Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhà nông sáng tạo
Thứ sáu: 05:24 ngày 08/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sa quạt lấy nước từ kênh tiêu tưới cây trồng và sa cá của ông Hiệp ngoài việc đem lại nguồn lợi về kinh tế cho gia đình ông, đây có thể là điểm du lịch sinh thái nhỏ lẻ, dành cho những người thích tìm hiểu về sa quạt và sa cá.

Ông Hiệp (bên phải) trao đổi với ông Trần Văn Lâu- Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Lộc Hưng về mô hình sa quạt lấy nước từ kênh tiêu.

Sa quạt (hay máy guồng nước) là dụng cụ lấy nước bằng cách lợi dụng lực chảy của dòng nước làm cho khung quạt chuyển động, quay vòng, đưa nước từ dưới kênh, mương lên tưới ruộng đồng mà không cần sức người hay máy móc. Sa được đặt chặn dòng chảy của kênh mương để bắt cá.

Cả hai dụng cụ này hiện vẫn tồn tại và đang phát huy tác dụng trên một dòng kênh, thuộc địa bàn phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng. Đây là công trình sáng tạo khoa học kỹ thuật của lão nông Ngô Văn Hiệp, nhà ở khu phố Lộc Tiến, với tên “Sa quạt lấy nước từ kênh tiêu tưới cây trồng”.

Theo chân ông Trần Văn Lâu- Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Lộc Hưng, chúng tôi đến tham quan mô hình sa quạt và sa cá của ông Hiệp. 72 tuổi, ông Hiệp trông khoẻ mạnh và còn rất nhanh nhẹn. Nhà ông cách dòng kênh tiêu, nơi làm sa quạt khoảng chừng 100 mét. Hiện nay mưa khá nhiều, không cần lấy nước tưới nữa, nên ông Hiệp cho sa quạt tạm thời ngưng hoạt động. Để cho khách được nhìn thấy sa quạt hoạt động, ông Hiệp lắp ráp lại các cánh quạt (làm bằng thiếc).

Ông cho biết, kênh tiêu này trước kia là một dòng suối nhỏ hẹp, tên là Bàu Nổ. Vào mùa nắng, suối Bàu Nổ khô cạn, không đủ nước tưới. Vào mùa mưa, nước tràn đồng, do suối không thoát nước kịp, gây ngập úng cục bộ.

Ông Hiệp (bên phải) và Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Lộc Hưng đứng trên sa cá.

Để khai thông dòng chảy, Nhà nước cho nạo vét và mở rộng dòng suối thành kênh tiêu. Dòng kênh tiêu chia đất của ông thành hai phần, nằm hai bên. Kênh tiêu có đủ nước tưới vào mùa nắng, nhưng muốn đưa nước từ kênh lên ruộng, vườn, trước đây ông Hiệp phải sử dụng máy bơm, sau đó ông sử dụng bơm nước bằng mô-tơ điện.

Sử dụng máy chạy xăng hay bơm điện đều phải tốn chi phí (mua xăng, trả tiền điện) và mất công canh giữ. Trong một lần đi tham quan ở Tây Nguyên, ông thấy bà con người dân tộc ở đây làm sa quạt lấy nước, thế là ông xem thật kỹ, tìm hiểu chi tiết để về chế tạo.

Được sự cho phép của các cấp lãnh đạo và ngành chức năng, ông Hiệp lắp đặt sa quạt lấy nước dưới dòng kênh tiêu, đoạn qua phần đất của ông. Mô hình sa quạt của ông gồm 2 cột bê tông cao 2,5 mét đóng hai bên để chịu lực đỡ khung vòng quay. Một khung quay làm bằng sắt, hình tròn có đường kính 3,2 mét.

Khung quay có gắn trục quay dài 2 mét và được lắp 2 bạc đạn. Ở vòng tròn khung quay, ông lắp đặt 24 cánh quạt bằng thiết để tiếp giáp với dòng chảy của nước tạo ra lực đẩy cho sa quạt quay. Cạnh các cánh quạt, ông gắn 24 ống nhựa, có dung tích 2 lít/ống. Các ống nhựa này được bắt chéo vào góc cánh quạt và khung sắt để múc nước từ dòng kênh lên.

Phía trên cao ngang tầm với độ cao của vòng tròn sa quạt, ông làm máng hứng nước từ các ống nước được múc dưới kênh lên. Rồi nước từ trên máng chảy xuống một ống cống chứa nước. Ở ống cống này, ông lắp đặt hai đường ống dẫn nước, có van đóng mở.

Một ống được lắp đặt trên cao dẫn nước tưới cây trồng trên bờ kênh, một ống đặt thấp gần mặt đất để dẫn nước đến ruộng lúa, hoa màu. Để tạo sức mạnh dòng chảy làm cho sa quạt quay nhanh, mạnh, ông đổ bê tông làm bờ cản nước ở hai bên, gần hai bên bờ kênh, chỉ chừa khoảng trống chỗ đặt sa quạt cho nước thoát.

Với cách làm này, hơn 5 năm qua, vào mùa nắng, sa quạt của ông Hiệp hoạt động đêm ngày, ông không cần canh giữ, không cần điều khiển máy móc, cũng chẳng tốn chi phí mua xăng hay trả tiền điện, mà cây ăn trái và ruộng lúa, hoa màu của ông vẫn bảo đảm đầy đủ nước tưới và luôn tốt tươi. Từ đó, ước tính mỗi năm, gia đình ông Hiệp tiết kiệm được khoảng từ 3 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng chi phí cho việc tưới nước cây trồng vào mùa nắng.

Sống ở nông thôn, ông Hiệp biết làm sa bắt cá từ thời trai trẻ, sau khi làm sa quạt xong, lão nông này làm một sa cá ngay phía sau sa quạt. Giá đỡ sa cá ông làm rất vững chắc, mặt sa được lót bằng vạt sắt một đoạn và một đoạn là ống nhựa nhỏ cứng (thông thường người ta làm bằng vạt tre). Mặt sa được ông làm theo triền dốc.

Mặt trước sa cá tiếp giáp với mặt nước dòng kênh, rồi cao dần về phía đuôi sa. Hai bên sa làm vách ngăn và phía đuôi sa giăng lưới chắc chắn để chặn cá khi vào sa. Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, lúc này sa quạt lấy nước của ông không cần hoạt động, thế là sa cá phát huy tác dụng.

Nước từ sa quạt chảy xuống bể chứa và từ bể chứa tự chảy theo ống dẫn đến ruộng, vườn.

Cá từ thượng nguồn theo nước đổ về, đến bờ cản gần hai bên bờ kênh, tập trung ra dòng nước trống chỗ lắp đặt sa quạt rồi tràn lên vạt sa cá. Hằng năm, gia đình ông Hiệp bắt được khá nhiều cá đồng từ cái sa này, vừa cải thiện bữa ăn, vừa có cá bán, có thêm thu nhập. Không chỉ để đón bắt cá, cái sa cá của ông Hiệp được làm rất vững chắc, mặt sa rộng bằng mặt kênh, nên còn là một chiếc cầu nối để gia đình ông qua lại hai bên bờ kênh rất thuận tiện.

Đây cũng là chỗ đứng thuận tiện cho ông Hiệp mỗi khi cần lắp đặt hay sửa chữa sa quạt. Mặt sa cá sạch sẽ và vững chắc có thể đi lại năm bảy người, phía trên sa cá có cây cao bóng mát. Phía trước sa cá cũng là phía trước sa quạt, trên hai bờ kênh, ông Hiệp trồng chôm chôm, hiện nay đang giữa mùa cho trái.

Sa quạt lấy nước từ kênh tiêu tưới cây trồng và sa cá của ông Hiệp ngoài việc đem lại nguồn lợi về kinh tế cho gia đình ông, đây có thể là điểm du lịch sinh thái nhỏ lẻ, dành cho những người thích tìm hiểu về sa quạt và sa cá. Nhất là vào mùa hè nắng nóng, du khách có thể ngồi trên sa cá mát mẻ, ăn chôm chôm sạch được nhà vườn hái từ trên cây xuống, rồi xem sa quạt không cần máy móc, hay nguồn điện, hay sự tác động nào từ sức người, mà vẫn liên tục quay vòng đưa nước từ thấp lên cao, chảy xuống tưới ruộng vườn.

D.H

 

Tin cùng chuyên mục