Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhọc nhằn nghề khuân vác lên đỉnh núi Bà
Thứ bảy: 06:30 ngày 12/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ai đã từng chinh phục đỉnh núi Bà Ðen cao cả ngàn mét mới thấu hiểu được nỗi nhọc nhằn, vất vả. Thế nhưng, hàng chục năm qua, một số người lao động đã chọn công việc khuân vác vật nặng lên đỉnh núi này để mưu sinh.

Ông Võ Văn Liêm, 60 tuổi, ngụ ấp Ninh Ðức, phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh là một trong những “cựu trào” trong nghề này. Ông Liêm kể, từ năm 1982, ông đã thường xuyên leo lên đỉnh núi để rà tìm phế liệu chiến tranh đem về bán, kiếm tiền mua gạo.

Ðến năm 1994, trên núi dần hết phế liệu, ông chuyển qua nghề khuân vác thuê cho những công trình xây dựng trên đỉnh núi. Chỉ tay về hướng cây trụ ăng- ten sừng sững trên đỉnh núi Bà Ðen, ông Liêm nhớ lại: “Khi xây dựng công trình này, chúng tôi được thuê khuân vác những cây trụ sắt nhỏ, còn những trụ lớn có một đội nhân công khác ở miền Trung vào dùng cần cẩu chuyển lên”.

Trên đỉnh núi Bà Ðen hiện nay có hàng chục chiếc bồn inox chứa nước dùng cho những chiến sĩ công an và nhân viên trạm phát sóng của Ðài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) Tây Ninh sử dụng khi làm nhiệm vụ.

Những chiếc bồn chứa nước này cũ đều do bàn tay, sức lực của những người làm nghề khuân vác như ông Liêm vận chuyển lên. “Tất cả các bồn nước từ 1 ngàn lít đến 24 ngàn lít đều do tụi tôi khiêng lên.

Ðối với những chiếc bồn lớn, chúng tôi phải cần đến 30 người mới khiêng nổi. Chúng tôi cột dây vào bồn, xỏ cây đòn xuôi, đòn ngang rồi từ từ khiêng lên. Phía trên có người dùng dây phụ kéo lên. Nhìn từ xa trông giống như một đàn kiến bu thức ăn”, ông Liêm thuật lại.

Những năm gần đây, ông Liêm đã lớn tuổi, không còn thường xuyên vác thuê được nữa. Mỗi tuần, vào ngày thứ hai, ông Liêm mới vác thuê gạo, nước tương, mắm, muối cho các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ trên đỉnh núi.

Có hôm, số lượng lương thực thực phẩm khá nhiều, ông Liêm phải rủ thêm người con rể 32 tuổi đi vác phụ. Ông Liêm cõng trên lưng chiếc bao, chứa hàng hoá hơn 20kg.

Con rể của ông trẻ, khoẻ nên cõng nặng hơn 10kg. 7 giờ, hai cha con đến một tiệm bán tạp hoá gần chân núi nhận hàng rồi xuất phát. Ðến 11 giờ, hai người đặt chân lên đỉnh núi.

Giao hàng xong, hai cha con ngồi nghỉ ngơi, uống nước và hút điếu thuốc cho đỡ mệt rồi bắt đầu xuống núi. Ông Liêm chia sẻ, tiền công được trả với giá 15 ngàn đồng/kg hàng hoá.

Phút nghỉ ngơi trên đường khuân vác hàng hoá lên đỉnh núi của hai anh em Nhựt.

Anh Nguyễn Văn Nhựt cũng là một trong số người làm nghề khuân vác lên đỉnh núi. Trong một lần tham gia đoàn “phượt” lên đỉnh núi, chúng tôi gặp anh Nhựt và một thanh niên khác cõng trên lưng hai bao hàng hoá đầy cứng.

Trên những tảng đá gồ ghề, đôi chân hai người đàn ông như gắng sức để trụ vững thân mình và bao hàng rồi từng bước một đi lên nơi cao hơn. Thỉnh thoảng, hai người đặt bao hàng xuống một tảng đá ven đường mòn, nghỉ mệt. Trên gương mặt mỗi người đều nhễ nhại mồ hôi, cả người ướt đẫm.

Anh Nhựt cho biết năm nay anh 23 tuổi, nhà ở phường Ninh Thạnh (TP.Tây Ninh). Anh mới vào nghề được hai năm nay. Gọi đây là nghề gia truyền của gia đình cũng đúng, bởi từ khi còn nhỏ, anh đã quen với việc mỗi buổi sáng cha anh chuẩn bị khuân đồ lên núi.

Ngày trước, gia đình anh sống dựa vào số tiền do cha kiếm được bằng nghề rà tìm phế liệu trên núi Bà. Ðến khi nguồn phế liệu cạn dần, ông chuyển sang nghề vác thuê lên đỉnh núi. Ai thuê vác gì ông cũng vác. Từ xi măng, sắt, thép đến trái cây, hoa quả, thực phẩm lên xuống đỉnh núi Bà.

Vài năm trở lại đây, do tuổi cao sức yếu nên cha anh chia tay với nghề nặng nhọc này. Ðến lượt Nhựt và người anh trai nối nghiệp. Mặt hàng mà hai anh em Nhựt nhận vác thuê là gạo, mì gói, nước uống đóng chai và các nhu yếu phẩm khác.

Ngoài công việc vác thuê, anh Nhựt còn có nghề thợ hồ, nhưng công việc cũng bấp bênh không kém. Cũng nhờ “tiếng” của cha anh ngày trước, những lúc rảnh rỗi, nếu có người thuê vác, anh đều nhận lời ngay.

Anh Bình, 39 tuổi, ngụ xã Trường Tây, huyện Hoà Thành cũng là một trong những người có thâm niên với nghiệp khuân vác lên đỉnh núi Bà Ðen.

Anh đeo bám nghề này từ năm 1997 đến nay. Một ngày đầu tháng 5.2018, trưa nắng như đổ lửa, trên vai anh là bao hàng  hoá nặng 25kg. Tìm một tảng đá to bên động Thạch Hùng (hay còn gọi là động Ông Hổ), anh dựa bao hàng vào rồi ngồi thở hổn hển.

Sau một lúc lấy lại sức, anh Bình bộc bạch, những năm trước đây, anh thường nhận vác thuê cho các chiến sĩ công an làm nhiệm vụ trên đỉnh núi. Thời gian gần đây, anh để “mối” này lại cho người khác làm, anh chỉ còn nhận vác thực phẩm lên cho các nhân viên trực ở trạm phát sóng của Ðài PT&TH tỉnh.

Trung bình mỗi chuyến, anh vác từ 20- 25kg, tiền công từ 300- 350 ngàn đồng/chuyến. “Mỗi ngày, tôi chỉ đi một chuyến là đã kiệt sức rồi. Còn tiền công thì tuỳ theo khách quen hay khách mới quen. Khách quen thường xuyên thì giá 15 ngàn đồng/kg, còn khách mới thì nới giá hơn một chút”, anh Bình cười nói.

Anh Bình cho biết thêm, nhóm khuân vác của anh có khoảng 20 người, đều ở TP. Tây Ninh và huyện Hoà Thành. Ngoài nhóm của anh Bình, còn có một vài nhóm khác cũng đem sức đổi lấy miếng cơm. Nếu gộp chung tất cả các nhóm khác, ước tính có hơn 50 người làm nghề khuân vác trên khắp ngọn núi này.

Hầu hết, họ bốc vác thuê các loại trái cây như chuối, xoài, mãng cầu bên núi Phụng và núi Bà. Hiện anh Bình tập hợp đội khuân vác hơn 20 người, chủ yếu là dân khuân vác ở núi Phụng, núi Heo để chuyển cát, xi măng, sắt, thép, trụ ăng-ten cho một đơn vị viễn thông chuẩn bị thi công trạm phát sóng khu vực núi Bà Ðen. “Với công việc này, mỗi kg vật liệu, chúng tôi cũng được trả tiền công 15 ngàn đồng”, anh Bình nói.

Hai cha con ông Liêm vừa hoàn thành xong chuyến vác hàng hoá lên đỉnh núi Bà Ðen.

Trước đó, chúng tôi có dịp tiếp xúc với hàng chục nhân công được BQL rừng núi Bà Ðen thuê khuân vác vật liệu lên gần đỉnh núi Bà Ðen để xây dựng công trình dẫn nước phòng cháy, chữa cháy rừng.

Xuất phát từ sáng sớm nhưng đến giữa trưa chúng tôi mới đến được nơi thi công công trình. Mặc dù chỉ đem theo một vật dụng cá nhân không đáng kể, nhưng đến điểm thi công chúng tôi muốn kiệt sức.

Thế nhưng, tất cả những vật liệu nặng như những cuộn dây dẫn nước, thùng chứa nước loại 250 lít, những bao xi măng, bao cát, mỗi thứ đều nặng 40- 50kg và to cồng kềnh, đều được các nhân công này khuân vác lên.

Một trong những người tham gia thi công công trình là ông Nguyễn Văn Ðằng, năm nay 57 tuổi, ngụ phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh.

Ông Ðằng kể: “Tôi và những người đảm trách công trình này đều là chủ vườn cây ăn trái trên núi. Tụi tôi đã quen với việc leo trèo, khuân vác lên, xuống núi. Thế nhưng, khi vác mấy cuộn dây này lên núi, có người suýt xỉu vì kiệt sức”.

Anh Trần Bảo Hoàng, một trong số nhân viên của Ðài PT&TH Tây Ninh, có thời gian khoảng 20 năm trực trạm phát sóng trên đỉnh núi Bà Ðen.

Anh Hoàng cho hay, để xây dựng được trạm phát sóng, hầu hết đều phải thuê người khuân vác vận chuyển các vật dụng, vật liệu lên đỉnh núi… Chỉ có những vật liệu dài, như sắt, thép vận chuyển khó khăn, các anh phải dùng ròng rọc kéo lên.

Anh Hoàng cho biết: “Ðường lên đỉnh núi rất xa và gập ghềnh khó đi, chỉ có những người chuyên nghiệp như dân khuân vác thuê mới có thể đưa nổi những thứ nặng nhọc này lên đỉnh được. Nếu không có đội ngũ làm thuê này, chúng tôi cũng không biết mình sẽ xoay trở ra sao với cuộc sống trên đỉnh núi cao này”.

Ðại Dương- Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục