Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nghệ thuật công cộng từ… cây trái và hoa lá
Thứ tư: 14:50 ngày 01/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nghệ thuật công cộng là một khái niệm, có thể còn xa lạ với nhiều người, nhưng trên thực tế đã có từ lâu. Có khi nó ở ngay bên cạnh ta mà do đã quen thuộc quá nên không để ý.

Cổng rồng tại Báo Quốc Từ.

Theo các nhà nghiên cứu, nghệ thuật công cộng (NTCC) là một loại hình nghệ thuật gắn với đô thị, với những không gian công cộng ngoài trời. Vậy thì trước hết đấy, là những tượng đài thường thấy ở công viên hay các khu di tích lịch sử văn hoá.

Ở Tây Ninh, có thể điểm lại vài công trình nhiều người biết, như tượng đài công viên Thắng Lợi gần cầu Quan; hay các tượng đài Chiến thắng Tua Hai, Chiến thắng Junction City, tượng đài Người giữ núi Bà Đen ở núi Bà, tượng đài các anh hùng liệt sĩ ở ngã ba núi… và có thể kể cả các đài liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ. Bức tranh hoành tráng trên Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở Tân Biên cũng thuộc thể loại này. Các công trình NTCC thường đem lại cho người đối diện một cảm xúc thành kính thiêng liêng hoặc gợi những suy tư về sự cao cả nhờ các hình khối đậm đặc tính biểu tượng của nghệ thuật.

Ở Tây Ninh, còn có một loại hình NTCC khác, mà có lẽ các nhà nghiên cứu nghệ thuật còn chưa chú ý đến. Bởi lẽ nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Đấy là các công trình được làm hoàn toàn bằng cây cỏ, hoa trái. Điển hình và gần đây nhất, có lẽ là cái cổng vào toà Báo Quốc Từ, nơi ngày 10.3 (âl) hằng năm đều diễn ra lễ Giỗ Tổ Hùng Vương của bà con có đạo Cao Đài. Toà điện thờ này nằm ngay bên một ngã tư đông đúc nhất của trung tâm đô thị Hoà Thành. Vậy nên đến ngày lễ, người ta mới dựng thêm cổng và rạp phía sau làm nơi cho bà con vào cúng viếng. Có thể do năm nay là Giáp Thìn nên cái cổng được làm theo hình tượng rồng. Đặc biệt, hình tượng này còn được kết lại toàn bằng hoa, lá, trái cây. Và, với tài nghệ của mình, các nghệ nhân đã cống hiến cho ngày lễ hội cũng như du khách một biểu tượng nghệ thuật vô cùng đặc sắc.

Vâng! Đấy quả là hình tượng rồng lớn và đẹp nhất trước nay trên đất Tây Ninh. Đẹp đến độ, tất cả mọi người- từ tín đồ đến cúng hay du khách, người qua đường đều “sững lại” và trầm trồ khen ngợi. Lễ tất từ trưa nhưng cho đến tận chiều tối ngày 10.3 (âl- 18.4.2024 dương lịch) vẫn còn nhiều người đến chụp ảnh làm kỷ niệm. Cổng cao khoảng 4m50, với chính giữa trên nóc là một đầu rồng, kiểu thường thấy ở các chi tiết quan trọng trong công trình tôn giáo hay trong các lăng tẩm đền đài ở kinh thành Huế. Hai bên là hai con rồng dũng mãnh bay lên, thân uốn lượn cực kỳ sinh động.

Điều đặc biệt ở đây là tất cả các chi tiết- từ đầu cho đến thân rồng đều được làm từ lá, hoa hay trái quả quanh ta. Dễ thấy nhất là thân rồng xanh óng ả được ghép từ những trái cau kiểng. Trên thân là chạy dài các hàng trái cây đậu bắp, ớt và cà rốt đỏ làm vây. Làm tôn thêm màu sắc còn là cái bụng rồng ửng vàng kết toàn bằng một loài bông cúc nhỏ (?). Chân rồng 5 móng quấn bằng lá cây thốt nốt. Kỳ công nhất vẫn là phần đầu rồng được tạo hình từ các hoa cúc tím và trái dừa nước; sừng rồng là trái lê; râu rồng lá khóm (dứa) cùng với tỏi và củ cải làm răng xen với củ hành tây. Ngoài bộ râu dài bao quanh miệng, còn có vắt vẻo những sợi râu dài trên đầu kết từ trái mận…

Bên trên công trình cổng rồng này còn điểm trang thêm 7 đoá hoa khổng lồ cỡ hơn 1 mét kết bằng lá cây thốt nốt. Cổng hướng mặt về phía chợ Long Hoa, làm nên một không gian rực rỡ sắc màu, cho dù là ban ngày hay ban đêm sáng rực điện đèn. Ai đến lễ hay chỉ xem, cũng tự thấy trong lòng rộn ràng niềm vui. Bởi sự liên hệ với truyền thuyết con Lạc, cháu Hồng và các vua Hùng dựng nước.

Kể về rồng, không thể không nhắc đến những tác phẩm NTCC xuất hiện tại chùa Thiền Lâm - Gò Kén suốt gần 1 tháng qua. Đấy là từ 17.2 đến ngày 14.3 (âl). Bộ tứ linh được dựng lên trước mặt tiền chùa nhân ngày lễ vía Quán Thế Âm bồ tát. Rồng ở đây cũng được tạo nên bằng các loại lá cây và hoa trái miền Nam, được cuốn quanh chân tượng Quán Thế Âm tạc bằng đá núi Bà.


Chim phụng

Đấy lại là một hình tượng khác của rồng- là rồng đã được Phật Bà thuần phục. Cách bài trí cho thấy cảm tưởng như rồng đang chở Bà đi quan sát cõi nhân gian. Dù vậy, đầu rồng phía trước vẫn vươn lên kiêu hãnh. Còn phần đuôi vểnh lên về phía sau pho tượng, tạo một đường cong lượn thanh thoát nhẹ nhàng. Tượng cao 7m20; thì rồng tạo tác ở đây cũng lên cao chừng 5 m. Thật lạ lùng là cho dù trải qua gần 1 tháng, lại là tháng tư chao chát nắng. Vậy mà tới ngày 14.3, màu cây trái vẫn còn tươi.

Thật ra, rồng vừa mô tả tại chùa Thiền Lâm chỉ là một trong 4 hình tượng được coi là tứ linh của văn hoá dân gian người Việt. Đấy là: long, lân, quy, phụng. Thì ở đây, kỳ lân cũng cao hơn 3 m, thân toàn bằng bông cúc vàng xen đỏ. Còn phần đầu cũng cực kỳ sinh động với các loài lá, trái cây như đã kể trên. Quy (rùa) cũng được làm từ hoa và cây trái, rộng dài đều hơn 4 m. Còn chim phụng, cũng được kết từ hoa lá trái cây cao hơn 3 m. Rồng và rùa chỉ có một, nhưng lân và phụng thì có hẳn một đôi, bố trí đối xứng nhau tạo thành một quần thể của tác phẩm NTCC chung quanh gốc bồ đề. Ngoài ra, trước tượng Phật Quan Âm còn có một đôi chim công, kết toàn từ hoa hồng môn và phong lan, tạo nên một tiểu cảnh “rồng bay phượng múa”. Đây chính là nơi đã có hàng ngàn phật tử và du khách dừng chân, ngưỡng mộ. Biết bao người đã có được cho mình một tấm ảnh đẹp lung linh nhờ đến cúng hay đơn giản chỉ là đi viếng cảnh chùa.

Chắc có bạn sẽ hỏi: Ai là người làm nên các công trình NTCC tuyệt vời ấy? Xin thưa, toàn là những nghệ nhân của các làng, ấp trên đất thôn Long Thành xưa (nay đã thành 3 phường trung tâm của thị xã Hoà Thành). Họ đã từng góp trí tuệ và bàn tay tài khéo qua biết bao mùa lễ hội. Từ hội Kỳ yên của đình Long Thành đến lễ vía Quán Thế Âm chùa Gò; và nhất là các đại lễ tưng bừng của đạo Cao Đài. Từ các mô hình sắp đặt trong lễ vía Đức Chí Tôn mùng 9 tháng Giêng, đến Hội yến Diêu Trì cung rằm tháng tám. Chính từ các mô hình quả phẩm dâng lên, sắp đặt trong nhà, đến nay, những tác phẩm ấy đã được lớn lên, thăng hoa trở thành các tác phẩm NTCC góp mặt vào kiến trúc đô thị Hoà Thành.

Có nhà nghiên cứu cho rằng: “NTCC dần trở thành một trong những thước đo của những đô thị văn minh”. Vậy thì đã đến lúc các cơ quan quản lý văn hoá cần có sự quan tâm hơn đến loại hình NTCC kết từ cây trái và hoa lá. Để cho nghệ thuật này còn mãi tới ngày sau.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục