Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Những người quản trang tận tuỵ
Thứ sáu: 12:00 ngày 26/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có bàn tay chăm sóc của người quản trang, những ngôi mộ liệt sĩ luôn tươm tất và không còn cô quạnh. Khi có đoàn khách, thân nhân, đồng đội các liệt sĩ đến viếng, tổ quản trang kiêm luôn việc tiếp đón khách.

Tổ trưởng tổ quản trang thắp nhang cho liệt sĩ.

Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên (Đồi 82) có diện tích hơn 26 ha, toạ lạc trên địa bàn xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, là nơi an nghỉ của hơn 14.000 liệt sĩ quê quán ở khắp mọi miền đất nước. Đặt chân vào nghĩa trang, mọi người cảm nhận được không gian tĩnh lặng nhưng vô cùng ấm cúng. Hàng cây to ngay hàng thẳng lối xen trong những khu mộ liệt sĩ được chăm sóc, dọn dẹp sạch sẽ… tất cả thể hiện tấm lòng, tâm huyết của những người quản trang nơi đây. 

Tổ quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên hiện có 11 thành viên gồm 5 nam, 6 nữ, mỗi người phụ trách dọn dẹp từng khu vực khác nhau. Vào ban đêm, tổ phân công 1 người trực, sắp xếp luân phiên nhau. Ngày ngày, những người quản trang miệt mài với công việc, cần mẫn dọn dẹp, trông coi nơi an nghỉ của các liệt sĩ. Công việc của họ thầm lặng, ít ai biết đến.

Vào một ngày của tháng 7, trong khuôn viên nghĩa trang, tiếng chổi xào xạc xua những chiếc lá vàng rơi, những đôi tay lặng lẽ nhổ từng cọng cỏ bên các phần mộ giữa trưa hè nắng nóng. Khi mặt trời lên cao, áo đã đẫm mồ hôi, họ vẫn cố gắng hoàn thành công việc rồi mới nghỉ.

Cô Trần Thị Phương, ngụ khu phố 3, thị trấn Tân Biên, làm việc ở đây đã 26 năm, cho biết, công việc hằng ngày của cô là quét dọn, cắt tỉa cây kiểng, phun thuốc diệt cỏ, giữ gìn sạch sẽ khuôn viên nghĩa trang. “Ở đây, chúng tôi làm việc mỗi ngày bằng trách nhiệm và lương tâm. Những dịp lễ tết, tổ quản trang làm luôn cả ngày thứ 7 và chủ nhật, chăm sóc mộ phần sạch sẽ, chu đáo.

Công việc làm lâu sẽ thành quen. Ngày nào không quét dọn khuôn viên lại thấy nhớ. Đối với tôi, mỗi người phải có trách nhiệm chăm lo, làm một cái gì đó để tỏ lòng biết ơn các thế hệ đi trước, đã không tiếc máu xương cho ta có được cuộc sống bình yên như ngày hôm nay”- cô Phương nói. 

Có bàn tay chăm sóc của người quản trang, những ngôi mộ liệt sĩ luôn tươm tất và không còn cô quạnh. Khi có đoàn khách, thân nhân, đồng đội các liệt sĩ đến viếng, tổ quản trang kiêm luôn việc tiếp đón khách. Đối với những người quản trang, việc ghi nhớ họ tên, quê quán các liệt sĩ, vị trí từng ngôi mộ không phải là quá khó. Nếu có thân nhân đến thăm hay tìm mộ, họ có thể giúp đỡ, hướng dẫn đến tận nơi.

Hằng năm, Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên đón rất nhiều đoàn cán bộ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, các cơ quan, ban, ngành và thân nhân các liệt sĩ trong cả nước đến thăm viếng, thắp hương tưởng niệm. “Đây không chỉ là nơi an nghỉ của các liệt sĩ mà còn là biểu tượng cho sự kiên cường, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hoà bình của dân tộc ta.

Chúng tôi luôn cố gắng chăm sóc, giữ gìn khuôn viên, phần mộ liệt sĩ với hy vọng có thể góp phần vào việc giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ”- một thành viên tổ quản trang bộc bạch.

Ông Trần Mạnh Hào- Tổ trưởng Tổ quản trang, gắn bó với công việc hơn 16 năm. Không chỉ quét dọn khu vực được phân công, ông còn phụ trách việc kiểm tra, nhắc nhở công tác dọn dẹp của các thành viên khác, báo cáo về cho Ban Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong 6 tháng đầu năm nay, công tác quản trang cơ bản hoàn thành tốt, nhân viên gắn bó với công việc khá lâu, có kinh nghiệm và trách nhiệm. Vào những ngày lễ, tết, tổ quản trang lên kế hoạch, tăng cường dọn dẹp, chuẩn bị sẵn sàng, chu đáo đón các tập thể, cá nhân đến viếng.

Những người quản trang cần mẫn chăm sóc các phần mộ liệt sĩ.

Khi gia đình của liệt sĩ có nguyện vọng bốc mộ, di dời hài cốt liệt sĩ về quê, liên hệ với tổ quản trang kiểm tra giấy tờ, lập biên bản xác nhận, gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đóng dấu, xác nhận, hỗ trợ chi phí di dời cho gia đình. 

Gắn bó với công việc quản trang nhiều năm, ông Trần Mạnh Hào luôn trăn trở việc một số ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được họ tên, quê quán. Mỗi khi chứng kiến cảnh gia đình, thân nhân không tìm thấy mộ liệt sĩ, ông Hào rất đau lòng và áy náy mãi. “Tôi luôn tự nhủ phải làm tròn bổn phận của mình, chăm sóc tốt mộ phần, khói hương chu đáo, cầu mong các liệt sĩ sớm tìm lại được quê hương, gia đình”- tổ trưởng tổ quản trang tâm sự.

PHƯƠNG THẢO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục