Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những vấn đề đặt ra đối với báo chí, xuất bản hiện nay
Thứ tư: 20:58 ngày 19/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Báo chí, xuất bản là một hoạt động đặc biệt mang tính chính trị - xã hội, đi đầu trên mặt trận tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Với mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố sự thống nhất ý chí trong Đảng, báo chí là diễn đàn dân chủ của nhân dân, có trách nhiệm nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng, tăng cường sự đồng thuận của xã hội. Vì vậy, việc nhận thức các vấn đề đang đặt ra với báo chí, xuất bản trong bối cảnh hiện nay sẽ góp phần giúp báo chí, xuất bản hoàn thành trách nhiệm, sứ mệnh đối với đất nước, nhân dân.


Báo chí và xuất bản phải tập trung tuyên truyền nhanh chóng, chính xác, khách quan, trung thực đến nhân dân những vấn đề thời sự, bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước - Nguồn: tuyengiao.vn

1- Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ cao, sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông hiện đại và sự đa dạng, bùng nổ về thông tin tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội. Những xu thế mới trong lĩnh vực báo chí - xuất bản, như tương tác trực tiếp, cá nhân hóa thông tin đang làm thay đổi mạnh mẽ phương thức tổ chức sản xuất thông tin. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ lưu trữ, truyền dẫn âm thanh, hình ảnh và mô hình truyền thông đa phương tiện cho phép ra đời nhiều sản phẩm báo chí chất lượng cao, từ các bài thể loại dài, dung lượng lớn (long-form) đến các bài phân tích chuyên sâu, từ các sản phẩm thực tế ảo tới những ứng dụng tin nhắn có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) để tương tác với độc giả.

Sự cạnh tranh của các loại hình báo chí, xuất bản truyền thống với các loại hình hiện đại, như mạng xã hội, sách điện tử (ebook), sách thực tế tăng cường ảo (vrbook), các ứng dụng sách điện tử trên điện thoại thông minh... đã dẫn đến thực tế là báo in đối mặt với sự sụt giảm doanh thu, báo điện tử phải cạnh tranh với mạng xã hội, hoạt động xuất bản gặp nhiều khó khăn. 

Thực tế đó đòi hỏi báo chí và xuất bản cần đổi mới và nâng cao chất lượng, thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông. Báo chí, xuất bản cần bám sát, cập nhật công nghệ mới, phương thức tổ chức sản xuất thông tin mới, mở rộng các kênh tiếp cận với đời sống nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội, nhất là khi có những vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến xã hội nảy sinh.

Bên cạnh đó, cần có một chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, bởi khi máy móc thay thế nhiều phần việc của con người, đặc biệt là sự xuất hiện của những phần mềm chuyên dụng, sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo sẽ cho phép người làm báo chí, xuất bản có thể tiếp cận và tổng hợp nguồn thông tin trên toàn cầu, mở ra cơ hội thuận lợi cho việc nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của công chúng, chủ động tìm kiếm, khai thác đề tài. Do vậy, những kỹ năng lỗi thời và thiếu nhạy bén trong việc nắm bắt sự thay đổi của công nghệ - thông tin, khoa học - kỹ thuật, phương tiện tổ chức sản xuất thông tin mới sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của báo chí, xuất bản.

Việc quan tâm đổi mới mô hình tòa soạn, nhà xuất bản, cơ quan báo chí cùng với việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan nhằm bảo đảm đời sống, thu nhập cho lực lượng lao động trong lĩnh vực báo chí, xuất bản là cần thiết, góp phần đổi mới, nâng cao hoạt động của báo chí, xuất bản. Quan tâm đến vấn đề kinh tế báo chí, thu nhập sẽ khuyến khích các nhà báo yên tâm công tác, không ngừng trau dồi, đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực tác nghiệp, phát huy được vai trò nòng cốt trong công tác tư tưởng.

2- Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, tạo ra xu hướng truyền thông đa phương tiện, truyền thông hội tụ, thông tin đa dịch vụ, thông tin có tính tương tác… Sự bùng nổ thông tin làm thay đổi mạnh mẽ đời sống và các mối quan hệ xã hội, do đó các nước sẽ phải đối mặt gay gắt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng sẽ trở thành yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp tới mọi quốc gia, dân tộc và cả các cá nhân.

Những bước tiến về công nghệ thông tin cho phép người dân dễ dàng tiếp cận với nhiều loại thông tin, bất cứ ai cũng có thể sản xuất và trở thành người truyền, phát thông tin, cập nhật thông tin mọi lúc, mọi nơi, không giới hạn bởi địa giới hành chính hay lãnh thổ quốc gia. Đây cũng là điều mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, dùng xảo thuật để đánh lừa và tiêm nhiễm vào độc giả những thông tin sai trái. Điều đó đặt ra vấn đề về tăng cường công tác quản lý báo chí và xuất bản đi đôi với nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền. Báo chí kịp thời đấu tranh phản bác những nội dung thông tin bịa đặt, vu khống, gây chia sẽ nội bộ, mất đoàn kết trong Đảng và xã hội.

Trước xu hướng thông tin trên mạng ngày càng phức tạp, đan xen giữa thông tin tốt và thông tin xấu độc, các trang mạng xã hội mọc lên “như nấm sau mưa”, một số tờ báo chạy theo lợi ích thương mại nên xa rời nhiệm vụ chính trị. Điều đó đòi hỏi báo chí, xuất bản phải nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền; nhà báo cần có phẩm chất chính trị trong sáng, ý thức trách nhiệm công dân, đạo đức nghề nghiệp.

Trong cuộc cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội, nhà báo vừa là người phát hiện thông tin, vừa là người kiểm chứng, thẩm định, phân tích và giải thích thông tin, cung cấp và giúp công chúng tìm được những nguồn thông tin trung thực, đáng tin cậy, góp phần xây dựng môi trường thông tin lành mạnh. Các cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí, xuất bản quản lý tốt hơn đội ngũ phóng viên, biên tập viên, xử lý nghiêm những trường hợp cá nhân có bài viết kích động, đi ngược lại đường lối, chủ trương của Đảng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, đồng thời khen thưởng kịp thời những cá nhân hoàn thành xuất sắc sứ mệnh trên mặt trận tư tưởng, có những bài viết tốt bác bỏ những nội dung xuyên tạc, gây bất ổn trong dư luận xã hội, tích cực đấu tranh lên án, ngăn chặn xu hướng thương mại hóa báo chí, xuất bản, làm sai tôn chỉ, mục đích, đi chệch định hướng tuyên truyền, cổ động. Các cơ quan báo chí, xuất bản cần nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các địa phương, chủ động thông tin phê phán, phản bác sắc bén những luận điệu sai trái, khuynh hướng tiêu cực, đập tan những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch.

Mặt trái của kinh tế thị trường khiến nhiều giá trị văn hóa xuống cấp, xuất hiện xu hướng chạy theo đồng tiền, kiếm lợi qua các hoạt động văn hóa, dẫn đến xem nhẹ tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ và sự xa rời quan hệ giữa văn hóa và chính trị. Khi những hoài nghi, dao động không được uốn nắn, chỉnh đốn, định hướng kịp thời, cộng với những tác động tiêu cực từ chiêu bài chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bi quan, nghi ngờ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, rời xa lý tưởng, thậm chí công khai hoạt động chống phá khối đại đoàn kết dân tộc.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí, lối sống tha hóa, coi trọng vật chất, lợi ích nhóm… đã bị các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, đưa ra luận điệu “dân chủ”, thể chế “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”... với ý đồ chuyển hóa chế độ ta. Những biểu hiện suy thoái cũng có dấu hiệu ngay trong một số cán bộ báo chí, xuất bản. Do đó, báo chí phải gánh hai nhiệm vụ, vừa tuyên truyền ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong Đảng, trong xã hội, vừa làm trong sạch chính đội ngũ của mình.  

3- Để nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí và xuất bản trong điều kiện hiện nay, cần chú trọng:

Một là, nhận thức rõ hơn những hạn chế trong công tác quản lý báo chí và xuất bản (về vị trí, vai trò của báo chí, xuất bản trong bối cảnh mới; về năng lực nắm bắt, phát hiện, kiểm soát khủng hoảng thông tin; hệ thống các văn bản về quản lý của Nhà nước đối với báo chí và xuất bản chậm đổi mới) để kịp thời khắc phục... Cần bổ sung các quy chế về phối hợp chỉ đạo, định hướng báo chí của các cơ quan chức năng; quy định rõ trách nhiệm của mỗi đảng viên khi phát ngôn, viết bài trên mạng xã hội; chú trọng công tác nghiên cứu lý luận báo chí, xuất bản làm nền tảng để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng và yêu cầu định hướng chính trị, tư tưởng, giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh tế trong lĩnh vực này. 

Hai là, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chủ quản báo chí, xuất bản và các cơ quan tuyên giáo, thông tin; kiện toàn bộ máy các cơ quan báo chí, xuất bản theo hướng tinh gọn, thiết thực, hiệu quả theo quy hoạch quản lý và phát triển báo chí mới; kiên quyết giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, xuất bản, các trang thông tin điện tử hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, thương mại hóa, buông lỏng công tác quản lý trong liên kết xuất bản.

Tập trung định hướng hoạt động của báo chí, xuất bản, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, năng lực và chất lượng của đội ngũ phóng viên, biên tập viên cả về chính trị, tư tưởng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Xây dựng và củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các cơ quan báo chí, xuất bản, nhằm đào tạo, bồi dưỡng những người làm báo chí, xuất bản kiên trung trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Ba là, tăng cường công tác quản lý, định hướng thông tin, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, cổ động trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số.

Nền kinh tế nước ta có nhiều cải thiện tích cực nhưng cũng đan xen nhiều khó khăn, thách thức. Những nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi hỏi cần đẩy mạnh công tác tư tưởng, cổ vũ, động viên toàn thể nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, chung sức, đồng lòng đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng đất nước, trong đó báo chí, xuất bản là lực lượng đi đầu. Báo chí và xuất bản tập trung tuyên truyền nhanh chóng, chính xác, khách quan, trung thực đến nhân dân những vấn đề thời sự, bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Bốn là, phát huy chức năng giám sát và phản biện xã hội của báo chí, xuất bản với tinh thần trách nhiệm và xây dựng cao. Hoạt động góp ý, phản biện của báo chí phải trên tinh thần xây dựng, đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng lúc, đúng chỗ và tuyệt đối tuân thủ pháp luật. Kiên quyết loại bỏ tình trạng đưa thông tin sai, giật gân, câu khách, kích động; hoạt động xuất bản chạy theo lợi nhuận mà xem nhẹ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng. Báo chí tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm và quyết tâm của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống những việc làm sai trái, tiêu cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Báo chí, xuất bản giới thiệu các tri thức thuộc các lĩnh vực đời sống xã hội, các tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại để nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống lành mạnh, mở rộng giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế, đấu tranh chống mọi hoạt động làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc. Báo chí coi trọng việc lan tỏa những nhân tố tích cực, những mô hình hiệu quả, việc làm tốt đẹp, biểu dương người tốt, việc tốt để khơi dậy sức mạnh của nhân dân.

Bên cạnh đó, cần lắng nghe và kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, góp phần giải quyết những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người dân, trở thành diễn đàn để nhân dân tham gia trực tiếp vào các công việc của đất nước, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội để thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Phạm Quế Hằng Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn tapchicongsan

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục