hành. Đây không chỉ là câu chuyện của Hội liên hiệp Phụ nữ mà là câu chuyện của tất cả chúng ta, trong đó có trách nhiệm của giáo dục.

Bên cạnh đó, trẻ em gái cần được học cách tự bảo vệ mình, ví dụ thiết lập các giới hạn để ngăn ngừa sớm tình trạng bạo hành. Học võ và hiểu luật pháp cũng là một trang bị cần thiết.

Vậy trong thời đại 4.0, gia đình đang đối diện với những thách thức gì?

Như đã nói ở trên, cuộc cách mạng số vừa là cơ hội nhưng cũng mang theo hệ lụy là gia tăng căng thẳng cho mọi người. Chúng ta sẽ thích chìm đắm trong chiếc điện thoại hơn là dùng thời gian để giao tiếp, chia sẻ cảm xúc với nhau. Từ đó, sự thấu cảm trong các gia đình giảm sút và mọi người dễ dàng va chạm với nhau hơn. Bạo lực cũng xuất hiện nhiều hơn vì con người đang mất dần kết nối với nhau.

Thời hiện đại, khi mà có nhiều lớp dạy kỹ năng sống được mở ra, nhiều khóa bồi dưỡng tiền hôn nhân, tại sao số vụ ly hôn vẫn gia tăng, vì sao nhiều phụ nữ vẫn là nạn nhân của thói bạo hành?

Không phải cứ học kỹ năng là sẽ có kỹ năng, nhất là những khóa kỹ năng ấy chỉ đơn thuần lý thuyết mà thiếu những trải nghiệm thực tế. Còn nói về ly hôn tăng, có thể thấy xã hội Việt Nam ngày nay đã có nhiều thay đổi. Ly hôn chưa hẳn là tiêu cực mà có thể thấy đó là dấu hiệu một xã hội không còn những tiêu chuẩn khắt khe đã từng ràng buộc phụ nữ phải chấp nhận đau khổ nhưng không dám ly hôn vì sợ điều tiếng của xã hội.

"Trách nhiệm xây dựng văn hóa gia đình là trách nhiệm của tất cả thành viên chứ không còn quan điểm 'đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm' nữa. Bởi phụ nữ bây giờ cũng lo 'xây nhà' như đàn ông".

Tôi có một cô bạn là MC khá xinh đẹp và thành công. Chồng cô ngoại tình nên cô đã ly hôn rồi về Huế sống với bố mẹ. Thay vì đón con quay về, bố mẹ cô đã mắng nhiếc và đuổi đi vì suy nghĩ con gái đã "hủy hoại gia phong”. Đó là câu chuyện của 10 năm trước, giờ thì chẳng mấy ai chê bai phụ nữ bỏ chồng nữa cả. Thậm chí, họ còn chúc mừng những người phụ nữ dám bỏ đi ông chồng tệ bạc, dám vượt lên trên mọi định kiến, dám mạnh mẽ sống cuộc sống xứng đáng.

Vì thế, tôi chưa đồng quan điểm về việc đánh giá số liệu ly hôn tăng là một biểu hiện tiêu cực của xã hội. Thậm chí con số này có thể trong tương lai sẽ giảm. Nhưng lý do giảm không phải là vì các cặp đôi hạnh phúc hơn mà là họ không có nhu cầu kết hôn nữa.

Có một cô gái nói thế này: Những cặp ly hôn họ có từng yêu nhau không? Họ có đăng ký kết hôn không? Họ có con chung không? Đều có đúng không? Họ làm đủ thủ tục của một cuộc hôn nhân nhưng rồi vẫn ly hôn. Thế thì kết hôn làm gì? Cứ ở với nhau khi chán thì chia tay khỏi nặng nề. Thế đó!

Bà Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ, có rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến mối quan hệ trong gia đình mà sự mất kết nối đến từ việc chúng ta không nuôi dưỡng cảm xúc cho nhau. (Ảnh: NVCC)

Có ý kiến cho rằng: “Gia đình bây giờ đủ đầy hơn, tiện nghi hơn, nhưng cũng nhiều áp lực hơn, kém bền vững hơn”. Vậy trong giáo dục văn hóa gia đình, trách nhiệm của mỗi người thế nào, theo bà?

Tùy theo văn hóa mỗi gia đình mà trách nhiệm của từng thành viên sẽ khác nhau. Tuy nhiên, văn hóa gia đình là nền móng quan trọng mà các cặp đôi cần thống nhất với nhau trước khi về sống chung. Có thể xem như đây là “hợp đồng hôn nhân” mà trong đó cả hai sẽ đưa ra những mong muốn, kỳ vọng vào đối phương và những quy trình sẽ được diễn ra trong một ngôi nhà.

Trách nhiệm xây dựng văn hóa gia đình là trách nhiệm của tất cả thành viên chứ không còn quan điểm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” nữa. Bởi phụ nữ bây giờ cũng lo “xây nhà” như đàn ông. Vì thế, trong gia đình khi vợ nấu cơm thì chồng rửa bát. Khi vợ tắm cho con thì chồng lau nhà. Những điều ấy không nên gọi là “chồng chia sẻ với vợ” mà phải là “nghĩa vụ chung”.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng văn hóa trong bối cảnh gia đình Việt Nam đang đứng trước những thách thức, tác động của kỷ nguyên số, theo bà?

Câu hỏi này có thể trở thành đề tài nghiên cứu khoa học cho những người nghiên cứu về xã hội học, nhân học, phụ nữ học. Cá nhân tôi là một phụ nữ làm trong lĩnh vực chuyển đổi số nên rất hiểu những áp lực của con người trong kỷ nguyên số.

Khi tôi qua Mỹ làm việc với các kỹ sư Microsoft, họ có nói với tôi rằng, nên hạn chế trẻ em sử dụng thiết bị số. Trẻ càng nhỏ thì càng cần dành nhiều thời gian cho trẻ chơi với thiên nhiên, loài vật, đặc biệt cần giao tiếp với con người. Trẻ phải học cách giao tiếp trong một thế giới thật để có thể phát triển toàn diện, không bị lệch lạc.

Đã có nhiều trẻ nghiện thiết bị số trở nên mất kiểm soát và kết quả học tập giảm sút. Tệ hại hơn có những trẻ sẵn sàng tự tử khi bị tước đi thiết bị số. Đó là với trẻ em. Còn với người lớn chắc mọi người thấy cảnh những cặp đôi yêu nhau đi vào quán cà phê lãng mạn, thay vì ngồi nhìn nhau say đắm, kể chuyện cho nhau nghe thì bây giờ mỗi người đều dán mắt vào chiếc điện thoại của mình.

Hệ lụy này là tiền đề cho những rạn nứt trong hôn nhân. Còn rất nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng đến mối quan hệ trong gia đình mà sự mất kết nối đến từ việc chúng ta không nuôi dưỡng cảm xúc cho nhau mà ai cũng chìm đắm trong chiếc điện thoại. Đã đến lúc, chúng ta hãy ngồi xuống và thống nhất với nhau rằng, mỗi ngày khi quay trở về nhà mọi thành viên hãy tắt chuông điện thoại và không bao giờ vừa ăn vừa dùng điện thoại.

Mọi người hãy trò chuyện với nhau trên bàn ăn và cùng nhau làm việc nhà. Ngày cuối tuần cả nhà đi chơi sẽ không ai cầm điện thoại trên tay liên tục nhắn tin, đọc báo, lướt facebook. Những quy ước ấy cần được cả gia đình ủng hộ và truyền cảm hứng cho bạn bè.

Thiết nghĩ, gia đình nào xây dựng được văn hóa ấy chắc chắn sẽ gia tăng sự thấu cảm và sẽ có được sự kết nối bền vững. Mối quan hệ tốt đẹp của một gia đình cần được bảo vệ bởi những nguyên tắc mà chúng ta sẽ gọi nó bằng thuật ngữ "văn hóa gia đình”.

Xin cảm ơn bà!

Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên là nhà sáng lập, Giám đốc điều hành InnEdu, một trong 20 phụ nữ truyền cảm hứng năm 2021 do Forbes Việt Nam bình chọn.

Bà làm việc trong lĩnh vực giáo dục 30 năm ở cả ba vai trò giáo viên, chuyên viên đào tạo và chủ doanh nghiệp giáo dục InnEdu, chuyên về STEAM.

Chuyên gia Diễm Quyên đồng thời là giảng viên của các chương trình về đổi mới sáng tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giám khảo các cuộc thi giáo viên sáng tạo cấp địa phương và quốc gia. Bà từng đào tạo và tập huấn cho hơn 60 nghìn lượt lãnh đạo giáo dục và giáo viên tại hơn 40 tỉnh, thành về các kỹ năng liên quan đến STEAM, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, các phương pháp dạy học sáng tạo và tạo động lực tích cực cho học sinh.

Năm 2014, bà tham gia Diễn đàn Giáo dục toàn cầu tại Tây Ban Nha, cũng là người Việt Nam đầu tiên được Microsoft công nhận là chuyên gia giáo dục sáng tạo (Microsoft Innovative Educator Expert Fellow). Tháng 10/2020, InnEdu do bà sáng lập trở thành đối tác đào tạo toàn cầu đầu tiên của Microsoft tại Việt Nam.

Nguồn baoquocte

 

Tin cùng chuyên mục