Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nỗi lo khi startups chọn 'xứ người'
Thứ bảy: 15:35 ngày 10/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bắt đầu từ khoảng 2 năm gần đây, những cảnh báo về hiện tượng các startups Việt Nam ra nước ngoài lập nghiệp bắt đầu xuất hiện dù hoạt động sản xuất sản phẩm, dịch vụ và bán hàng của những DN ấy vẫn diễn ra tại thị trường chính là Việt Nam.

Nhiều bạn trẻ lựa chọn khởi nghiệp ở trong nước, nhưng vẫn còn đó nhiều nỗi lo. - Ảnh: VGP

Cho đến nay, vẫn chưa có ai hoặc tổ chức nào thống kê được lượng startups Việt Nam tìm cách chuyển “đại bản doanh” sang các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan. Con số này nếu xét trên tổng số DN thành lập mới hàng năm trong nước có thể vẫn là rất nhỏ nhưng sự phổ biến ấy ngày càng nhiều lên dường như đang cho thấy một thực tế đáng suy ngẫm.

Trong rất nhiều cuộc trà dư tửu hậu, không khó để nghe thấy chuyện hỏi thăm nhau về cuộc “khởi động” nơi xứ người. Điều gì khiến nhiều startups không chọn khởi sự kinh doanh từ trong nước? Vì môi trường pháp lý? Hay còn vì những nguyên nhân nào khác?

Tìm hiểu qua kênh thông tin từ các quỹ đầu tư trong khu vực, có thể thấy, phần nhiều startups Việt Nam chọn “khởi động” ở những nơi như Singapore đều vì mục tiêu lớn nhất là huy động vốn. Một thị trường hết sức minh bạch thông tin và khả năng “môi giới” cực kỳ nhanh chóng cho chủ DN và các nhà đầu tư gặp nhau có lẽ là nơi khá lý tưởng để người cần vốn tìm đến người có vốn.

Theo thừa nhận của ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc Đầu tư Quỹ DFJ (thuộc Vinacapital), hầu hết các startups mà Quỹ có đầu tư vốn đều đăng ký thành lập tại Singapore. “Những gì liên quan đến sở hữu trí tuệ thì đăng ký tại Singapore nhanh hơn tại Việt Nam.

Việc tiếp cận cộng đồng quỹ đầu tư tại Singapore cũng dễ dàng hơn. Và một điều khá quan trọng với người huy động vốn, đó là công ty thành lập tại Singapore luôn được định giá cao hơn so với công ty thành lập tại Việt Nam”.

Với 20 năm kinh nghiệm điều hành chiến lược, mua bán sáp nhập DN và quản trị công ty, ông Hồ Trọng Lai đến từ Hãng tư vấn Waterstone Partners (Mỹ) cũng cho rằng Singapore là thị trường gần như đã trưởng thành, startups tại đây rất dễ dàng gia nhập ngành, mọi thứ đều đơn giản và minh bạch cho cả DN lẫn nhà đầu tư. Vì vậy, đương nhiên các startups thích Singapore hơn Việt Nam.

Nếu như Singapore là “miền đất hứa” cho rất nhiều startups công nghệ và dịch vụ thì Thái Lan, thậm chí Campuchia có vẻ lại là chốn tiềm năng cho các nhà khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản, thực phẩm.

Người ta đã từng nghe nhiều DN ở  Đồng bằng sông Cửu Long thuê đất, thuê nhân công trồng lúa ở Campuchia. Sau khi thu hoạch, chế biến xong lại chuyển về Việt Nam để… bán! “Không đơn giản vì thổ nhưỡng và khí hậu một số vùng ở Campuchia rất phù hợp để trồng lúa, nhiều nông dân Campuchia còn tuân thủ cam kết về quy trình trồng trọt và liều lượng phân, thuốc tốt hơn ở ta”, đại diện một DN giấu tên chia sẻ.

Với một lý do khác, startup Lê Ngọc Thảo cũng đã “khăn gói quả mướp” mua hàng chục ha đất ở một vùng nông thôn không xa Bangkok để trồng tiêu và thanh long hữu cơ.

“Cùng là sản phẩm hữu cơ, cùng cách thức canh tác như nhau nhưng hàng made in Việt Nam dạo này xuất khẩu ra nước ngoài hay bị nghi ngại nên gặp đủ thứ rào cản kỹ thuật, bị ép giá, trong khi hàng đóng nhãn Thái Lan gặp thuận lợi hơn nhiều”, cô gái trẻ trần tình với vị đại diện Hội DN Hàng Việt Nam Chất lượng cao như một sự lý giải vì sao đã không nối nghiệp gia đình trên chính quê hương Tiền Giang như con gái của ông chủ một công ty nước tương thuần chay.

Xu hướng “đi tìm miền đất hứa” của giới startups tư nhân thực sự đang dấy lên mối quan ngại về lực lượng kế cận cho nguyên khí của một nền kinh tế.

Vẫn lắm trở trăn về những người “ở lại”

Với những DN quyết bám trụ ở lại thì sao? Trên khắp các mặt báo cũng không khó để nghe thấy các hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm đạo đức kinh doanh, gây ô nhiễm môi trường hay gian lận thương mại… đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ.

Bà Võ Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp Bến Tre nhận xét rằng hiện nay rất nhiều DN chưa nhận thức được hết trách nhiệm của mình với xã hội. Vẫn còn phổ biến hiện tượng kê khai thuế không đầy đủ, tìm cách “lách luật” để càng ít nộp thuế càng tốt.

Đáng chú ý, nhiều DN tư nhân không thực hiện đầy đủ chế độ chứng từ, hóa đơn, tránh chuyển khoản hay thanh toán qua ngân hàng, che giấu thông tin doanh thu nhằm né thuế… Điều này dẫn đến hiện tượng khá bi hài là báo cáo tài chính gửi cho ngân hàng xin vay vốn “chỉ toàn màu hồng”, còn báo cáo gửi cho cơ quan thuế lại “rặt màu xám xịt”.

“Ngân hàng cũng có nhiều kênh để thẩm định, kiểm tra chéo các báo cáo này. Một khi phát hiện ra DN thiếu tính minh bạch thì sẽ rất khó được vay” – sự khẳng định của người đồng thời là Giám đốc Vietinbank Bến Tre dường như cũng ngầm giải thích cho những than phiền rằng “DN tư nhân thường khó tiếp cận vốn tín dụng hơn DN nhà nước” hay “cho cả trăm DN tư nhân nhỏ nhỏ vay thì tốn chi phí quá, chi bằng cho một vài DN bự bự vay sẽ quản lý dễ dàng hơn”!

Không tranh luận nhiều về chuyện “lỗi tại ai” trước hiện trạng những DN tư nhân nhỏ rất khó thuyết phục các nhà cho vay, ông Nguyễn Ngọc Thành Chung, Tổng thư ký Câu lạc bộ Doanh nghiệp Bến Tre tại TPHCM cho rằng để DN tư nhân dễ dàng vay vốn hơn chỉ cần có cơ chế điều tiết mang tính thị trường.

“Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ lãi suất cho DN vừa và nhỏ rồi, cũng phải có thêm những chính sách dựa trên quy luật kinh tế nữa. Ví dụ cho hưởng các ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với tỷ lệ vốn tín dụng cấp cho DN tư nhân. Lúc đó các ngân hàng sẽ hăng hái ngay”.

Còn để xóa dần những “nhá nhem” trong quản trị tài chính của DN tư nhân thì cần có kỷ luật thưởng phạt nghiêm khắc hơn, với chế tài nặng hơn cả về tài chính và hành chính, thậm chí hình sự các hành vi phạm pháp của DN như gian dối trong kinh doanh, sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng hóa độc hại với sức khỏe người tiêu dùng... “Chế tài hiện nay ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn quá nhẹ, chưa có tính răn đe nên DN sẵn sàng vi phạm và chấp nhận nộp phạt vì vẫn được trục lợi lớn!”, ông Chung nhận định.

Thật vậy, thế giới này không nơi nào chỉ toàn DN tốt mà cũng không nơi nào chỉ có DN xấu. Để những trăn trở ấy và còn nhiều nhiều những trở trăn khác nữa về kinh tế tư nhân dần được tháo gỡ, có lẽ hơn lúc nào hết nền kinh tế đang rất cần đến bản lĩnh của các chính quyền địa phương - nơi sẽ phải giữ vai trò tập hợp sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp -  như đã từng tập hợp triệu triệu con người trong suốt chiều dài lịch sử trước đây.

Chưa bao giờ người ta nói đến cổ vũ cho kinh tế tư nhân nhiều như lúc này. Phong trào Cà phê thứ 7 giữa giới DN với các lãnh đạo cao nhất của chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn và phản ánh vướng mắc giờ đây không chỉ là “đặc sản” của một vài sở ngành ở các trung tâm kinh tế lớn mà đã thực sự tạo được luồng gió mới tại nhiều địa phương.

Trong một nhận xét về chính quyền Đồng Tháp – nơi đầu tiên xuất hiện mô hình cà phê doanh nhân, bà Trương Thị Lệ Khanh, chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Hoàn - người đại diện nhà sản xuất cá tra, cá basa hàng đầu Việt Nam, không chỉ “tấm tắc” về khả năng giải quyết thủ tục hành chính cực nhanh cho DN mà dường như còn rất tâm đắc với những thay đổi tư duy tích cực của bộ máy công quyền.

“Ngay khi ghi nhận phản hồi từ DN về nỗi e ngại có thể bị cạnh tranh lao động thiếu lành mạnh khi xuất hiện thêm những nhà đầu tư mới cùng ngành nghề, chính quyền đồng Tháp đã xem xét thêm nhiều yếu tố kinh tế xã hội khác khi xét duyệt - kêu gọi đầu tư, đặc biệt là về phân bổ hài hòa nguồn nguyên liệu và lao động, làm sao để không có xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư cũ và nhà đầu tư mới”, bà Khanh chia sẻ.

Nguồn chinhphu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục