Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mùa bấc năm nay mẹ tôi đã ngoài bảy mươi, chân mỏi tay run vì lạnh dù đã mặc thêm chiếc áo len rất dày. Mái tóc mẹ tôi không còn đen dài và dày đến nỗi phải chải mấy lượt mới xong trong ngày bấc già đầy gió.
Tôi bỗng nhớ những mùa bấc cũ, thời mẹ tôi còn kẽo kẹt đôi gióng gánh trên vai để mỗi bình minh ra chợ Trường Lưu cùng nồi tàu hủ non ấm nóng.
Sáng nay hình như cơn bấc non tràn về làm những bước chân của chị gió xạc xào trên mái nhà. Con đường thì mịt mờ sương nhưng bao cánh áo khoác vàng xanh đỏ tím vẫn không ngừng thoi đưa để đưa con đi học, bản thân đi làm vì bao cơm áo hằng ngày vẫn đang chờ rồi những áo quần, bánh mứt, bông trái ngày tết đã cận kề.
Món tàu hủ non thần thánh của mẹ tôi vào sáng mùa đông thế này mà được ăn một chén thì bảo đảm lục phủ ngũ tạng đều ấm cả. Tàu hủ của mẹ tôi được chứa trong nồi nhôm ủ trấu chung quanh. Đầu gióng bên này là chiếc thúng với mớ trấu ủ nồi tàu hủ trắng mịn non tơ ấy.
Đầu gióng bên kia là chiếc bếp than bé tẹo, trên đó là nồi nước đường thốt nốt thêm mớ gừng đập giập. Gió bấc quăng quật tứ bề, mùi hương gừng hoà trong mùi nước đường thơm lưng sẽ làm cho cả góc chợ ấm mũi ấm lòng. Nhưng tàu hủ non còn thêm tí nước cốt dừa nữa mới đủ vị ngon vị béo nhé! Nước cốt dừa của món tàu hủ non nhãn hiệu mẹ tôi là phải thắng cho nó “bồng con” mới ngon đạt chuẩn. Công dụng của việc “thắng nước dừa” này là để chống lại sự ôi thiu nữa đấy.
Một chén tàu hủ non múc ra, màu vàng của nước đường, điểm xuyết vài miếng gừng và vá nước cốt chan lên. Bảo đảm người ăn sẽ hít hà thèm thuồng trước khi múc từng muỗng đấy! Dạo đó, mỗi chén tàu hủ non chỉ có giá ba ngàn đồng thôi. Một nồi là một ký rưỡi đậu nành, ra chừng năm, sáu chục chén tàu hủ non. Không nhiều đâu, nhưng cũng đủ cơm rau cá vụn cho bầy con năm đứa vì thu nhập từ nghề thợ hồ của cha tôi để lo “việc lớn” như nhà cửa, áo quần, học hành cho con trẻ. Nên cơm cá hằng ngày mẹ phải lo là vậy.
Những mùa bấc như mùa này, mẹ đâu chỉ có gánh tàu hủ buổi sáng mà lâu lâu “đổi vị” cho khách là bánh mặn nữa đấy! Bánh làm từ bột gạo, nước cốt dừa, gia vị sao cho ra xửng bánh màu trắng vừa thơm vừa béo. Trên mặt xửng bánh là củ sắn băm nhỏ xào chung với tôm khô, thêm tí màu gạch tôm cho bắt mắt nè.
Rồi thêm giá trụng, rau sống và đặc biệt là nước mắm để chan vô món bánh mặn này là nước mắm có vị ngòn ngọt sao cho người ta có thể vừa chan vô dĩa bánh “nổi nước” nhưng không mặn.
Để có những nồi tàu hủ, những xửng bánh mặn ấy là mấy chị em tôi phải dậy từ bốn giờ sáng để phụ mẹ các thứ. Đứa nạo dừa thắng nước cốt cho nóng cho ngon. Đứa băm gừng mà ngủ gật khiến sợi gừng to nhỏ chẳng đều nhau rất tức cười. Có khi còn đứt tay nữa chứ! Đứa xếp chén muỗng vào gióng gánh, đứa gắp than bỏ vào lò cho nồi nước đường sôi nhè nhẹ…
Đó là những mùa bấc lạnh hơn bây giờ vì lúc đó nông thôn còn nhà lá vách đất và cây cối cũng rất nhiều. Chứ không phải nhà tường mái tôn và cây xanh đã it đi để làm nhiều công trình như bây giờ.
Nhưng bấc vẫn ấm vì tình thân gia đình và tiếng nói câu cười ríu rít cả bình minh.
Mùa bấc năm nay mẹ tôi đã ngoài bảy mươi, chân mỏi tay run vì lạnh dù đã mặc thêm chiếc áo len rất dày. Mái tóc mẹ tôi không còn đen dài và dày đến nỗi phải chải mấy lượt mới xong trong ngày bấc già đầy gió. Mà mái tóc ấy giờ bạc trắng và mỏng đến nỗi búi chưa bằng một nắm tay.
Tôi chợt thương những mùa bấc cũ, tuy tất bật nhưng vô cùng vui vẻ. Còn bây giờ, mẹ không còn chạy chợ vì áo cơm nhưng niềm vui chỉ còn đếm qua đôi bàn tay gầy guộc.
Đào Phạm Thuỳ Trang