Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Người hết lòng vì công tác y tế dự phòng
Thứ bảy: 21:23 ngày 25/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Năm 2016, lần đầu tiên Giải thưởng Đặng Văn Ngữ được Bộ Y tế trao tặng cho các cá nhân và tập thể có nhiều đóng góp và thành tích xuất sắc trong lĩnh vực Y tế dự phòng. Trong lần trao giải này, Tây Ninh vinh dự có 1 cá nhân đạt danh hiệu này, đó là bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Y tế.

Sinh năm 1962 tại xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu, xuất thân từ gia đình thuần nông nhưng từ nhỏ Nguyễn Văn Cường đã nuôi ước mơ trở thành người thầy thuốc để được chăm sóc, phục vụ nhân dân.

Năm 1984, sau khi tốt nghiệp tại Trường Trung học Y tế Tây Ninh, anh ở lại làm công tác giảng dạy tại trường.

Bác sĩ Nguyễn Văn Cường vinh dự được Chủ tịch Nước Trần Đại Quang trao chứng nhận giải thưởng Đặng Văn Ngữ.

Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bác sĩ Nguyễn Văn Cường  không ngừng học tập. Năm 1989, anh quyết định theo học tại trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, sau đó tiếp tục học tập nâng cao trình độ lên bác sĩ chuyên khoa I Y tế công cộng.

Từ năm 1994 đến năm 2003, anh được phân công về Trạm Phòng chống sốt rét (nay là Trung tâm Phòng chống sốt rét Tây Ninh).

Hơn 10 năm tham gia công tác dự phòng, bác sĩ Nguyễn Văn Cường luôn lăn xả cùng cán bộ, nhân viên y tế của trạm và y tế cơ sở để giúp người dân bảo vệ sức khoẻ, phòng chống mắc sốt rét.

Trong quá trình công tác, anh luôn thấm nhuần lời dạy của Bác với cán bộ y tế: “Đừng có ngại khó ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu...”.

Thời gian hơn 10 năm trước, Tây Ninh là một trong những tỉnh, thành cả nước có tỷ lệ người mắc sốt rét cao, đặc biệt là ở một số xã thuộc khu vực giáp biên, bệnh diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch lớn; đã có nhiều trường hợp tử vong do mắc sốt rét.

Lúc này, mọi phương tiện còn thô sơ, sự nhận thức của người dân đối với công tác vệ sinh phòng bệnh còn rất hạn chế, nhưng với lòng nhiệt huyết yêu ngành, yêu nghề, bác sĩ Cường đã không quản khó khăn, ngày đêm cùng các đồng nghiệp đi đến từng nhà dân để vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, lấy lam máu xét nghiệm, cấp thuốc, cấp màn có tẩm hoá chất phòng chống muỗi cho người dân...

Những lúc thực hiện điều tra, thu thập muỗi mang về nghiên cứu, dù là giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét Tây Ninh, nhưng bác sĩ Cường vẫn hằng ngày cùng anh em kỹ thuật vào rừng, lên rẫy, leo núi, đưa thân mình ra làm “mồi nhử” tìm bắt muỗi, thu thập bọ gậy để nghiên cứu, đánh giá tình hình bệnh, từ đó có biện pháp phòng chống bệnh sốt rét hiệu quả hơn.

BS.Nguyễn Văn Cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại Trạm Kiểm dịch Y tế Quốc tế cửa khẩu Mộc Bài.

Tiếp xúc với người dân địa phương, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, không phải là chuyện dễ và càng không phải ai cũng làm được. Nhưng bằng sự quan tâm chân thành, bác sĩ Cường đã xua tan đi mọi rào cản. Nhiều khi với những bệnh nhân chưa hiểu, có thái độ không tốt, thậm chí còn xua đuổi nhưng anh vẫn nhẹ nhàng giải thích không để họ hoang mang. Và khi hiểu ra vấn đề, người dân càng nể phục, kính trọng, yêu mến anh nhiều hơn.

Năm 2007, bác sĩ Nguyễn Văn Cường được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở Y tế Tây Ninh, phụ trách khối Y tế Dự phòng. Mặc dù là Phó Giám đốc Sở, nhưng anh vẫn luôn theo sát trong công tác phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng có mặt cùng với các đồng nghiệp, trực tiếp xuống địa bàn tìm hiểu và đưa ra biện pháp dập dịch nhanh chóng, tránh lây lan.

Thời kỳ này, Tây Ninh cũng đã hội nhập và phát triển mạnh mẽ cùng với các tỉnh, thành trong cả nước. Công tác y tế dự phòng chính vì vậy cũng đứng trước những khó khăn, thách thức mới. Tình hình dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, đòi hỏi người lãnh đạo phải năng động, bản lĩnh để xử trí các tình huống dịch bệnh mới phát sinh.

Trong khi tình hình dịch trên thế giới nói chung, ở các tỉnh bạn nói riêng rất phức tạp, thì Tây Ninh vẫn kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh lớn xảy ra, các ổ dịch đều được phát hiện sớm và khống chế kịp thời, không có ca tử vong do dịch bệnh.

Năm 2009 là năm mà Việt Nam cũng như thế giới lao đao bởi sự xuất hiện của một loại virus cúm mới có tên là Cúm A/H1N1. Tốc độ lây lan của dịch nhanh chóng đến mức chỉ sau vài tháng phát hiện, virus cúm đã lan rộng ra khắp các châu lục. Tổ chức y tế Thế giới gọi đây là đại dịch.

Lúc đó, Việt Nam chưa phát hiện ca nhiễm cúm A/H1N1 nào, nhưng lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cũng như bản thân ngành Y tế Tây Ninh đã chuẩn bị phương án “phòng ngự” trước, nhằm bảo vệ sức khoẻ nhân dân tốt nhất.

Với vai trò Phó Giám đốc Sở phụ trách công tác phòng chống bệnh, bác sĩ Nguyễn Văn Cường thực sự là đầu tàu trong cuộc chiến chống dịch cúm A/H1N1. Anh di chuyển hầu như liên tục, từ cửa khẩu Mộc Bài đến Xa Mát; từ trường học đến bệnh viện, công sở v.v… trong tỉnh để vừa giám sát công tác phòng chống dịch, vừa thực hiện tuyên truyền đến người dân.

Khi dịch cúm xuất hiện trên địa bàn tỉnh, trước sự hoang mang của dư luận về dịch bệnh, bác sĩ Cường lại cùng đồng nghiệp có mặt trực tiếp ở vùng dịch, vừa trấn an người dân, vừa xử lý công tác. Bản thân không phải là người có sức khoẻ tốt, lại mang trong mình căn bệnh tiểu đường nên có lúc nhìn anh thật sự tiều tuỵ. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều ổ dịch nên không tránh khỏi chính mình bị nhiễm virus cúm A/H1N1 và phải nhập viện điều trị, nhưng không vì vậy mà bác sĩ Cường buông xuôi công tác. Trên giường bệnh, anh vẫn điều đặn tiếp nhận thông tin tình hình dịch bệnh qua điện thoại và đưa ra giải pháp xử lý các tình huống.

Nhờ có sự xông xáo, quyết liệt của người chỉ huy, gần 10 năm qua, lĩnh vực y tế dự phòng ở Tây Ninh đã lập được nhiều thành tích đáng nể, trong đó phải nói đến hiệu quả của công tác phòng chống những loại dịch bệnh mới như cúm A/H1N1, H5N1, H7N9; MERS- CoV, Ebola… ngay từ cửa ngõ biên giới, bảo vệ tốt sức khoẻ nhân dân.

Đến nay, Tây Ninh hầu như đã thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, bệnh phong; bệnh sốt rét đã giảm đi rất nhiều và không còn là mối đe dọa tính mạng nhân dân vùng sâu. Việc triển khai công tác can thiệp giảm hại có hiệu quả, làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và gái mại dâm với tỷ lệ tương ứng 27% và 6% (2005) xuống còn 11,2% và  0,8% (2015); tham mưu UBND tỉnh triển khai 2 cơ sở điều trị methadone hoạt động có hiệu quả…

Ngoài công tác chuyên môn, BS.Nguyễn Văn Cường còn hết lòng với công tác từ thiện, xã hội. Trong ảnh: BS.Cường tặng quà cho trẻ nhiễm HIV dịp tết Đinh Dậu.

Bên cạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, bác sĩ Nguyễn Văn Cường còn hết lòng với công tác từ thiện, xã hội. Quá trình về cơ sở, nghe báo cáo những trường hợp trẻ nhiễm HIAV/AIDS có hoàn cảnh thương tâm, hay người bệnh nghèo… bác sĩ Cường đều nỗ lực vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ kinh phí giúp đỡ.

Sự quan tâm chân thành của anh đã làm nhiều bệnh nhân AIDS xúc động, bởi ở anh họ không bắt gặp sự kỳ thị, khinh rẻ khi biết căn bệnh họ đang mang trong người; không có khoảng cách giữa bác sĩ và người bệnh mà chỉ có sự ấm áp, chia sẻ của tình người.

Nhờ có sự vận động của anh, đã có nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được xây tặng nhà đại đoàn kết, được nhận thẻ BHYT miễn phí, nhận quà và hỗ trợ phí sinh hoạt hằng tháng…

Những việc làm từ thiện trên, bác sĩ Nguyễn Văn Cường đều thực hiện bằng cái tâm của mình, không ồn ào đánh bóng tên tuổi. Sự chân thành của anh lan toả đến một số cán bộ, nhân viên y tế khác, trở thành mục tiêu mà mỗi người- trong khả năng của bản thân- đều cố gắng thực hiện để hỗ trợ cho người bệnh nghèo.

Nghiêm khắc, quyết đoán trong công việc, nhưng bác sĩ Nguyễn Văn Cường lại hết sức giản dị, hòa đồng với nhân viên, đồng nghiệp. Thực hiện tốt lời dạy của Bác: “Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành Y tế - từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành Y tế, trong việc phục vụ nhân dân”, anh luôn đề cao tinh thần đoàn kết nội bộ, thực hiện thật tốt mọi công tác, nhất là trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Ghi nhận những cống hiến bền bỉ trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bác sĩ Nguyễn Văn Cường vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng III; Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cùng nhiều bằng khen khác của cấp Bộ, cấp tỉnh...

Năm 2016, với những đóng góp và thành tích xuất sắc trong lĩnh vực Y tế dự phòng, bác sĩ Nguyễn Văn Cường là người đầu tiên của ngành Y tế Tây Ninh vinh dự được Bộ Y tế trao tặng giải thưởng danh giá Đặng Văn Ngữ. Đây chính là phần thưởng tinh thần vô giá đối với những cống hiến, phấn đấu không ngừng trong sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân của bác sĩ Cường.

“Công việc nào cũng vậy, điều quan trọng nhất là phải xuất phát từ cái tâm, phải biết chấp nhận hy sinh vì sức khỏe và tính mạng người bệnh”, bác sĩ Cường bộc bạch.

Sông Ninh-Yên Khuê

 

BS.Hoa Công Hậu- Giám đốc Sở Y tế Tây Ninh (ảnh) nhận xét: BS.Nguyễn Văn Cường là một người có đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, trung thực, đoàn kết, hòa đồng với đồng nghiệp.

Trong chuyên môn, phải nói rằng bác sĩ Cường là người làm việc mang tính chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao nhưng chi phí thấp nhất cho công việc của ngành.

Bản thân là người được phân công phụ trách mảng y tế dự phòng, bác sĩ Cường luôn đứng ở “đầu sóng ngọn gió” mỗi khi có dịch bệnh xảy ra, trực tiếp đến điều tra, giám sát công việc tại các ổ dịch một cách quyết liệt, không để bệnh lây lan trong cộng đồng.

 
Tin cùng chuyên mục