Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những người mẹ Việt tại Canada gìn giữ văn hóa dân tộc
Chủ nhật: 21:41 ngày 18/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cùng sinh sống tại thành phố Toronto, chúng tôi là một nhóm mang tên “Mom and Viet Teen Club”/ “Câu lạc bộ Mẹ và Con Việt” gồm gần chục chị em có con đang hoặc sắp vào tuổi teen (vị thành niên) - cái tuổi bướng bỉnh, thích chứng minh bản thân, đang định hình tính cách.

Tại đây các chị em thường chia sẻ những cách dạy con, từ các khó khăn đến những biện pháp dùng tốt không chỉ trong một gia đình.

 Chị Hương (ngồi, bên trái) trong hoạt cảnh ‘Ông đồ già’ tại Hội chợ Tết Toronto. Ảnh: P.L

Hương là mẹ của ba con, hai gái đầu đã 24-26 tuổi, cậu con trai út thì mới 14. Gia đình Hương như một đại diện của đợt di cư - có thể gọi là làn sóng thứ hai sau năm 1975 - đi từ miền Bắc, qua các nước Đông Âu, vòng tới Đức rồi năm 1998 thì qua Canada.

Hương chia sẻ, nhà chị vẫn có truyền thống gói bánh chưng vào dịp Tết, các con của chị biết giúp mẹ vo gạo, đỗ, rửa lá, thịt từ nhỏ và cũng rất vui khi thấy mẹ đem biếu những người khác.

Thường là luộc sáu chục cái mà chỉ giữ lại có vài ba chiếc, còn thì cho biếu hết. “Đây là cách mình dạy các con về lòng vị tha. Rồi ngày 30 Tết, mình nấu đủ mâm 6 món cúng trời đất. Cả nhà cúng sớm để dắt nhau đi chùa hái lộc đầu năm, vòng về xông đất nhà mình là vừa” - chị Hương chia sẻ.

 Tết ta tại trường tiếng Việt của chị Phượng Loan (người thứ 2 từ bên phải; tác giả Phạm Phương Lan - người đầu tiên, bên trái). Ảnh: P.L

Gia đình Hạnh cũng đi từ miền Bắc nhưng qua Hongkong rồi định cư tại Canada từ năm 1990. Người mẹ của hai cô con gái - cháu lớn 28 tuổi, cháu bé 15 - tiếp lời:

“Nhà mình không đi chùa. Chỉ tập trung hoặc nhà mình hoặc nhà cháu gái lớn, nấu nướng, ăn uống, cúng, đón giao thừa, chúc tụng nhau năm tới nhiều thành công hơn. Mà buồn cười ghê, lúc cháu lớn còn ở nhà với bố mẹ thì mình nấu mãi nó chỉ biết ăn.

Vừa dọn ra riêng là gọi điện thoại về - mẹ ơi con thèm món bún riêu, mẹ chỉ con đi - thế là làm liền, mà làm ra hồn luôn. Bây giờ danh sách các món ăn Việt của cô nàng lên tới vài chục món, lại có cả những món khó làm như muối dưa cải bẹ!”

Chị Phượng Loan lại có phương pháp lưu giữ truyền thống nếp nhà bằng cách dạy con học tiếng Việt. Lịch học đặc biệt được chị soạn ra cho con, từ thứ Hai đến thứ Bảy, sau này thậm chí cả Chủ nhật, đều có lớp nên cháu buộc phải theo mẹ tới đủ các lớp đó.

“Riết rồi cháu Paul, năm nay 23 tuổi cũng muốn thành giáo viên tiếng Việt, và nay tuy vừa tốt nghiệp Đại học York được 2 năm, cháu đã là giáo viên 5 năm dạy tiếng Việt cho trường Catholic ở đây” - chị Loan cho biết.

 Chồng và con chị Mai đang “phê” trong khi gói bánh chưng. Ảnh: P.P.L

Tại Toronto - đại đô thị bên bờ Đại Tây Dương, phía đông Canada -tiếng Việt, cùng mấy chục thứ tiếng nước ngoài khác, được đưa vào chương trình ngoại khoá sau giờ học. Ví dụ 3 giờ chiều tan học thì từ 3:30 đến 6 giờ tại trường nào có đủ 20 học sinh Việt sẽ có lớp tiếng Việt; và nếu trường này có lớp vào thứ hai thì cách đó vài trường lại có lớp vào thứ ba, cứ như vậy...

Chị Phượng Loan tuy dạy đủ 5 lớp bình thường từ thứ Hai tới thứ Sáu, hai lớp sáng và chiều thứ Bảy, nhưng cách đây 10 năm vẫn quyết giữ gìn tiếng Việt cho các em bằng cách đề nghị Ban giám hiệu trường Catholic cho chị “mở trường”.

Lúc đầu chỉ là một lớp nằm dưới tầng hầm của nhà thờ vào sáng Chủ nhật, thế mà tới nay đã có tới 400 học sinh từ vỡ lòng tới lớp 8. Mỗi lần có lễ Tết, hội hè thật đúng là vui như hội! 

Nguồn danviet

Tin cùng chuyên mục