Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lòng hồ Dầu Tiếng:
Ngư dân trăn trở đổi nghề
Thứ bảy: 06:37 ngày 20/04/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nghề khai thác thuỷ sản trên địa bàn tỉnh những năm qua phát triển nhanh, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ngư dân đang tìm hướng đổi nghề bởi gặp nhiều khó khăn.

Ngư dân hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Trăn trở đổi nghề

Sáng sớm, tại “chợ cá” trong hồ Dầu Tiếng, lác đác vài ghe tàu cập bờ. Ngư dân cân cá cho thương lái. Mỗi ghe có từ 5 - 20kg cá. Theo những người mua bán cá, hiện nay còn rất ít ngư dân đánh cá trong hồ.

Ra hồ từ lúc 1 giờ sáng, về tới bờ khi mặt trời đã lên cao nhưng trên ghe chỉ có khoảng 5kg cá trắng, cá mè và một ít cá lăng... bán được khoảng 150.000 đồng, ông Hồ Văn Ninh, ngư dân ngụ thị trấn Dương Minh Châu cho biết, mùa này nước vừa cạn vừa đục nên ít cá. Thu nhập ít nên cuộc sống gia đình khó khăn hơn.

“Tôi làm nghề này gần 10 năm nay. Ghe lưới cũng ngần ấy năm chưa được thay nên cũ quá rồi mà không có tiền thay mới. Ngoài nghề này, tôi không biết làm gì khác nên đành phải ráng theo để kiếm sống”, ông Ninh nói. Cả nhà 4 miệng ăn trông chờ vào nghề này. Một mình lênh đênh trên hồ từ giữa đêm đến sáng nhưng thu nhập chỉ từ 150.000 - 300.000 ngàn đồng, trừ tiền nhiên liệu, ông còn khoảng 100.000 - 250.000 đồng.

Theo ông Ninh, trung bình mỗi chuyến đánh bắt cá trong hồ, ngư dân có thu nhập từ 100.000 đồng - 350.000 đồng. Riêng ngư dân câu cá lăng, cá thác lác cườm, ra hồ từ khoảng 13 giờ ngày hôm trước và về vào khoảng 6 giờ sáng hôm sau, có thu nhập khá hơn, từ 500.000 đồng - 700.000 đồng/chuyến.

Lúc 5 giờ 45 phút, ghe cá của ông Năm (ngụ xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu) cập bờ. Ông Năm cho biết, hơn 10 năm làm nghề, đây là khoảng thời gian ngư dân gặp nhiều khó khăn nhất. “Tôi ra hồ từ 13 giờ ngày hôm trước nhưng hôm nay chỉ câu được khoảng 5kg cá lăng, cá thác lác cườm và khoảng 4kg cá tạp. Cùng thời điểm này năm ngoái, tôi bắt được nhiều cá hơn, có khi gấp đôi”, ông Năm cho biết.

Hầu hết các ghe đánh bắt cá trên hồ Dầu Tiếng thuộc loại ghe nhỏ không có mui nên ngư dân phải phơi mình cùng sương gió và cái nắng cháy da mùa này. Ghe nhỏ, thiếu an toàn và cuộc mưu sinh đầy nguy hiểm nhưng nhiều người phải đeo bám để kiếm “chén cơm, manh áo”. “Nếu có nghề khác đỡ vất vả hơn, chúng tôi sẽ bỏ nghề này”, nhiều ngư dân bộc bạch.

Chiếc ghe với vài con cá của anh Dũng sau hơn 4 giờ lênh đênh trên hồ.

Vì đâu nên nỗi?

Hiện nay, chỉ còn một số ngư dân lâu năm gắn bó với nghề, nhiều người trẻ đã “bỏ hồ” làm việc khác. Nguyên nhân là do nước hồ đang vào mùa khô, nước kiệt, ít cá. Thêm vào đó là việc nhiều người sử dụng ngư cụ cấm, khai thác theo kiểu tận diệt, cả trong mùa sinh sản khiến cá trong hồ dần ít đi.

Ông D, một ngư dân thừa nhận có tình trạng sử dụng ngư cụ cấm tràn lan trong hồ. “Thời điểm này ít cá nên các ghe đánh bắt thuỷ sản kiểu tận diệt tạm nghỉ. Vào khoảng cuối tháng 7 âm lịch, số lượng ghe sử dụng ngư cụ cấm rất nhiều, chủ yếu là  xung điện, giả cào mắt nhỏ, lưới dớn… Cá lớn, cá nhỏ không con nào thoát được. Biết là ảnh hưởng nguồn lợi thuỷ sản về lâu dài nhưng tôi và nhiều người khác vì cuộc sống trước mắt đành phải làm liều”- ông D chia sẻ.

Mặt khác, theo ngư dân Trịnh Văn Dũng (ngụ xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu), ngoài các nguyên nhân trên, phải kể đến việc nước hồ bị đục. “Tình trạng nước đục xuất hiện từ cuối năm 2017 đến nay, sản lượng cá cũng giảm rất nhiều. Ví dụ vào thời điểm nước rút những năm trước, mỗi chuyến tôi đánh bắt ít nhất cũng khoảng 25 - 30kg cá, đến nay chỉ còn khoảng 10-20kg”, ông Dũng kể.

Liệu phản ánh, trăn trở của ngư dân về nguyên nhân nguồn lợi thuỷ sản giảm mạnh có chính xác? Ông Lê Anh Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc đánh giá nước đục bằng cảm quan khó có thể chính xác, cần có sự đánh giá cụ thể của cơ quan chức năng liên quan.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 và năm 2018, ngành chức năng khắc phục, xử lý việc nước hồ bị đục bằng việc rà soát lại vùng khai thác cát, số lượng ghe, công suất khai thác, yêu cầu đơn vị khai thác cát phải lắng nước trước khi xả nước ra hồ... “Vì vậy đến nay nước hồ đã trong hơn, nhưng để trong như những năm trước đó thì chưa được”, ông Tâm nói.

Ông Tâm cho biết thêm, trong hồ Dầu Tiếng hiện chưa có phân định khu vực đánh bắt cá cho ngư dân nên họ đánh bắt tràn lan, sử dụng cả ngư cụ cấm.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, có khoảng 600 ghe, thuyền đang đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng, trong đó có hơn 360 ghe, thuyền được cấp giấy phép. Sản lượng khai thác nội địa trong 3 tháng đầu năm khoảng 806 tấn (bằng 96,9% so với cùng kỳ năm trước). Hầu hết các phương tiện khai thác tự phát, nhỏ lẻ, phân tán; Cách khai thác thuỷ sản có tính huỷ diệt khiến thuỷ sản hồ Dầu Tiếng đứng trước nguy cơ dần cạn kiệt.

Lực lượng chức năng thu giữ ngư cụ cấm tại hồ Dầu Tiếng.

Sẽ tăng cường kiểm tra

Ông Đào Phạm Minh Hoà, chuyên viên Phòng Thú y cộng đồng- Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trong 3 tháng đầu năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 1 đợt thanh tra, kiểm tra trên hồ Dầu Tiếng, tịch thu 400m lưới dớn (không xác định được chủ) và đã cắt tiêu huỷ tại chỗ.

Qua tuyên truyền, vận động, ngư dân ý thức hơn trong việc sử dụng ngư cụ để khai thác thuỷ sản. Mặc dù vậy, hoạt động khai thác thuỷ sản kiểu tận diệt ngày càng tinh vi. Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra trên hồ Dầu Tiếng, ngăn ngừa, xử lý hành vi khai thác thuỷ sản bằng ngư cụ cấm, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản lâu dài.

Thực tế, đa số ngư dân đều là những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, ngành chức năng và chính quyền địa phương bên cạnh việc quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá, hạn chế việc khai thác không theo mùa, đánh bắt huỷ diệt hoặc sử dụng ngư cụ cấm cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân khai thác thuỷ sản hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục