Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nỗ lực chữa cháy rừng giữa sườn núi Phụng
Thứ sáu: 10:51 ngày 22/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Điểm cháy nằm trên sườn núi, nhiều chỗ không thể kéo vòi chữa cháy đến nơi hoặc không có nước, nên mỗi cán bộ, chiến sĩ lại phải gồng mình gùi những can nước nặng hàng chục ký để chữa cháy.

Sáng 21.3, sau gần 20 giờ căng mình chiến đấu với “giặc lửa” để giữ màu xanh cho núi Phụng và vườn cây trồng của người dân, những cán bộ của Ban Chỉ huy phòng chống cháy rừng cùng với lực lượng Kiểm lâm, Công an lại chia thành 2 tổ, tiếp tục tiếp cận những đám khói còn bốc lên tại sườn núi Phụng.

'

Lực lượng chức năng vất vả tiếp cận chân núi để triển khai phương tiện chữa cháy.

Gian nan tiếp cận đám cháy

8 giờ sáng ngày 21.3, chúng tôi theo chân một cánh quân chữa cháy rừng tại núi Phụng, tiến về tâm điểm cháy đang còn bốc khói cao. Để tiếp cận được đám cháy, tất cả cán bộ, chiến sĩ tham gia đều phải trèo lên những dốc đá cheo leo, nhiều gai. Không những vậy, do điểm cháy nằm trên sườn núi, nhiều chỗ không thể kéo vòi chữa cháy đến nơi hoặc không có nước, nên mỗi cán bộ, chiến sĩ lại phải gồng mình gùi những can nước nặng hàng chục ký để chữa cháy.

Anh cán bộ Kiểm lâm dẫn đường cho biết, khu vực này chủ yếu là rừng trồng và rừng đã trồng nhưng chưa thành rừng, đám cháy có gây cháy, nám cây ăn trái của người dân. Những lô rừng tự nhiên, vật liệu cháy chủ yếu là dây trầu bà, gai trích, không có cây gỗ, vì vậy không gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Do Tây Ninh đang vào mùa nắng đỉnh điểm, nhiều lá cây khô, cỏ khô nên khi có mồi lửa thì bốc cháy rất nhanh.

Sau gần một giờ vượt núi, chúng tôi mới có thể tiếp cận hiện trường vụ cháy. Một khoảnh thực vật xanh mướt, nay trở nên xám xịt. Ngay cả những phiến đá cũng bị lửa nung nám đen. Một cột khói cao bốc lên từ bên trong hang đá. Không một phút chần chừ, các lực lượng nhanh chóng mở đường, xịt nước vào hang đá, ngăn chặn mọi nguy cơ có thể tái cháy.

Càng vào sâu bên trong đám cháy, chúng tôi càng thấu hiểu sự vất vả của các cán bộ, chiến sĩ trong công tác chữa cháy rừng núi Phụng. Dốc cao, nhiều đoạn gồ ghề, phần lớn là những tảng đá lớn và dây leo, gai trích mọc chằng chịt, cào vào da thịt; lại có những hố sâu đến 18m vẫn không làm chùn bước các anh.

Trung tá Huỳnh Ngọc Hiếu- Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ- Công an tỉnh tâm sự: “Vừa đến hiện trường đám cháy, anh em đã nhanh chóng tìm vị trí tiếp cận gần nhất với điểm có lửa để dập tắt. Mặc dù vị trí dốc, hiểm trở, nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ đều quyết tâm cao nhất, mưu trí, dũng cảm, thực hiện hiệu quả nhất phương án chữa cháy”.

Anh Lâm Văn Thành- Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen cho biết: “Đã có lúc anh em gần như kiệt sức vì nắng, lửa bỏng rát nhưng chúng tôi vẫn tìm mọi cách khống chế và ngăn chặn đám cháy lan xuống vườn cây ăn trái của nhân dân và các đám thực vật khác. Lúc nắng nóng cao điểm nhất, đồ ăn và nước uống chưa thể tiếp đến, nhiều cán bộ, chiến sĩ mệt lả, có người còn bị bỏng, song không ai kêu ca, mà tiếp tục với nhiệm vụ, quyết tâm khống chế đám cháy”.

Cán bộ Kiểm lâm gùi nước lên hiện trường vụ cháy.

Cắm chốt trị “giặc lửa”

Trước đó, ngày 20.3, trong khi các lực lượng chữa cháy đang tập trung dập lửa tại núi Phụng thì vào lúc 13 giờ 30 phút, Ban Chỉ huy phòng, chống cháy rừng lại tiếp tục nhận tin báo cháy tại khu vực Khoảnh 2 (phía sau khu vực trường bắn núi Bà Đen).

Ngay lập tức, Ban Chỉ huy tiếp tục xin chi viện và huy động tối đa phương tiện từ các lực lượng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Công an huyện Dương Minh Châu; Cảnh sát Cơ động; Đại đội Trinh sát- Cơ giới và Tiểu đội bảo vệ thao trường thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Kiểm lâm và lực lượng của Công ty cổ phần Mặt trời Tây Ninh để tham gia chữa cháy.

Anh Lâm Văn Thành cho biết: “Khu vực núi Phụng có địa hình hiểm trở một thì khu vực Khoảnh 2 gấp hai, ba lần. Độ dốc rất lớn, nhiều vách đá cheo leo, dựng đứng. Chúng tôi phải gùi những can nước loại 30 lít lên để chữa cháy. Rất khó khăn mới có thể tiếp cận hiện trường”.

Với quyết tâm không để “giặc lửa” lan rộng ra các khu vực, sau khi đến hiện trường, các lực lượng nhanh chóng chia thành nhiều mũi, hướng, khẩn trương chữa cháy. Với những vách đá sâu hàng chục mét, lực lượng chữa cháy đã phải bố trí nhân sự xuống tận nơi để xử lý. Nhờ đó, đến 20 giờ 23 phút, đám cháy được kiểm soát, không xảy ra cháy lan.

22 giờ 30 phút, sau khi bảo đảm nguy cơ tái cháy khó xảy ra, các lực lượng quyết định rút quân. Thế nhưng, với sự phức tạp của thời tiết, để đề phòng bất trắc, lực lượng Kiểm lâm và Ban Chỉ huy phòng, chống cháy rừng vẫn bố trí nhân sự, cắm chốt trên núi. Đến nay, đám cháy này đã được khống chế hoàn toàn.

Cháy rừng tại núi Phụng diễn ra vào ngày 20.3

Nhiều đám thực vật xanh mướt đã bị thiêu rụi.

Vừa ngồi nghỉ sau khi xử lý cột khói bốc lên từ hang đá, một cán bộ Kiểm lâm cho biết: “Hôm qua khi vừa hoàn thành nhiệm vụ tại núi Phụng, chúng tôi tiếp tục chi viện qua Khoảnh 2 cũng như bổ sung nước uống, thức ăn cho các lực lượng. Khi đội tiếp nước chưa đến kịp, có anh em quá khát nước đã phải uống cả nước múc ở kênh lên để chữa cháy, rồi lại lao vào tiếp tục công việc. Nhưng với chúng tôi, vui nhất là khi đám cháy được kiểm soát và không thiệt hại về người cũng như tài sản của nhân dân”.

Để rừng mãi xanh

Tây Ninh đang vào mùa nắng đỉnh điểm, cảnh báo mức độ cháy rừng ở cấp 5- cấp cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn và lan nhanh trên các loại rừng. Đáng lo ngại nhất là chỉ cần một phút bất cẩn của người dân khi đi rừng, bắt ong… cũng sẽ gây ra cháy. Khi có sự cố thì rất khó cứu chữa bởi địa hình hiểm trở, khó đưa nước lên.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, nguyên nhân xảy ra 2 vụ cháy vừa qua cũng là do người dân bắt ong (chưa xác định được đối tượng). Mặc dù không gây thiệt hại về người và tài nguyên rừng, nhưng thiệt hại về cây trồng của người dân đã rất rõ ràng. Do đó, để phòng chống cháy rừng, người dân cần cẩn thận khi dùng lửa, không nên vào rừng trong mùa khô; và phải báo ngay cho lực lượng chức năng khi có đám cháy xảy ra.

“Qua vụ việc trên, chúng tôi mong bà con cô bác phải làm tốt công tác PCCC, hạn chế đi vào rừng những lúc đỉnh điểm, chủ rừng tuần tra canh gác kỹ lưỡng, hạn chế tình trạng người dân vào rừng bắt ong gây cháy rừng” - Trung tá Huỳnh Ngọc Hiếu nói.

Vũ Nguyệt - Nhật Quang

Tin cùng chuyên mục