Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Huyện Dương Minh Châu:
Nhiều vấn đề phải lo khi xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái
Thứ hai: 10:55 ngày 11/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một trong những địa phương đã và đang thực hiện chuyển đổi cây trồng bước đầu cho hiệu quả là huyện Dương Minh Châu, với việc hình thành vùng cây ăn trái tập trung tại các xã Truông Mít, Phước Ninh, Phước Minh…

Mô hình trồng nhãn tại xã Truông Mít (ảnh chụp tại vườn của bà Trần Thị Thu Thanh).

Hiện nay, nông dân rất quan tâm đến việc chuyển đổi những cây trồng truyền thống như lúa, mì, mía… hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định. Một trong những địa phương đã và đang thực hiện chuyển đổi cây trồng bước đầu cho hiệu quả là huyện Dương Minh Châu, với việc hình thành vùng cây ăn trái tập trung tại các xã Truông Mít, Phước Ninh, Phước Minh… Tuy nhiên, những vấn đề về kết cấu hạ tầng như kênh tưới - tiêu, giao thông nội đồng và đầu ra chưa bảo đảm khiến người dân còn băn khoăn.

Bước đầu hình thành vùng chuyên canh

Việc chuyển đổi cây trồng theo hướng tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế trên một diện tích canh tác nhằm đem lại nguồn lợi cao nhất cho người dân đang trở thành yêu cầu cấp thiết của ngành nông nghiệp. Để thực hiện yêu cầu này, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều đề án phát triển chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó có đề án quy hoạch chuyển đổi vùng trồng cây ăn trái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao khu vực xã Truông Mít, Phước Ninh, Phước Minh.

Theo đề án quy hoạch chuyển đổi vùng trồng cây ăn trái khu vực xã Truông Mít, Phước Ninh, Phước Minh, huyện sẽ chuyển đổi tại xã Truông Mít 1.550 ha, xã Phước Ninh 380 ha và Phước Minh 350 ha từ diện tích trồng lúa, mì… sang cây ăn trái phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và nhu cầu thị trường.

Tại xã Truông Mít, 3 ấp Thuận Bình, Thuận An, Thuận Tân trong khu vực quy hoạch đề án, thời gian qua, người dân đang có xu hướng chuyển đổi từ cây lúa, đậu phộng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây nhãn. Hiện các ấp này có khoảng 1.200 ha đất trồng nhãn tập trung, chủ yếu là nhãn tiêu da bò. Bên cạnh đó, một số loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao cũng đang được người dân trồng khá nhiều là sầu riêng, nhãn xuồng…

Anh Nguyễn Minh Trung (ngụ ấp Thuận An, xã Truông Mít) cho hay, gia đình anh đã chuyển đổi hơn 2 ha đất trồng lúa sang trồng nhãn tiêu da bò. Lý do là những năm gần đây, cây lúa ở vùng này cho lợi nhuận thấp, chỉ từ 5 - 10 triệu đồng/ha/vụ nhưng tốn nhiều công chăm sóc. Còn cây nhãn cho lợi nhuận cao hơn nhiều, bình quân mỗi năm, người trồng nhãn thu khoảng 200 triệu đồng/ha. Đây là con số không hề nhỏ đối với những người sống dựa vào nông nghiệp.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa, mì, đậu phộng. Trung bình 1 ha cây ăn trái có thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/ha/năm, thị trường lớn.

Ngoài nhãn tiêu da bò đang được trồng nhiều tại Truông Mít, một số loại cây ăn trái cũng phù hợp với thổ nhưỡng của huyện Dương Minh Châu như bưởi da xanh, sầu riêng Ri 6, nhãn Indo, nhãn xuồng, thơm, mãng cầu xiêm, xoài cát chu… Những loại trái cây này hầu hết đều có thị trường tiêu thụ lớn, có những loại đã được đưa sang Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ở hai xã Phước Ninh và Phước Minh, do dịch bệnh khảm lá trên cây mì khiến người dân bị thiệt hại nặng về kinh tế nên người dân đã chuyển đổi một số diện tích trồng mì sang trồng bưởi da xanh và măng điền trúc. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đa phần là tự phát, chưa được quy hoạch cụ thể, rõ ràng.

Cần liên kết bền vững

Có thể thấy rằng, việc trồng cây ăn trái thời gian qua ở huyện Dương Minh Châu tuy tăng mạnh nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm không cao, tính cạnh tranh thấp, thiếu bền vững.

Việc xây dựng vùng chuyên canh sẽ giúp nông dân dễ dàng được tiếp cận khoa học kỹ thuật, chủ động nguồn nước tưới - tiêu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường, tránh được điệp khúc “giải cứu” nông sản, khi thấy cây nào có giá thì trồng, mất giá chặt bỏ, trồng cây khác. Do đó, quy hoạch một vùng chuyên canh cây ăn trái có sự liên kết bền vững với các doanh nghiệp là điều cần thiết. 

Tuy nhiên, vấn đề này không dễ thực hiện và còn nhiều vướng mắc. Bởi lẽ, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân còn lỏng lẻo, chưa có chế tài xử lý nếu nông dân, doanh nghiệp không tuân thủ hợp đồng đã ký do biến động giá thị trường. Mặt khác, đa phần doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa đủ tiềm lực để hỗ trợ tốt hơn cho người dân sản xuất.

Tại các xã Phước Ninh, Phước Minh, việc chuyển đổi từ cây trồng truyền thống sang cây ăn trái còn khá dè dặt vì lo ngại về “đầu ra”, giá nông sản bấp bênh. Theo anh Nguyễn Tuấn Anh (xã Phước Ninh), anh có dự định chuyển sang trồng thử nghiệm cây bưởi hoặc cây sầu riêng, xoài theo đề án của huyện, nhưng thấy đầu ra của trái cây chưa được bảo đảm nên chưa dám đầu tư.

Anh lo lắng: “Lâu nay, việc tiêu thụ nông sản chủ yếu do nông dân “tự bơi”. Vì vậy, để nông dân yên tâm khi tham gia vùng chuyển canh, chuyển đổi trồng cây ăn trái cần có sự liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm”. Đây là tâm lý chung của người dân khi chuyển từ các loại cây trồng truyền thống sang cây ăn trái.

Ông Thi Khắc Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết: “Định hướng cây trồng của ngành nông nghiệp là phù hợp với nhu cầu của người dân và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Người dân cũng rất quan tâm tới đầu ra của sản phẩm. Nếu quy hoạch rồi để mặc người dân “tự bơi” lo cho sản phẩm của mình sẽ rất khó kêu gọi người dân tham gia xây dựng vùng chuyên canh”.

Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, thị trường tiêu thụ là yếu tố quyết định trong việc chuyển đổi cây trồng. Do đó, khi thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ nỗ lực lo đầu ra cho người dân. Hiện nay, nhà máy Tanifood đang chuẩn bị đi vào hoạt động, cần nguồn nguyên liệu lớn nên cần sớm xây dựng vùng nguyên liệu để cung ứng. Ngành nông nghiệp cũng đang liên kết với một số doanh nghiệp để truy xuất nguồn gốc, hướng tới đưa trái nhãn đi tiêu thụ ở Nhật Bản, Hàn Quốc...

Cần sớm đầu tư thuỷ lợi, giao thông nội đồng

Hiện nay, tại vùng quy hoạch, hầu hết các tuyến kênh tiêu được thiết kế để tiêu nước cho cây lúa đã bị bồi lắng và năng lực tiêu thoát chậm. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống kênh tưới khu vực quy hoạch cơ bản đã được đầu tư hoàn chỉnh, nhưng hệ thống kênh tiêu và giao thông nội đồng còn nhiều hạn chế.

Do đó, cần phải tính toán, sửa chữa nâng cấp lại hệ thống kênh tiêu và quy hoạch bổ sung thêm hệ thống kênh tiêu nhánh. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và UBND huyện Dương Minh Châu sẽ tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thuỷ lợi để bảo đảm nguồn nước tưới - tiêu phục vụ cho các vùng trồng cây ăn trái. Cụ thể, ngành dự kiến nạo vét, nâng cấp 11 kênh tiêu chính và tiêu nhánh; đào mới 11 tuyến kênh nhánh.

Song song đó, tỉnh cần đầu tư nâng cấp, bổ sung hệ thống giao thông nội đồng, nhằm tạo thuận lợi cho các hộ trồng cây ăn trái trong vùng quy hoạch vận chuyển nông sản được thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân.

Anh Triệu Văn Minh (xã Phước Ninh) cho biết: “Khi có chủ trương quy hoạch gần 400 ha cây ăn trái trên địa bàn xã, nhiều người rất mừng. Dù vậy, trước thực trạng kênh mương và giao thông nội đồng chưa bảo đảm yêu cầu, nông dân chúng tôi lại lo.

Thời gian qua, nông dân phải đi trên bờ ruộng, bờ kênh để vận chuyển hàng hoá ra đường, khiến chi phí tăng cao. Do vậy, khi quy hoạch vùng trồng cây ăn trái, người dân rất mong các cấp chính quyền thực hiện đồng bộ hoá, kiên cố hoá hệ thống thuỷ lợi và giao thông nội đồng”.

Nếu thực hiện thành công vùng chuyên canh cây ăn trái gần 2.300 ha theo đề án, Tây Ninh sẽ có vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao và phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, từng bước đổi mới hình thức sản xuất, thành lập các tổ hợp tác cùng liên kết làm ăn và tăng cường liên kết với các nhà khoa học, doanh nghiệp, kết nối cung - cầu; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản sạch của địa phương.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục