Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhiều doanh nghiệp, ngành hàng có thể đóng cửa vì dịch Covid-19
Thứ năm: 09:08 ngày 27/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước “nguy cơ kép” khi nguồn cung cho sản xuất khan hiếm, lượng cầu suy giảm. Nguy cơ nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động vì đứt nguồn cung nguyên liệu có thể xảy ra trong thời gian tới... Đây là nhận định được đưa ra tại cuộc họp của Bộ Công Thương, ngày 26/2.


Nhiều DN đang thiếu nguyên liệu sản xuất Ảnh: Hồng Vĩnh

Nguy cơ đóng cửa nhiều ngành hàng

Về đánh giá tác động của dịch bệnh đến các ngành sản xuất trong nước, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho hay, đánh giá của các hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp đều cho thấy, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc chiếm 42%, từ Trung Quốc chiếm 34%. Đến nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020.

Theo Cục trưởng Cục Công nghiệp, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang khiến ngành dệt may, da giày và túi xách của Việt Nam đối mặt thách thức rất lớn. Đa số các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4.

“Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu 2,47 tỷ USD bông các loại; 2,3 tỷ USD xơ, sợi; 12,69 tỷ USD vải các loại, và khoảng 5,61 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may da giày. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc là 1,32 tỷ USD xơ sợi; 7,73 tỷ USD vải và 2,45 tỷ USD nguyên phụ liệu dệt may. Da giày nhập 43,67%. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành này thời gian tới phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn”, ông Hoài cho hay.

Một ngành hàng chịu sức ép về thiếu nguồn cung nguyên liệu nữa, theo Cục Công nghiệp, là ngành sản xuất lắp ráp ô tô. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện ô tô, trong đó nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, ngành sản xuất ô tô tải phụ thuộc vào hơn 70% linh phụ kiện từ Trung Quốc. 

Khó khăn chồng chất

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành sẽ chịu ảnh hưởng chủ yếu ở các lô hàng linh phụ kiện nhập khẩu trong thời gian tới (do nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc) - đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất để tiêu thụ trong nước đã bắt đầu chịu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Dự kiến trong cuối quý I/2020, nếu dịch bệnh còn tiếp diễn, ảnh hưởng của tình hình trên sẽ trở nên rõ rệt với ngành sản xuất các sản phẩm điện tử như điện thoại và TV ở trong nước, khiến sản lượng suy giảm.

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, nhiều doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng điện tử lớn ở Việt Nam đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19. Như LG Việt Nam cho biết hãng đang phải đối mặt với việc không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Đặc biệt, theo Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, ảnh hưởng của việc kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa dịch bệnh có thể sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất một số model chiến lược đời mới của hãng.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng đang xem xét phương án nhập khẩu các lô hàng thiết bị điện tử qua đường hàng không hoặc đường biển, tuy nhiên việc này sẽ khó khăn hơn so với đường bộ do chi phí lớn và khó có thể đáp ứng sản lượng và tiến độ thời gian cho nhu cầu sản xuất. Trong trường hợp không giải quyết sớm tình trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động do dây chuyền sản xuất được thiết kế để vận hành liên tục nhằm giảm chi phí. Nếu buộc phải tạm ngừng sản xuất sẽ mất rất nhiều chi phí cho việc vận hành trở lại cũng như sẽ gây sụt giảm lớn về doanh số năm 2020.

Thách thức tìm nguồn cung thay thế

Cục trưởng Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho hay, các ngành chế biến chế tạo phụ thuộc chuỗi cung ứng rất lớn. Việc ngay lập tức tìm nguồn cung cấp cũng khó khăn do các nguyên phụ liệu phụ tùng (như với ô tô) rất khó tìm được nhà cung cấp thay thế. Mỗi hãng có một nhà cung cấp và linh kiện được gia công công nghệ cao khác nhau nên không thể thay thế từ hãng này sang hãng khác.

Các sản phẩm như vải, thép cán nóng, vật liệu thô dùng để gia công dễ tìm nguồn cung thay thế hơn nhưng phải đối mặt với việc giá không hề rẻ, không cạnh tranh được với nguồn cung từ Trung Quốc. Ngay các thị trường thay thế như Hàn Quốc, Nhật Bản họ cũng nhập rất nhiều từ Trung Quốc. Với ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay, việc cung ứng rất khó khăn.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam đứng trước “nguy cơ kép” khi không chỉ nguồn cung mà cầu thế giới tại các thị trường lớn cũng sẽ ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. “Chúng ta không bi đát, không trầm trọng hoá vấn đề nhưng phải chủ động”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nói và yêu cầu các cục, vụ thuộc bộ cần phải làm việc tiếp với các ngành hàng để làm rõ những ảnh hưởng đối với các DN sản xuất và tác động của chuỗi cung ứng.

Theo Bộ trưởng Công Thương, các cục, vụ trong ngành cần phải làm rõ các chính sách, cơ chế của Chính phủ đưa ra để hỗ trợ DN trong bối cảnh nguồn lực quốc gia cũng hạn chế. Đồng thời làm rõ những lĩnh vực nào, nhóm ngành nào cần ưu tiên hỗ trợ.

Cần gói kích cầu mua sắm trong nước

Chia sẻ tại cuộc họp, Vụ trưởng Thị trường trong nước Trần Duy Đông đề nghị, cần theo dõi nếu đến quý 2 tình hình không có cải thiện thì kiến nghị Chính phủ có một gói kích cầu mua sắm lớn. Cũng cần tính tới, trong ngắn hạn, có thể áp dụng hàng rào thuế quan đối với một số hàng nông sản mà Việt Nam đang phải nhập khẩu. Gần 1,8 tỷ USD rau quả, 1 tỷ USD mặt hàng sữa và sản phẩm sữa. Đây là những mặt hàng trong nước có thể đáp ứng được.

Nguồn TPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục