Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Niềm vui giản dị
Thứ hai: 12:17 ngày 22/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Gần 70 tuổi, cô Trần Thị Hồng Loan (ngụ khu phố Thanh Hà, thị trấn huyện Gò Dầu) vẫn mong mình khoẻ mạnh để tiếp tục với công việc đã gắn bó hàng chục năm nay.

Cô Loan và những học sinh của mình.

Hơn hai mươi năm trước, một mình khó nhọc lo lắng mưu sinh cho gia đình, cô Loan vẫn chọn làm công tác xã hội khi được đề xuất. Cô nói rằng mình thích làm công tác xã hội vì được gặp nhiều người, làm những việc có ý nghĩa.

Cô Loan vẫn nhớ khi còn trẻ mình làm nhiều việc như gia sư, đóng khuy áo gia công… để có chi phí lo cho gia đình, nuôi con học hành. Mệt nhọc là vậy, nhưng cô sẵn sàng tham gia Chi hội Phụ nữ, rồi Trưởng Ban Dân số, sau này tham gia thêm công tác Mặt trận (hiện cô Loan là Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố Thanh Hà), làm đại lý bảo hiểm, Ban tài chính đình Thanh Phước.

Hàng chục năm qua, với chiếc xe đạp, cô rong ruổi khắp nơi làm công tác tuyên truyền, nhắc nhở công việc ở các khu dân cư. Cô nói mình không biết đi xe máy, xe đạp thì được cấp để đi làm nhiệm vụ. Những năm còn trẻ, cô đạp xe khoẻ lắm, vài năm gần đây tuổi tác càng cao, việc đi xe đạp có chút khó khăn. “Không sao, mệt thì về nhà nghỉ, hôm sau khoẻ thì đi tiếp thôi”- cô Loan cười rồi nói.

Làm Trưởng Ban công tác Mặt trận, cô Loan thường đi tuyên truyền, vận động, tập hợp người dân, tham gia hoà giải, hỗ trợ làm định danh điện tử… Cô nói: “Tôi thích làm công tác Mặt trận, vì được xuống tiếp xúc thường xuyên với người dân, còn nhận được tình cảm của mọi người nữa”.

Nhiều năm trước, cô Loan được địa phương đề xuất dạy lớp học tình thương cho các em thuộc gia đình khó khan, đã bỏ dở việc học giữa chừng. Biết được ý nghĩa công việc, cô Loan không từ chối, chủ yếu giúp các em biết cái chữ.

Cô Loan đứng lớp dạy học.

Ngày trước, cô rất ham học, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khan mà đành bỏ dở khi đang học năm 3 đại học. Sau này, cô có thời gian làm giáo viên dạy theo giờ cho trường tư, rồi làm gia sư nên khi được địa phương gợi ý, cô đã nhận lớp mà không đắn đo gì.

Đã qua nhiều năm nhưng cô Loan vẫn nhớ: “Lớp học đầu tiên được mở tại hội trường Uỷ ban Thị trấn với gần 30 học sinh. Các em được gia đình đưa đến học nhiều lắm. Bây giờ lớp học đã dời về tại nhà tôi, học sinh cũng ít hơn”.

Học sinh của lớp học là những đối tượng đặc biệt, có em đã biết đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình như bán vé số, phục vụ, nhặt ve chai… “Các em rất thích học. Có hôm tôi đi làm về trễ đã thấy các em đến đợi trước cửa. Vui và cảm động lắm”- cô Loan chia sẻ.

Lớp học tập hợp những đứa trẻ thuộc đối tượng gia đình khó khăn, được chính quyền, đoàn thể địa phương hỗ trợ quà, dụng cụ học tập vào các dịp lễ, tết. Những sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời đã tạo thêm động lực cho cô Loan và học sinh của mình trong hành trình đi tìm con chữ.

Đến nay, lớp học đã có rất nhiều lứa học sinh đến và rời đi. Hành trang các em mang theo là con chữ, phép tính và lòng yêu thương để vào đời. Cô Loan chia sẻ: “Nhiều em tìm được việc làm phù hợp, có lương tháng ổn định, có em đã lập gia đình. Những lần tìm đến thăm lớp, có em còn mang theo gia đình nhỏ, tôi vui lắm”.

Theo cô Loan, mỗi năm, học sinh tại lớp học tình thương giảm đi, cô lại thấy đó là niềm vui vì với sự chăm lo tốt của gia đình, xã hội đã không còn nhiều em học sinh phải nghỉ học hoặc không biết chữ nữa.

Cô Loan tặng quà cho người dân.

Làm công tác xã hội mang lại cho cô Loan những niềm vui từ những việc làm ý nghĩa. Với lớp học tình thương này, người giáo viên không chuyên như cô cũng có niềm vui trong ngày nhà giáo, đó là lời chúc, một cành hoa giản đơn. Hay mỗi dịp tết đến xuân về, học trò cũ đến thăm. Cô Loan xúc động chia sẻ: “Tôi nhớ hoài những món quà tết là chậu ớt kiểng chi chít trái, hay chậu bông vạn thọ chưa chớm nụ, trái bưởi trong vườn nhà mà các em mang đến tặng. Có em đã rời lớp lâu ngày, ngày tết đều nhớ và đến thăm, chúc tết. Dẫu không lớn lao gì nhưng lại đầy ý nghĩa với tôi”.

Những ngày cuối năm, cô Loan vẫn miệt mài với công việc, tích cực đi tuyên truyền, dạy học, những việc mà chỉ khi bệnh cô mới nghỉ. Cô chia sẻ về cái tết giản đơn của riêng mình: “Ngày tết, sau khi đã vận động người dân treo cờ, làm vệ sinh khu phố, tôi về nhà chuẩn bị vài thứ đón tết, kho nồi thịt chờ con cháu về ăn. Những ngày nghỉ Tết, rảnh rỗi tôi giải trí bằng cách đọc sách báo, xem ti vi. Chỉ như vậy thôi đã thấy vui rồi”.

Vi Xuân

Tin liên quan