Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nỗi niềm nhân viên Bưu điện văn hoá xã
Thứ bảy: 14:43 ngày 19/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, nhiều đơn vị Bưu điện văn hoá (BÐVH) xã chuyển hướng hoạt động sang dịch vụ đa ngành nghề. Tại đây, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ như trao nhận thư từ, hàng hoá, mua bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm xe máy. BÐVH xã cũng thực hiện thu hộ một số loại thuế và bán các mặt hàng gia dụng. Chính vì vậy, công việc của một nhân viên BÐVH xã cũng thay đổi theo. Những thay đổi này mang đến cho họ niềm vui cùng những điều trăn trở.

Chị Diễm tại BÐVH xã.

Chị Lê Thuý Diễm, nhân viên BÐVH xã Long Thành Nam (huyện Hoà Thành) đã có 14 năm gắn bó với nghề. Chị bắt đầu làm nhân viên bưu điện từ năm 2003 cho đến nay và đã trải qua nhiều vui buồn trong công việc của mình.

Theo chị, so với những năm đầu mới vào nghề, công việc của chị bây giờ đã có nhiều sự khác biệt. Lúc trước, nhân viên BÐVH xã như chị chỉ trực thường xuyên tại cơ sở làm việc để nhận thư từ, hàng hoá, trực điện thoại khách hàng, quản lý thư viện…

Còn giờ đây thì: “Tôi phải thường xuyên đi công tác bên ngoài, tìm kiếm mối hàng để chạy doanh thu hằng tháng, đồng thời phải biết cách tạo và giữ mối liên kết với khách hàng”.

Theo chị Diễm, thời điểm này, khách hàng thường xuyên giao dịch với chị là những người mua bán hàng qua mạng. Chị thường phải đến tận nơi để nhận hàng về chuyển giao cho khách hàng, dù xa xôi vẫn không nề hà.

“Trước đây, mình chỉ ngồi một chỗ đợi khách hàng tìm đến, còn bây giờ mình phải tự thân tìm đến khách hàng. Việc nào cũng có cái lợi và niềm vui riêng. Chẳng hạn như đi ra ngoài nhiều, tôi có điều kiện giao tiếp với nhiều người hơn, đó là một điều hay”- chị Diễm chia sẻ.

14 năm trong nghề, chị Diễm từng trải qua những lúc thăng trầm. Có giai đoạn ngành Bưu điện gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi BÐVH xã rơi vào cảnh đìu hiu, lương nhân viên bị giảm sút, nhiều người không còn trụ được với nghề.

Riêng chị Diễm, đôi lúc chị cũng cảm thấy tinh thần bị lung lay vì nỗi lo cơm áo hằng ngày nhưng nghĩ lại, chị thấy dù sao đây cũng là cái nghề đem lại nguồn sống cho mình nên lại cố gắng vượt qua khó khăn. Và đến giờ, sau nhiều năm gắn bó, chị Diễm luôn hài lòng với công việc và cuộc sống hiện tại.

Chị nói: “Lương nhân viên BÐVH xã như tôi thường không cao nhưng nếu siêng năng làm việc thì có thể kiếm được thu nhập đủ trang trải cuộc sống gia đình, nhất là ở vùng nông thôn”.

Hiện tại, công việc đã thành thói quen của chị Diễm, đầu tháng, chị thực hiện việc chi trả lương hưu, tiền trợ cấp bảo trợ xã hội cho các đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật trên địa bàn xã. Kế đó là thu thuế hộ kinh doanh nhỏ lẻ, bán bảo hiểm, tiếp nhận hồ sơ đổi bằng lái xe, kiêm luôn việc bán các mặt hàng gia dụng. Những dịch vụ này đều do bưu điện cung cấp, bản thân chị chỉ lo chạy doanh số để hằng tháng có thêm thu nhập từ khoản huê hồng.

Thâm niên trong nghề không bằng chị Diễm nhưng anh Huỳnh Công Trực- nhân viên BÐVH xã Long Vĩnh (huyện Châu Thành) cũng đã 4 năm gắn bó với công việc của mình.

Là nhân viên bưu điện duy nhất ở xã nên anh Trực phải một mình kham lấy khá nhiều việc, anh nói: “Có những lúc tôi phải tận dụng cả ngày thứ bảy, chủ nhật để làm việc vì nếu không, công việc sẽ ùn ứ càng thêm khó”.

Hiện tại, ngoài việc phát lương hưu trên địa bàn xã Long Vĩnh, anh Trực còn đảm nhận luôn phần việc này cho xã Ninh Ðiền, do vậy phải tốn công sức và thời gian nhiều hơn. Tổng thu nhập từ công việc hằng tháng của anh chỉ tầm khoảng 4 triệu đồng nhưng các chi phí phát sinh trong công việc thì không nhỏ.

Có những lúc chạy doanh thu không đủ chỉ tiêu thì phải chấp nhận giảm thu nhập. Vì thế, anh Trực cũng như nhiều nhân viên BÐVH xã khác phải chịu nhiều áp lực từ công việc của mình. Ðể đủ chi phí cho một gia đình bốn người, ngoài công việc tại BÐVH xã, anh Trực còn nhận thêm một chân bảo vệ trường học.

Theo lời kể, trước đây anh làm thợ sửa chữa điện tử, sau mới làm nhân viên hợp đồng cho BÐVH xã. Lâu nay, anh Trực vẫn không mấy an tâm với vị trí của một nhân viên hợp đồng, đã vậy công việc còn khá vất vả do phải chạy doanh thu hằng tháng. Chính vì thế, đôi khi anh đâm nản chí. Cuối cùng anh nghĩ: thôi đã trót theo nghề thì phải cố bám lấy nghề vậy.

Hiện nay, nhân viên BÐVH xã chủ yếu thực hiện các dịch vụ do Bưu điện cấp trên giao cho. Bên cạnh đó là việc chạy doanh số, tìm kiếm những mối gửi hàng để tăng thêm thu nhập. Nhưng tuỳ vùng, địa phương mà hiệu quả công việc, mức thu nhập có khác nhau. Có người bằng lòng với nghề của mình nhưng cũng có không ít người dễ chán nản, bỏ cuộc khi đối mặt với những khó khăn, trở ngại.

VI XUÂN

 

Tin cùng chuyên mục