Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày 8.11, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi làm việc với Tỉnh uỷ Tây Ninh về nội dung tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.
Nghề làm bột khoai ở huyện Hoà Thành. Ảnh: Hà Thế Bảo
Theo báo cáo, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trình bày, toàn tỉnh hiện có 23 cơ sở tham gia giáo dục nghề nghiệp, trong đó, loại hình công lập có 18 cơ sở, tư thục có 5 cơ sở. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giao nhiệm vụ đào tạo nghề, giáo dục chuyên nghiệp từ trình độ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng. Ðội ngũ giáo viên dạy nghề bao gồm giáo viên thuộc các cơ sở dạy nghề công lập, các cơ sở dạy nghề tư thục, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nông dân sản xuất giỏi, người có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Chương trình đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp được xây dựng đúng quy định, linh hoạt, đặc biệt coi trọng việc hình thành kỹ năng nghề cho người học với thời gian thực hành chiếm 70 - 80% tổng thời gian đào tạo.
Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề đã xây dựng chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội nói chung, doanh nghiệp nói riêng. Ðối với dạy nghề trình độ sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng, các đơn vị đào tạo nghề xây dựng, thẩm định và ban hành theo quy định để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Trong 5 năm qua, ngân sách Nhà nước chủ yếu tập trung đầu tư cho Trường cao đẳng nghề Tây Ninh, Trường trung cấp nghề khu vực Nam Tây Ninh, Trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố với tổng kinh phí đầu tư gần 62 tỷ đồng. Hiện nay, thiết bị máy móc phục vụ giảng dạy thực hành bảo đảm trên 80% so với danh mục thiết bị máy móc tối thiểu theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Qua 5 năm thực hiện Ðề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (giai đoạn 2012 - 2016), toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 28.329 người, trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp 22.787 người (80,44%), đào tạo nghề phi nông nghiệp 5.542 người (19,56%). Trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình dạy nghề đạt hiệu quả như dạy nghề nông nghiệp (khai thác mủ cao su, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, trồng rau sạch, trồng lúa) và mô hình dạy nghề phi nông nghiệp gồm kỹ thuật se nhang, nấu ăn, may công nghiệp.
Về hỗ trợ công tác dạy nghề, tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2012 - 2016 gần 40 tỷ đồng, trong đó, kinh phí Trung ương hơn 24 tỷ đồng, số còn lại lấy từ ngân sách địa phương. Tổ chức chính trị - xã hội các cấp phối hợp, hỗ trợ người học nghề vay vốn bằng các nguồn uỷ thác của ngân hàng cho hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn không tính lãi cho hộ nghèo phát triển chăn nuôi sản xuất.
Về hạn chế, tồn tại, theo đánh giá, một số cấp uỷ, nhất là cấp uỷ cơ sở chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; công tác kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, dẫn tới chất lượng một số hoạt động chưa cao. Công tác quản lý Nhà nước trong việc điều tra, khảo sát và lập kế hoạch nhu cầu đào tạo nghề ở một số xã chưa sát thực tế, chưa thể hiện sự quan tâm đến đối tượng và chất lượng người học, còn có biểu hiện chạy theo chỉ tiêu, thành tích.
Việc phân khai, quản lý vốn cho công tác đào tạo nghề lao động nông thôn ở một số địa phương hằng năm chậm, chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, giám sát, gây thất thoát. Công tác tổ chức lớp học, chương trình giảng dạy các lớp đào tạo nghề chưa được quan tâm đúng mức để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học. Cơ sở vật chất của một số cơ sở đào tạo nghề đã xuống cấp, trang thiết bị dạy nghề lạc hậu, chưa theo kịp với sự phát triển công nghệ và thiết bị, máy móc của doanh nghiệp.
Quy mô đào tạo nghề, nhất là đào tạo hệ sơ cấp và đào tạo nghề thường xuyên chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động. Một số địa phương chưa quan tâm xây dựng mô hình đào tạo nghề gắn liền với việc làm, chưa phối hợp được với các doanh nghiệp, trang trại, hộ sản xuất, kinh doanh để giới thiệu việc làm cho học viên sau đào tạo nghề; việc xác định được nơi làm việc và mức thu nhập sau khi học nghề của người lao động chưa được chú trọng.
Nhiều ngành nghề nông nghiệp được đào tạo chưa gắn với thực tiễn địa phương; số nghề được đào tạo không phát huy hiệu quả, gây lãng phí, các đối tượng không còn sử dụng nghề đã học để nuôi sống bản thân và gia đình. Nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ cho dạy nghề nhiều nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng, một bộ phận lao động được đào tạo nhưng không ứng dụng được nghề đào tạo vào đời sống.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Quá- Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nêu, một trong những khó khăn khi triển khai chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn là kinh phí thường cấp chậm so với kế hoạch. Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động được xây dựng từ đầu năm nhưng thường vào tháng 6, thậm chí tháng 7 kinh phí mới được phân bổ. Về tỷ lệ người khuyết tật tham gia học nghề thấp, lý do- theo ông Quá, nhóm đối tượng này có học xong cũng khó tìm được việc làm. Ðối với người lao động thuộc diện hộ nghèo, Tây Ninh là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo thấp nên nhóm đối tượng này theo học không nhiều.
Theo vị đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: hiện nay, việc tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp khá đơn giản, họ chỉ cần ra thông báo tuyển công nhân là có người đến nộp đơn. Doanh nghiệp có thể tự đào tạo tay nghề cho người lao động chỉ trong thời gian ngắn nên họ gần như không có nhu cầu ký kết, kết nối với các cơ quan liên quan về cung ứng nguồn lao động cũng như đào tạo nghề. Mặc dù vậy, khi doanh nghiệp nâng lương, những người có chứng chỉ học nghề được xem xét nâng lương trước, do đó, cũng có một số công nhân vừa đi làm vừa tranh thủ học nghề ngắn hạn.
Ông Phạm Ngọc Hải- Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Ðào tạo cho biết, ngành Giáo dục đã chuyển trung tâm giáo dục thường xuyên về cho huyện, thành phố theo quy định của Trung ương. Tây Ninh không có trung tâm giáo dục nghề nghiệp nên sau khi chuyển giao, trung tâm giáo dục thường xuyên vẫn hoạt động bình thường như trước đây.
Còn theo lãnh đạo Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh, đối tượng tham gia học nghề ngắn hạn thường lớn tuổi, trình độ hạn chế, công tác đào tạo nghề còn có một số khó khăn nhất định. Có những nhóm đối tượng học xong chương trình trung cấp nghề hệ chính quy, nhưng không được doanh nghiệp nhận vào làm việc vì chưa đủ 18 tuổi.
Thứ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Lê Quân phát biểu tại buổi làm việc.
Xung quanh việc kết nối, phối hợp, hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, Thứ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Lê Quân cho biết, tính tự chủ, chủ động của doanh nghiệp rất cao, họ tự hạch toán, tự đào tạo. Sự hợp tác chỉ diễn ra khi cả hai bên cùng có lợi. Ðể làm được điều đó, không chỉ cơ sở đào tạo mà lãnh đạo địa phương cũng cần tham gia vào, ví dụ gắn doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội.
Có mặt trong buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, điều quan trọng là tính thực chất, hiệu quả của công tác đào tạo nghề, còn những con số trong báo cáo chưa nói lên hết được sự việc. Sắp tới, Tây Ninh sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực cho công tác đào tạo nghề, đồng thời đa dạng hoá ngành nghề đào tạo.
Ông Phạm Hùng Thái- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ nêu vấn đề: có nên mỗi huyện phải có một trung tâm giáo dục thường xuyên - dạy nghề không? Ví dụ, Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện Hoà Thành và của tỉnh rất gần nhau, chức năng hoạt động lại gần như không có gì khác.
Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn là một đề án dài hơi (2009-2020) được triển khai trên toàn quốc. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này trong cả nước gần 30 ngàn tỷ đồng.
VIỆT ÐÔNG