Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Người trồng nhãn lao đao
Thứ tư: 17:44 ngày 02/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bệnh tấn công và gây hại trực tiếp trên các đợt đọt non và hoa nhãn, tạo nên hiện tượng mọc thành chùm của lá hoặc hoa, nhìn như tổ chim hoặc cây chổi nên được gọi là chổi rồng, nông dân miền Nam còn gọi là “đầu lân”.

Hàng trăm ha nhãn tiêu da bò tại ấp Thuận Tân, xã Truông Mít bị nhiễm bệnh chổi rồng.

Theo một số tài liệu, bệnh chổi rồng là bệnh đặc biệt nghiêm trọng hiện nay trên cây nhãn. Bệnh tấn công và gây hại trực tiếp trên các đợt đọt non và hoa nhãn, tạo nên hiện tượng mọc thành chùm của lá hoặc hoa, nhìn như tổ chim hoặc cây chổi nên được gọi là chổi rồng, nông dân miền Nam còn gọi là “đầu lân”. Bệnh tấn công làm cho lá không phát triển được nên cây không hoặc khó ra hoa, không thể đậu trái. Vì vậy, bệnh này gây thiệt hại rất lớn về năng suất.

HƠN NGÀN HA NHÃN TIÊU DA BÒ NHIỄM BỆNH

Hai xã Truông Mít và Lộc Ninh (huyện Dương Minh Châu) là những địa phương có diện tích trồng nhãn tiêu da bò lớn ở tỉnh. Nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, người trồng nhãn ở hai xã này đang phải khốn đốn vì dịch bệnh chổi rồng hoành hành trên cây nhãn.

Xã Truông Mít, có khoảng 1.300 ha nhãn tiêu da bò và gần như tất cả các vườn nhãn đều bị nhiễm bệnh chổi rồng. Còn xã Lộc Ninh có hơn 300 ha nhãn tiêu da bò và cũng đều bị nhiễm bệnh, có vườn nhãn bị nhiễm bệnh với tỷ lệ khoảng 30%.

Theo những người trồng nhãn tại địa phương này, mặc dù thời gian qua, các ngành chức năng, các công ty bảo vệ thực vật đã đến tìm hiểu, hỗ trợ người dân phòng - trị, nhưng đến nay, bệnh chổi rồng trên cây nhãn vẫn chưa được kéo giảm. Có người, do vườn nhãn bị nhiễm bệnh quá nặng nên chán nản bỏ mặc vườn cây, không chăm sóc.

Anh Ngô Thanh Tuấn, Trưởng ấp Thuận Tân, xã Truông Mít cho biết, ấp có khoảng 300 ha nhãn tiêu da bò và hầu hết các vườn nhãn đều bị nhiễm bệnh từ khoảng 2 năm nay. Tuy nhiên, đến gần đây thì dịch bệnh này hoành hành dữ dội.

Ngoài bệnh chổi rồng, cây nhãn tiêu da bò ở địa phương này còn bị bệnh “móp gốc”. Cây nhãn bị nhiễm bệnh sẽ bị móp vào trong và từ từ khô lá rồi chết. Ðặc biệt, bệnh “móp gốc” xuất hiện nhiều đối với nhãn tiêu da bò được trồng trên vùng đất thấp đã được người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Anh Tuấn nhận xét, Thuận Tân là ấp đầu tiên ở xã Truông Mít đưa cây nhãn tiêu da bò về trồng từ hơn 10 năm về trước. Trong khi nhãn này nhiễm bệnh nặng thì các giống nhãn mới như nhãn Ido lại không hề bị nhiễm bệnh chổi rồng lẫn bệnh “móp gốc”.

Theo anh Nguyễn Văn Hoàng, người dân trồng nhãn tiêu da bò tại ấp Thuận Tân, xã Truông Mít, khi vườn nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng, để chăm sóc cây cho trái, người trồng nhãn phải tốn chi phí gấp đôi so với vườn nhãn không bị bệnh. Và dù người trồng có cố gắng chăm sóc thì bệnh chổi rồng vẫn gây hại trên cây nhãn, làm giảm năng suất từ 30 - 50%.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn tỉnh có 3.400 ha nhãn, tập trung ở hai huyện Hoà Thành và Dương Minh Châu. Ðây là loại cây ăn trái truyền thống của tỉnh và chủ yếu là nhãn tiêu da bò. Tuy nhiên, cây trồng này không được các doanh nghiệp chế biến thực phẩm quan tâm đầu tư nên việc tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái. Những năm gần đây, diện tích trồng nhãn phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, cho năng suất và chất lượng tốt, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Dù vậy, việc quảng bá và phát triển thị trường cho trái nhãn còn hạn chế. Sản phẩm nhãn của tỉnh chưa cạnh tranh được so với các địa phương khác. Ðặc biệt, sản phẩm nhãn xuất khẩu còn hạn chế vì các cơ sở sản xuất chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng và chưa truy xuất được nguồn gốc.

Vào thời điểm này năm ngoái, giá nhãn ở mức giá 15 - 18.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng nhãn có lời một ít. Còn hiện tại, giá nhãn chỉ còn 8.500 đồng/kg, tiền bán nhãn không đủ để nhà vườn đầu tư phân bón và chăm sóc cây.

Anh Trần Hoàng Phương (ấp Năm Trại, xã Trường Ðông, huyện Hoà Thành) cho biết, gia đình anh có 1 ha nhãn tiêu da bò. Mùa nhãn này xem như “trắng tay” vì vừa mất mùa vừa mất giá. Ðáng nói là hiện nhiều hộ phải “treo vườn” vì thương lái không đến mua.

Tương tự, nông dân trồng nhãn tại hai xã Truông Mít và Lộc Ninh cũng đang lao đao vì giá nhãn quá thấp. Anh Nguyễn Văn Hoàng (ấp Thuận Tân, xã Truông Mít) cho biết, với giá nhãn hiện nay, cộng với dịch bệnh chổi rồng hoành hành, người trồng nhãn coi như “mất tết”.

Người dân xã Trường Đông, huyện Hoà Thành thu hoạch nhãn.

CẦN CHUYỂN ÐỔI SANG CÁC GIỐNG NHÃN CÓ GIÁ TRỊ CAO

May mắn hơn các hộ dân trên, anh Nguyễn Hoàng Long (ấp Trường Xuân, xã Trường Hoà) trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP nên có đầu ra ổn định hơn. Vườn nhãn rộng hơn 2 ha của anh được thương lái ưu tiên thu mua với giá... 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những hộ dân như anh Long chỉ chiếm số ít trong số những hộ trồng nhãn ở đây. Anh Long cho biết, nhiều hộ trồng nhãn mong muốn sản phẩm của họ có thể xuất khẩu ra nước ngoài hoặc bán ra các tỉnh, thành trong nước để bảo đảm có thị trường tiêu thụ với mức giá hợp lý hơn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh cần có chính sách khuyến khích chuyển đổi các giống nhãn tiêu da bò sang các giống nhãn khác có giá trị xuất khẩu như nhãn xuồng, nhãn Ido... Ðồng thời, các địa phương cần tập trung đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông, thuỷ lợi cho các vùng trồng nhãn nhằm giải quyết nhu cầu tiêu thoát nước, do phần lớn diện tích trồng nhãn được phát triển trên những vùng canh tác lúa kém hiệu quả.

Các địa phương cũng cần vận động người dân tích cực tham gia các hợp tác xã, tổ liên kết, câu lạc bộ... nhằm hình thành vùng sản xuất tập trung, từ đó mới tạo được điều kiện để ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Mặt khác, cần phải mở rộng diện tích trồng nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP, hình thành hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm và có thể cao hơn nữa là GlobalGAP... nhằm tạo điều kiện để trái nhãn Tây Ninh có thể cạnh tranh được với các địa phương khác, hướng đến thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển cây nhãn bền vững.

Trước mắt, nông dân rất cần được cơ quan chuyên môn tích cực vào cuộc giúp họ đối phó hiệu quả trước bệnh chổi rồng và bệnh “móp gốc” đang hoành hành trên cây nhãn tiêu da bò.

 THẾ NHÂN - THANH NHI

Tin cùng chuyên mục