Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dự thảo chương trính môn học mới:
Nỗi lo lắng của giáo viên
Thứ tư: 10:44 ngày 07/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 19.1, Bộ Giáo dục - Đào tạo (Bộ GD-ĐT) công bố dự thảo chương trình các môn học của chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới. Sau đó, các phương tiện truyền thông đưa thông tin: khi thực hiện dạy học theo chương trình mới, cả nước sẽ thừa ra khoảng 40.000 giáo viên.

Những thông tin trên được giáo viên đón nhận trong tâm trạng nhiều lo lắng. Người thì băn khoăn mình có thuộc diện thừa ra không? Người thì e ngại dạy thế nào theo chương trình, sách giáo khoa mới? Số đông sinh viên ngành mầm non, tiểu học tốt nghiệp 2017 (chưa có hợp đồng tuyển dụng) và số đang học ở trường sư phạm cũng rơi vào tâm trạng thất vọng- liệu có còn cơ hội được trở thành giáo viên? Lo lắng của giáo viên, sinh viên là hoàn toàn chính đáng.

Không thể tránh khỏi dôi dư

Chương trình mới có 20 môn học/hoạt động giáo dục. Có những môn bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 gồm: Tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Đạo đức/Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm/Hướng nghiệp. Có một số môn tích hợp như: Khoa học ở lớp 4,5, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học) ở THCS, Giáo dục kinh tế và pháp luật ở THPT. Có những môn tự chọn như: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc. Ở cấp THPT có các môn tự chọn bắt buộc (học sinh tự chọn tối thiểu 3 môn và 1 chuyên đề): Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Chuyên đề học tập. Theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới: “Chương trình sẽ được giảm tải”. Việc giảm tải được thực hiện theo nhiều cách: giảm nội dung hàn lâm không cần thiết; tổ chức lại nội dung để không bị trùng lặp; đưa ra hướng mở tức là chủ trương linh hoạt, giao chủ động cho các nhà trường, giáo viên và người học. Ở cấp THPT sẽ có những chủ đề học tập chưa từng dạy trước đây như lịch sử văn hoá (môn Lịch sử), Âm nhạc, Mỹ thuật… Với cơ cấu chương trình và các môn học như trên chắc chắn sẽ phải tính toán, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên và thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng để họ có thể thực hiện được công việc của mình.

Theo Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có khoảng 1,2 triệu giáo viên các cấp, cơ bản đủ về số lượng, tương đối hợp lý về cơ cấu, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Thời gian gần đây, số lượng giáo viên đạt chuẩn, vượt chuẩn, có bằng cấp cao ngày càng nhiều. Tuy nhiên, đời sống của đa số giáo viên còn gặp nhiều khó khăn cho nên họ chưa toàn tâm toàn ý để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, việc thừa thiếu, dôi dư giáo viên là không thể tránh khỏi. Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, một số môn mới phải tuyển giáo viên như Ngoại ngữ cho cấp tiểu học (thiếu khoảng 5.616 giáo viên), Tin học (thiếu khoảng 5.607), lộ trình từ năm học 2021-2022 đến 2023-2024, mỗi năm tuyển khoảng 2.000 giáo viên Tiếng Anh và 2.000 giáo viên Tin học; các môn Âm nhạc, Mỹ thuật... ở THPT. Đối với giáo viên mầm non, chương trình này không ảnh hưởng gì nhiều, vì thực tế đang còn thiếu giáo viên. Tuy nhiên, khi tuyển giáo viên cần phải chú ý đến chất lượng. Đối với bậc tiểu học, cả nước hiện có khoảng 387.000 giáo viên. Nếu mỗi năm có khoảng 2% nghỉ hưu (tương đương 7.940 người) thì phải tuyển thay thế khoảng 3.970 người, cộng với số phải tuyển mới do tăng quy mô là khoảng 3.900 người. Bậc tiểu học sẽ không tuyển giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục do giáo viên đã được đào tạo có thể dạy được các môn học này. Đối với bậc THCS, cả nước có khoảng 319.000 giáo viên, tính đến tháng 1.2017 thừa khoảng 9.246. Mỗi năm, bình quân 2% về hưu tương đương với 6.129 người. Do tích hợp môn Sử và Địa, Khoa học tự nhiên (Lý, Hoá, Sinh) cho nên cấp học này có thể ngừng tuyển giáo viên. Đối với bậc THPT, khi thực hiện theo chương trình mới, thừa khoảng 8.874 giáo viên. Nếu số nghỉ hưu khoảng 2% (tương đương 3.014 người), mỗi năm phải tuyển thay thế khoảng 1.507 người và do quy mô tăng học sinh, cần tuyển mới khoảng 2.250. Phải tuyển mới khoảng 2.700 giáo viên Âm nhạc, 2.700 giáo viên Mỹ thuật để bắt đầu dạy học từ năm học 2020-2021. Với cách tính toán này, các trường sư phạm phải điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh và đổi mới chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các trường phổ thông. 

Ngành GD-ĐT Tây Ninh cũng không nằm ngoài cách tính toán trên. Từ trước đến nay, các trường sư phạm ở Tây Ninh đã đào tạo được khoảng 17.000 giáo viên các cấp (mầm non: khoảng 2.900; tiểu học: khoảng 8.000, còn lại là THCS). Đa số vẫn gắn bó và thiết tha với nghề. Từ năm 2014 đến nay, việc tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục không ồ ạt như trước. Từ năm 2014 đến 2016, ngành chủ yếu tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học. Hiện tại, cả tỉnh còn thiếu khoảng 540 giáo viên mầm non, nhiều huyện thị còn thiếu giáo viên tiểu học, giáo viên một số môn ở bậc THCS, THPT. Khi thực hiện theo chương trình, sách giáo khoa mới, số giáo viên các cấp học không thừa do tình trạng giáo viên nghỉ hưu, giảm sĩ số lớp, tăng quy mô học sinh. Có thể một số phải điều chuyển khi sắp xếp lại các điểm trường, cân đối giáo viên các môn tích hợp ở THCS, THPT. Trong tình hình đó, nhiều sinh viên sư phạm vẫn có cơ hội thực hiện ước mơ của mình.
Điều đáng lo nhất là làm thế nào để dạy học tốt chương trình, sách giáo khoa mới. Về vấn đề này, giáo viên phải đối mặt với nhiều thách thức.

Giáo viên phải vượt qua chính mình

Trước hết, chương trình sẽ có nhiều nội dung mới, mang tính mở, vì thế, vai trò chủ động, sáng tạo của giáo viên cực kỳ quan trọng. Phương pháp dạy học cũng chuyển từ cung cấp kiến thức sang phát triển năng lực người học, chú trọng hoạt động theo nhóm, tăng cường thực hành... Đối với giáo viên dạy các môn học tích hợp, khó khăn càng nhiều hơn. Đa số giáo viên đang trực tiếp giảng dạy đã được đào tạo từ nhiều năm trước, chưa hiểu nhiều về tích hợp, liên môn, xuyên môn, phương pháp dạy học phát triển năng lực người học... Từ 2002 đến nay, Bộ GD-ĐT không chú trọng đúng mức công tác bồi dưỡng thường xuyên để cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức cho giáo viên như giai đoạn từ 1992 đến 2002. Để khắc phục thực trạng này, theo ông Hoàng Đức Minh- Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ đã lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; các trường sư phạm sẽ đào tạo giáo viên dạy các môn theo chương trình môn học mới; Bộ cũng sẽ thực hiện lộ trình lựa chọn giáo viên cốt cán bồi dưỡng trước, sau đó bồi dưỡng đại trà qua mạng, Bộ cũng lên kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp. Theo đó, mỗi giáo viên sẽ phải học thêm 20 tín chỉ (15 tiết/tín chỉ) để dạy tích hợp... Bộ cũng đã yêu cầu các địa phương rà soát lại cơ sở vật chất, phương tiện dạy học báo cáo về Bộ, và đề nghị các cấp chính quyền có kế hoạch hỗ trợ, bổ sung.
  Phải đổi mới, đó là điều bắt buộc, không thể chần chừ, bởi căn cứ theo lộ trình đặt ra từ trước có thể thấy việc này đã chậm tới 2 năm. Chương trình, sách giáo khoa mới sẽ bắt đầu thực hiện ở lớp Một từ năm học 2019-2020, sau đó đến các lớp khác ở các cấp học. Nếu muốn tiếp tục theo nghề, giáo viên không còn con đường nào khác là phải cố gắng vượt lên chính mình.

DIỆU MAI

Tin cùng chuyên mục