Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những mốc son trong lĩnh vực xuất khẩu
Thứ hai: 17:03 ngày 23/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nếu so với một số tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ thì con số xuất khẩu của Tây Ninh chưa phải là cao, nhưng so với đặc thù của tỉnh thì đây là kết quả rất đáng tự hào.

Một phân xưởng của doanh nghiệp FDI ở Khu công nghiệp Phước Đông. Ảnh minh hoạ: Hoàng Anh

Những năm qua, kinh tế tỉnh Tây Ninh phát triển ngày càng cao, nhiều lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Một trong những lĩnh vực đạt kết quả khả quan, đáng ghi nhận là xuất khẩu. Trong thập niên 1980, kim ngạch xuất khẩu của Tây Ninh chỉ nằm ở mốc đơn vị chục triệu USD mỗi năm, đến cuối thập niên 1990 được nâng lên mốc đơn vị trăm triệu USD. Bước sang thế kỷ 21, lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục gia tăng, đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Tây Ninh ngấp nghé đơn vị tỷ USD.

Năm 2011, Tây Ninh chính thức gia nhập danh sách các tỉnh, thành trong cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Mười năm sau- năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt mốc 5 tỷ USD. Và năm 2022, Tây Ninh tiếp tục vươn lên đạt mốc 6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Nếu so với một số tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ thì con số xuất khẩu của Tây Ninh chưa phải là cao, nhưng so với đặc thù của tỉnh thì đây là kết quả rất đáng tự hào.

Định hướng đúng

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước hoà bình, thống nhất, cả nước bước vào giai đoạn kiến thiết và phát triển. Thế nhưng Tây Ninh không được tận hưởng yên bình như các tỉnh khác mà vẫn tiếp tục tập trung toàn lực cho cuộc chiến chống bọn diệt chủng Pol Pot ngày đêm đánh phá khu vực biên giới, giết hại dân lành.

Chẳng những vậy, khi mới được giải phóng hoàn toàn, Tây Ninh chỉ là một tỉnh nông thôn, biên giới, nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp hầu hết còn thủ công...

Mãi đến đầu thập niên 1990, Tây Ninh mới chính thức tập trung vào công cuộc kiến thiết tỉnh nhà, phát triển kinh tế. Do vậy, khi chính thức tập trung mọi nguồn lực xây dựng lại quê hương, Tây Ninh không chỉ là tỉnh nghèo nàn, lạc hậu với nhiều vết thương chiến tranh, mà còn “xuất phát” chậm hơn cả thập kỷ so với các tỉnh bạn.

Đứng trước thực tế như thế, Tây Ninh đã đề ra chiến lược phát triển phù hợp thực tiễn, phát huy tối đa thế mạnh riêng của mình để ngày càng có được nhiều sản phẩm với chất lượng cao hơn.

Trong đó mục tiêu đầu tiên mà tỉnh hướng đến là phát triển nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến, sản xuất những sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhắm đến mục tiêu xuất khẩu ra thị trường thế giới, mà trước tiên là sản phẩm cao su.

Ngay sau khi tình hình biên giới bình yên, tỉnh đã đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển cây cao su ở khu vực Bắc Tây Ninh, từ xã Suối Ngô, Suối Dây, Tân Thành, Tân Đông đến Tân Hiệp, Tân Bình, Tân Lập...

Một phân xưởng của doanh nghiệp FDI ở Khu công nghiệp Phước Đông. Ảnh minh hoạ: Hoàng Anh

Chỉ sau một thập kỷ, trải dài khu vực biên giới phía Bắc tỉnh đã có đến hàng chục ngàn héc-ta cây cao su, biến vùng đất hoang vu trước đây thành những vùng chuyên canh cây cao su rộng lớn.

Song song đó, diện tích cao su những nông trường khu vực phía Nam tỉnh thuộc các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu cũng được đầu tư mở rộng. Từ đó, ngành công nghiệp chế biến cao su phát triển mạnh mẽ, sản phẩm cao su xuất khẩu ngày càng tăng. Đến năm 2010, toàn tỉnh có gần 80.000 ha cao su, sản lượng khai thác đạt gần 140.000 tấn mủ.

Cũng thời điểm này, toàn tỉnh có 25 nhà máy chế biến cao su với tổng công suất 154.000 tấn sản phẩm/năm. Chính vì vậy, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su đạt đến 187 triệu USD- đứng thứ 2 sau hàng dệt may, góp phần đưa Tây Ninh chính thức gia nhập các tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Tính riêng giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu cao su đạt đến 25,03%. Thập niên 2010-2020, sản phẩm cao su tiếp tục là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Song song với cây cao su, giai đoạn này tỉnh cũng tập trung phát triển diện tích cây khoai mì để tạo tiền đề phát triển công nghiệp chế biến tinh bột khoai mì xuất khẩu. Từ đó, diện tích cây mì tăng lên đến 45.000 ha, mỗi năm cung cấp hàng triệu tấn nguyên liệu cho nhà máy chế biến.

Thời gian qua, Tây Ninh thường xuyên có trên 60 nhà máy chế biến tinh bột khoai mì hoạt động, hằng năm đưa vào chế biến gần 4 triệu tấn củ mì nguyên liệu, sản xuất gần 1 triệu tấn tinh bột, trong đó có hàng trăm ngàn tấn xuất khẩu. Ngoài ra, nhiều năm qua, Tây Ninh còn có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến các mặt hàng xuất khẩu khác như hàng thủ công mỹ nghệ, hạt điều nhân, mây tre...

Sản xuất mủ cao su xuất khẩu tại Công ty Liên Anh Ảnh minh hoạ: Hoàng Anh

Đặc biệt, ngay từ thập niên 1990, Tây Ninh đã nỗ lực xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm tăng cường khả năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến phát triển sản phẩm công nghiệp xuất khẩu. Khu công nghiệp đầu tiên được hình thành là Khu công nghiệp Trảng Bàng với quy mô diện tích lên đến 1.650 ha.

Từ năm 2009, Tây Ninh triển khai thực hiện hai khu công nghiệp có quy mô rất lớn là Khu liên hợp công nghiệp đô thị dịch vụ Phước Đông - Bời Lời với diện tích hơn 2.800 ha và Khu công nghiệp dịch vụ Bourbon - An Hoà với diện tích 1.020 ha. Đồng thời, nhiều cụm công nghiệp cũng được hình thành đều khắp trong tỉnh như: CCN Bến Kéo (Hoà Thành); CCN Hoà Hội, Ninh Điền (Châu Thành); CCN Thanh Xuân 1...

Hình thành các khu, cụm công nghiệp, đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Năm 2006, Tây Ninh thu hút vốn đầu tư nước ngoài được 31,52 triệu USD, năm 2007 tăng lên 83,985 triệu USD, năm 2008 tiếp tục tăng lên 97,85 triệu USD, năm 2009 vượt trên 100 triệu USD...

Từ đó, kim ngạch xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng cao, luôn chiếm tỷ trọng hơn 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 340 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với vốn đăng ký hơn 8,5 tỷ USD và hơn 650 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với vốn đăng ký hơn 108.000 tỷ đồng.

Kết quả khả quan

Từ những chiến lược đúng hướng, chính sách phát triển phù hợp, lĩnh vực xuất khẩu ở Tây Ninh bắt đầu tăng mạnh- đặc biệt là từ năm 2000 trở về sau. Năm 2000, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ đạt khoảng 150 triệu USD, đến năm 2005 nâng lên trên 250 triệu USD- tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn này khoảng 16%-17% mỗi năm.

Riêng năm 2005, nhận thấy tình hình xuất khẩu ngày càng khả quan, HĐND tỉnh giao chỉ tiêu xuất khẩu của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng 19% so với năm 2004. Do đã được đầu tư đúng hướng nên trong năm này, nhiều sản phẩm của Tây Ninh có giá trị xuất khẩu tăng mạnh như: mủ cao su thành phẩm tăng hơn 19%; tinh bột khoai mì tăng hơn 40%; hạt điều nhân tăng hơn 15%; hàng dệt may tăng hơn 40%, sản phẩm plastic tăng gần 4%... qua đó góp phần vào kết quả hoàn thành chỉ tiêu năm 2005.

Sản xuất bánh tráng xuất khẩu ở Công ty Tân Nhiên Ảnh minh hoạ: Hoàng Anh

Năm 2010, do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trong năm 2009, tỉnh chỉ đề ra chỉ tiêu xuất khẩu 650 triệu USD. Thế nhưng, kim ngạch xuất khẩu ở Tây Ninh trong năm này đạt và vượt xa kế hoạch với 894 triệu USD, tăng hơn 30% so với năm 2009. Kết thúc giai đoạn 5 năm 2006-2010, Tây Ninh hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, trong đó lĩnh vực xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, mở rộng thêm khả năng xuất khẩu của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Năm 2011, Tây Ninh đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Đây là một trong những cột mốc quan trọng đưa Tây Ninh gia nhập vào danh sách các tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu “tỷ đô”. Kết quả năm 2011, Tây Ninh đạt kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD, vượt chỉ tiêu đề ra. Trên đà phát triển mạnh mẽ đó, những năm tiếp theo, Tây Ninh luôn đạt tốc độ gia tăng kim ngạch xuất khẩu từ 20% so với năm trước, cụ thể: năm 2012 đạt 1,465 tỷ USD; năm 2013 đạt hơn 1,7 tỷ USD; năm 2014 vượt mốc 2 tỷ USD và năm 2015- năm kết thúc giai đoạn 2010-2015, đạt 2,72 tỷ USD.

Năm 2016, lại thêm một cột mốc đáng ghi nhận nữa trong lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh là kim ngạch vượt con số 3 tỷ USD. Đặc biệt là năm 2020, dù tình hình sản xuất gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 hoành hành, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kim ngạch xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng 7% so với năm trước, đạt 4,057 tỷ USD. Thống kê giai đoạn 2006-2020 cho thấy, lĩnh vực xuất khẩu tỉnh Tây Ninh đạt tổng số hơn 19 tỷ USD, tăng gấp 2 lần giai đoạn 2010-2015.

Đến cuối năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn đạt mốc 5 tỷ USD. Đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Tây Ninh cán mốc mới 6 tỷ USD. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Tây Ninh đều có tăng trưởng, trong đó đáng ghi nhận là có sự gia tăng đáng kể của một số mặt hàng thuộc nhóm hàng nông sản.

Sản xuất trứng gà xuất khẩu ở Công ty TNHH QL VietNam Agroresources Ảnh minh hoạ: Hoàng Anh

Như vậy, so với năm 2000, kim ngạch xuất khẩu của Tây Ninh trong năm 2022 tăng gấp hơn 30 lần; so với năm 2010 thì con số này gia tăng đến gần 8 lần.

Hiện nay, ngoài mục tiêu phát triển công nghiệp để nâng cao hơn nữa giá trị các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, Tây Ninh tiếp tục tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tỉnh tăng cường mời gọi các tập đoàn lớn về đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao để làm đòn bẩy nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng có nhiều tiềm năng này.

Đặc biệt, thời gian gần đây, cùng với một số tỉnh, thành khác trong cả nước, Tây Ninh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thí điểm thực hiện Chương trình phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hội nhập thị trường quốc tế.

Đây là cơ hội giúp Tây Ninh nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản, góp phần gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh trong những năm tới. Để thực hiện chương trình này, Tây Ninh đã triển khai tạo quỹ đất khoảng 15.000 ha và hướng đến 30.000 ha vào năm 2030 để tập trung phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao trên địa bàn.

Từ đó nâng cao hơn nữa khả năng thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến thực hiện mô hình kiểu mẫu theo chuỗi giá trị. Với chiến lược phát triển phù hợp, đúng hướng và mạnh mẽ như vậy, hy vọng trong những năm tới, kinh tế Tây Ninh tiếp tục tăng cao và kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục đạt những mốc son mới.

S.T

Tin cùng chuyên mục