Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chiến thắng Tua Hai diễn ra cách nay 60 năm (26.1.1960 - 26.1.2019), nhiều người tham gia trận đánh lịch sử ấy đã không còn, hiện chỉ còn vài người còn sống nhưng tuổi cũng đã cao. Ðối với họ, chiến thắng ấy là một niềm tự hào, một kỷ niệm không thể nào quên.
Ông Sáu Lệ diễn tả lại cảnh vác súng đến lở cả bả vai.
Ông Sáu Lệ: Vác súng đạn lở cả vai
Một trong những nhân vật từng tham gia trận Tua Hai đến nay vẫn còn sống là ông Ðinh Công Xã (bí danh Sáu Lệ), năm nay 89 tuổi, hiện ngụ ấp Phước Lợi, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. Ông Lệ kể, quê ông ở xã Long Phước, huyện Bến Cầu. Chứng kiến cảnh khói lửa chiến tranh trên quê hương, từ năm 1948, ông tình nguyện tham gia cách mạng. Lúc đó, ông vào đội công binh của huyện. Sau đó, đội công binh giải thể, năm 1951, ông về xã Tà Păng (nay là xã Phước Vinh) sinh sống và tiếp tục cống hiến sức trẻ của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Năm 1957, ông Lệ được bầu làm Bí thư Ðảng uỷ xã Tà Păng. Trong cuộc tập kích thành Tua Hai, ông được cấp trên phân công chỉ huy 1 tiểu đội, có trách nhiệm chiếm xe tải của địch và chở vũ khí về căn cứ. Ông Lệ nhớ lại: “Khoảng 11 giờ trưa ngày 25.1.1960, chúng tôi đến chỗ tập kết ở căn cứ Huyện uỷ. Ở đó, chúng tôi thấy khẩu hiệu: “Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên khi vào thành Tua Hai phải lấy 2 khẩu súng Garand, 3 khẩu súng carbine và 600 viên đạn mang về căn cứ”.
Ðến 3 giờ rưỡi chiều cùng ngày, chúng tôi di chuyển đến địa điểm tập kết ở Bàu Dương Lịch. Tại đó, chúng tôi được một chính trị viên- sau này mới biết đó là Ðại tướng Mai Chí Thọ- giải thích trận đánh, lực lượng vũ trang tham gia trận đánh. Ông căn dặn mỗi người cố gắng lấy cho được nhiều súng đạn mang về địa phương. Ở xã, huyện nào có điều kiện thì dùng làm vũ khí tự giải phóng địa phương, không cần chờ lệnh cấp trên nữa”.
Ông Lệ kể tiếp: “Lúc 0 giờ cùng ngày, các mũi giáp công bắt đầu tiếp cận thành Tua Hai. Ðơn vị của tôi cũng áp sát vào thành. Lúc đó, ai có mặt ở trận đánh lịch sử này mới cảm nhận được khí thế hừng hực. Khi nghe mìn bộc phá nổ hàng loạt phát lệnh tấn công, các đơn vị đồng loạt xung phong. Ở ngoài xóm, kèn tiến quân thổi lên dậy sóng.
Phía sau thành Tua Hai, ông Tư Cọp- đại đội trưởng hô xung phong, lực lượng dân quân ở giữa ruộng, trong tay không có tấc sắt mà cứ chạy tràn lên, xông vào thành. Khi vào đến nơi, một số lính bảo vệ mở cửa thành cho quân ta tràn vào trong và họ mở cửa các kho vũ khí cho quân ta lấy súng, lấy đạn. Ðơn vị của tôi lấy vũ khí mang vác lên vai và chất đầy lên các xe tải chở về căn cứ.
Không may, trên đường về cứ, bị quân địch chặn đường, tấn công, lấy lại các xe vũ khí. Anh em trong đơn vị chỉ còn mang được số vũ khí trên vai về căn cứ. Tôi vác mấy khẩu súng và một thùng đạn, chạy về đến xã. Ðến nơi mới thấy lở cả bả vai. Sáng hôm sau, mở thùng đạn ra mới biết trong đó có 12 quả mìn. Nhờ số mìn này mà sau này có vũ khí dùng để phá vành đai, tấn công các đồn khác của địch”.
Sau Chiến thắng Tua Hai, ông Lệ trở về địa phương và được bầu làm Phó Bí thư Ðảng uỷ liên xã Ninh Ðiền, Long Vĩnh. Ngày 30.3.1960, ông Lệ chỉ huy đánh chiếm hãng sản xuất đường của Pháp (xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành hiện nay), thu được nhiều vũ khí, đạn dược và tiền mặt. Những năm sau đó, ông Lệ được bầu vào Thường vụ Huyện uỷ và lần lượt trải qua nhiều cương vị khác nhau, như Trưởng ban Tuyên huấn huyện, Phó Bí thư Huyện uỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng quân quản huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện.
Năm 1976, sau ngày miền Nam giải phóng, ông Lệ được Tỉnh uỷ rút về giữ chức vụ Phó Văn phòng, Phó Trưởng ban Tài chánh quản trị. Năm 1986, ông giữ chức vụ Giám đốc Nông trường Cao su Châu Thành và đến năm 1989, ông về nghỉ hưu.
Bà Nguyễn Thị Mai: Nữ y tá năm xưa
Ngoài ông Sáu Lệ, ở xã Phước Vinh, còn có bà Nguyễn Thị Mai, năm nay 80 tuổi- người cũng từng góp sức trong trận đánh Tua Hai. Nhắc lại trận đánh 60 năm trước, nữ y tá năm xưa bồi hồi nhớ lại. Quê ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, hồi còn nhỏ, cha mẹ theo cách mạng, hy sinh, bà Mai theo người anh chuyển về Tây Ninh sinh sống.
Năm lên 16 tuổi, theo tiếng gọi non sông, bà Mai tham gia cách mạng. “Lúc đó, tôi được tổ chức giao nhiệm vụ đưa thư và nấu cơm nấu nước cho các cán bộ cách mạng. Thời điểm đó, lực lượng cách mạng cần y tá, nên đưa tôi đi học nghề y tá trong thời gian 2 tháng ở Ðại đội C40 huyện Châu Thành. Sau đó, tôi thoát ly. Chúng tôi được ông Năm Tú (Võ Ðức Tú) thành lập một Tổ y tế gồm 10 người và điều đi công tác ở những nơi cần thiết”.
Bà Mai đang cuốc đất đắp lại nền chuồng gà phía sau nhà cho khô ráo.
Khi chuẩn bị đánh vào thành Tua Hai, bà Mai được 22 tuổi và cũng được ông Năm Tú điều đến chiến trường để chuẩn bị cho việc cứu thương. Tính đến nay, trận đánh thành Tua Hai lịch sử đã qua 60 năm, nhưng hình ảnh trong trận đánh ấy vẫn còn in đậm trong lòng của bà: “Trong trận đánh đó, có nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương nặng, gãy tay, gãy chân, chúng tôi chuyển những thương binh này lên xe tải chở vũ khí để nhờ đưa về căn cứ chữa trị.
Không may, trên đường về, các xe tải chở vũ khí bị địch chặn đánh để lấy lại vũ khí. Trong trận chiến đó, những thương binh này bị tử trận hết”. Sau trận đánh đó, bản thân bà Mai cùng nhiều đồng đội bị thất lạc, tự thân tìm đường trở về căn cứ. “Lúc đó, trên vai tôi vác súng. Ban ngày, núp trong rừng vì sợ máy bay địch phát hiện, ban đêm chạy bộ xuyên rừng, tôi bị sưng cả chân. Tôi vác được 5 cây súng Carbine, 1 cây súng tự động, chạy theo mấy anh về căn cứ Chà Là (huyện Dương Minh Châu). Sau đó, tôi tiếp tục chạy về căn cứ Trà Vong” (huyện Tân Biên).
Sau trận đánh Tua Hai, bà Mai tiếp tục gắn bó với nghề y. Ðến năm 1974, bà lập gia đình, hoàn cảnh nghèo khó, nên bà đành chia tay với nghề. Theo lời bà Mai kể, chồng bà cũng từng tham gia cách mạng ở huyện Bến Cầu. Năm 1968, cùng tham gia dân công ở núi Bà Ðen, chồng bà bị bệnh qua đời đã mấy mươi năm. Một mình bà lao động vất vả để nuôi 8 người con.
Hiện nay các con bà Mai đã lớn, lập gia đình ra ở riêng, chỉ còn người con trai út, chưa lập gia đình, hằng ngày kiếm sống bằng nghề lái xe cuốc đất. Nhiều năm nay, hai mẹ con bà Mai nương tựa vào nhau, sống trong căn nhà đơn sơ. Sau 60 năm chiến thắng Tua Hai, nhìn thấy quê hương có nhiều đổi mới, mặc dù cuộc sống riêng của gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng nữ ý tá năm xưa rất vui mừng: “Hồi đó, trông hoà bình dữ lắm. Hoà bình để mình được tự do. Bây giờ thấy đất nước độc lập, phố xá có nhiều đổi thay, con cái có công ăn việc làm, tôi thấy hạnh phúc lắm”.
ÐẠI DƯƠNG