Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo một cán bộ am hiểu về lĩnh vực này, công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên rau, quả, thịt... đã được các nước tiên tiến áp dụng từ lâu, nhằm ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX nông nghiệp đối với chất lượng sản phẩm của mình.
Canh tác rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại Tổ hợp tác rau an toàn ấp Ninh Bình, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu.
Gần đây, việc áp dụng công nghệ quét mã nhanh QR vào việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại một số hệ thống cửa hàng, siêu thị được nhiều người quan tâm.
Tại Tây Ninh, Công ty Nam Trạng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên ứng dụng công nghệ này cho sản phẩm rau sạch do công ty trồng và bán tại các cửa hàng thuộc hệ thống. Theo đó, các loại rau, quả... đều có mã QR để người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc, nắm được những thông tin cơ bản về sản phẩm cần mua.
Theo một cán bộ am hiểu về lĩnh vực này, công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên rau, quả, thịt... đã được các nước tiên tiến áp dụng từ lâu, nhằm ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp nông nghiệp, HTX nông nghiệp đối với chất lượng sản phẩm của mình.
Ngoài Công ty Nam Trạng, hiện nay, phần lớn các sản phẩm rau, rau ăn quả (còn gọi là hàng bông) đạt tiêu chuẩn VietGAP đều do các HTX hay tổ hợp tác cung cấp. Tuy nhiên, làm thế nào để sản phẩm được áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc thực phẩm là chuyện không đơn giản.
Vấn đề này buộc các HTX, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn phải đầu tư để thực hiện quy trình khép kín từ khâu trồng cho đến thu hoạch, đóng gói sản phẩm, gắn mã vạch để người tiêu dùng truy xuất.
Cũng theo vị cán bộ trên, nếu không thực hiện quy trình khép kín, việc áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc khó đạt hiệu quả.
Ví dụ, khi sản phẩm do doanh nghiệp, HTX hay tổ hợp tác sản xuất nhưng không đóng gói, không gắn mã vạch, được một doanh nghiệp trung gian thu mua rồi đóng gói, gắn mã vạch, bán ra thị trường, nếu chẳng may có sự cố về an toàn thực phẩm, rất khó xác định trách nhiệm là của doanh nghiệp trung gian hay đơn vị sản xuất.
Do đó, ngành Nông nghiệp cần hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, cá nhân trồng rau màu để họ có điều kiện triển khai thực hiện quy trình khép kín từ giai đoạn trồng cho đến khi thu hoạch, đóng gói đưa sản phẩm ra thị trường.
Sản xuất lúa giống tại HTX Bàu Đồn.
Giám đốc Sở Công Thương Lê Thành Công cho biết, việc áp dụng công nghệ truy xuất mã vạch thực phẩm là xu hướng của nền sản xuất mới.
Vừa qua, Sở đã đề xuất UBND tỉnh đưa nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hoá vào chương trình chính sách công nghệ của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tổ chức tập huấn về truy xuất nguồn gốc hàng hoá cho doanh nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mới đây, một doanh nghiệp tư vấn về truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm nông nghiệp liên hệ với Sở để tài trợ việc áp dụng mã vạch, bước đầu được thực hiện trên sản phẩm bưởi da xanh và mãng cầu ở một số doanh nghiệp trong tỉnh.
THIÊN TÂM