Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nông dân thiệt thòi vì thương lái
Thứ bảy: 06:28 ngày 17/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện vẫn còn tình trạng doanh nghiệp “nuôi” thương lái. Thay vì doanh nghiệp đứng ra liên kết với nông dân sản xuất và bao tiêu đầu ra sản phẩm, họ lại đứng ra ký hợp đồng duy trì kết nối với các thương lái, để lực lượng này cung cấp nông sản cho họ.

Thương lái thu mua lúa của nông dân huyện Châu Thành. Ảnh: ĐHT

Sau hai năm xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, thực tế cho thấy đây là phương thức tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp, được nông dân, doanh nghiệp và các địa phương hưởng ứng. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện vẫn còn những bất cập cần tháo gỡ để tiếp tục nhân rộng mô hình này.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chưa vào cuộc một cách tích cực trên mô hình cánh đồng mẫu lớn; nhiều doanh nghiệp vẫn muốn duy trì cách thức mua nông sản thông qua đội ngũ thương lái...

Do đó, các doanh nghiệp không đứng ra liên kết sản xuất và không ký hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với nông dân. Điều này làm cho người nông dân chịu nhiều thiệt thòi, vì không có quyền quyết định giá cả.

Ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu cho biết, trên địa bàn xã có hơn 100 ha đất trồng sầu riêng, hơn 300 ha nhãn,  20 ha bưởi da xanh và 30 ha thanh long ruột đỏ. Đây là những loại cây ăn trái mang lại nhiều lợi nhuận cho người dân. Thế nhưng, nông dân vẫn chật vật tìm đầu ra cho nông sản bởi giá cả không ổn định và phụ thuộc quá nhiều vào thương lái.

Theo ông Minh, mới đây, nhà máy Tanifood có chương trình khuyến khích nông dân sản xuất tập trung, nhà máy sẽ hỗ trợ giống, kỹ thuật... Nhà máy đưa ra điều kiện là nông dân phải tự liên kết sản xuất tập trung với diện tích 30 ha trở lên. Đây là điều kiện khó, vì đại đa số nông dân vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Nông dân đang rất cần doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đứng ra vận động người dân liên kết sản xuất, tạo nên vùng nguyên liệu tập trung theo định hướng chung. Có như vậy, doanh nghiệp mới có nguồn nguyên liệu lớn phục vụ chế biến.

Mặt khác, hiện vẫn còn tình trạng doanh nghiệp “nuôi” thương lái. Thay vì doanh nghiệp đứng ra liên kết với nông dân sản xuất và bao tiêu đầu ra sản phẩm, họ lại đứng ra ký hợp đồng duy trì kết nối với các thương lái, để lực lượng này cung cấp nông sản cho họ.

Ông Võ Thanh Trung, nhân viên Công ty thực phẩm Vĩnh Tâm (ấp Trường Ân, xã Trường Đông, huyện Hoà Thành) cho hay, công ty đang thu mua nông sản các loại ở trong và ngoài tỉnh. Để có sản phẩm cung ứng ra thị trường, công ty mua nông sản của nông dân tại trụ sở.

Tuy nhiên, phần lớn nông sản công ty thu mua được là từ việc ký hợp đồng với đội ngũ thương lái trên địa bàn tỉnh trong thời hạn 1 năm. Doanh nghiệp chưa có khả năng để tự đứng ra liên kết với nông dân sản xuất tập trung. Muốn làm được điều đó, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý, vốn...

Thu mua nông sản tại chợ đầu mối nông sản xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu.

Nhiều doanh nghiệp và nông dân kiến nghị tỉnh sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Đồng thời, tỉnh cần kiến nghị Trung ương điều chỉnh, bổ sung Nghị định 109/2010/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định các doanh nghiệp phải có hợp đồng tiêu thụ nông sản gắn với vùng nguyên liệu theo lộ trình cụ thể; đặc biệt là việc nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quản lý đội ngũ thương lái, hướng lực lượng này vào nền nếp nhằm bảo vệ quyền lợi của người nông dân.

NHI TRẦN

Tin cùng chuyên mục