Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm
Chủ nhật: 23:15 ngày 04/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc sau khoảng thời gian dài chịu ảnh hưởng của các loại dịch bệnh, người chăn nuôi tập trung tái đàn để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho dịp tết nguyên đán sắp tới.

Đàn gà của anh Nguyễn Hoàng Duy.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến rất phức tạp, nắng nóng, mưa nhiều, độ ẩm cao nên dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất dễ phát sinh. Để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, người chăn nuôi đang thực hiện các biện pháp chăm sóc và phòng ngừa bảo vệ sức khoẻ đàn gia cầm, với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Ông Trần Đăng Lịch, ngụ ấp Tầm Long, xã Trí Bình, huyện Châu Thành cho biết, từ trước đến nay, ngoài việc canh tác một số loại rau màu, kinh tế gia đình ông chủ yếu dựa vào việc chăn nuôi bò thịt, ông xây dựng chuồng trại bài bản, thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại định kỳ và tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương. Nhờ đó, những đợt dịch vừa qua, đàn bò của gia đình ông vẫn bảo đảm sức khoẻ tốt, không bị nhiễm bệnh.

Theo ông Lịch, bò không bị bệnh thì sẽ phát triển nhanh, người nuôi sẽ đỡ tốn công chăm sóc, tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi, có thể xuất bán sớm và không bị thương lái ép giá. Chính vì vậy, mỗi con bò mua về đều được tiêm ngừa vaccine đầy đủ.

Anh Nguyễn Hoàng Duy, ngụ khu phố 1, thị trấn Châu Thành cho biết, sau nhiều năm làm nghề tài xế, năm 2019, anh dồn hết vốn liếng vào xây dựng trang trại chăn nuôi gà thịt, sau hơn 3 năm theo đuổi nghề, anh rút kinh nghiệm trong chăn nuôi, điều quan trọng nhất là phòng ngừa dịch bệnh, một khi đàn vật nuôi xảy ra bệnh thì việc điều trị sẽ rất khó. Do đó, ngay từ khâu chọn con giống, anh bỏ ra số tiền lớn để nhập gà con của trang trại lớn, có chất lượng. Ngoài ra, để phòng ngừa dịch bệnh trong suốt thời gian chăn nuôi, anh tiêm phòng vaccine tất cả các loại bệnh theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương.

Ông Lưu Trường Thọ- Trưởng Ban Thú y xã Trí Bình cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 760 con trâu, bò, chủ yếu được chăn nuôi theo kiểu nông hộ. Đa phần các hộ chăn nuôi đều có ý thức rất cao trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn xã tương đối ổn định, chưa ghi nhận trường hợp gia súc, gia cầm mắc các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Để phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, Ban Thú y xã đã tổ chức 2 đợt tiêm vaccine với 2 loại bệnh trên trâu, bò là viêm da nổi cục và lở mồm long móng, đồng thời cấp phát thuốc sát trùng cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn, đạt khoảng 60% kế hoạch.

Theo ông Lê Đức Đoan- Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành, đến cuối tháng 8.2022, tổng đàn gia cầm trên địa bàn huyện có khoảng 550.000 con, trong đó tập trung chủ yếu ở các trang trại lớn, có quy mô từ 5.000 con trở lên.

Từ đầu năm đến nay, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tổ chức 3 đợt tiêm vaccine phòng các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, gồm: 7.300 liều vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò; 7.500 liều vaccine phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc các loại và 7.000 liều vaccine phòng bệnh cúm gia cầm. Triển khai 3 đợt cấp phát thuốc sát trùng khoảng 1.200 lít cho hơn 11.000 hộ chăn nuôi và các chợ trên bàn huyện. Nhờ vậy, trên địa bàn huyện chưa phát sinh trường hợp dịch bệnh nguy hiểm.

Ông Lưu Trường Thọ- Trưởng Ban Thú y xã Trí Bình tiêm phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn bò của ông Trần Đăng Lịch.

Nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất cao

Những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển chăn nuôi, trong đó có chương trình ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học.

Ông Nguyễn Thành Thúc- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, trong những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn sinh học, hiệu quả thấp sang chăn nuôi trang trại quy mô lớn, vừa và nhỏ, bảo đảm an toàn sinh học.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 612 trang trại gia súc với tổng đàn trên 190.000 con và hơn 110 trang trại gia cầm với tổng đàn 5.685.181 con. Có 62 trang trại chăn nuôi (22 cơ sở chăn nuôi gà, 39 cơ sở chăn nuôi heo, 1 cơ sở chăn nuôi bò) được cấp giấy chứng nhận VietGAHP, 67 cơ sở chăn nuôi gà, vịt, heo, bò được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (55 cơ sở chăn nuôi gà, 1 cơ sở chăn nuôi vịt, 9 cơ sở chăn nuôi heo, 2 cơ sở chăn nuôi bò).

Huyện Dương Minh Châu và 14 xã (11 xã thuộc huyện Dương Minh Châu và 3 xã Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Trạch thuộc huyện Gò Dầu) được chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà. 6 xã (Long Khánh, Long Phước, Long Giang, Long Thuận, Lợi Thuận, Tiên Thuận) huyện Bến Cầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và người chăn nuôi trong việc tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi; ngành Thú y đã triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường” trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Thúc, để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thời gian tới, các địa phương cần tập trung các nguồn lực tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên vật nuôi, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt đối với các dịch bệnh nguy hiểm: cúm gia cầm, viêm da nổi cục, tai xanh...

Anh Nguyễn Hoàng Duy cho đàn gà ăn.

Đồng thời, các địa phương hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, áp dụng hình thức trực tuyến để hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân về tác hại của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết từ nay đến cuối năm, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất cao, việc tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine và thực hiện tốt các biện pháp an toàn vệ sinh sinh học, chủ động phòng, chống dịch bệnh sẽ là giải pháp tối ưu giúp cho các hộ chăn nuôi tiếp tục phát triển đàn vật nuôi theo hướng bền vững.

Nguyên An

Tin cùng chuyên mục