Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đã qua rồi thời chỉ có bao bì, các doanh nghiệp điện tử, sản xuất linh phụ kiện với hàm lượng công nghệ cao của Việt Nam bắt đầu nằm trong tầm ngắm được Samsung lựa chọn trở thành nhà cung ứng.
Các doanh nghiệp giới thiệu về khả năng hợp tác trở thành nhà cung ứng cho Samsung - Ảnh. N.AN
Thế nhưng, những hạn chế về năng lực cung ứng, nguồn nhân lực và chất lượng sản phẩm đang là bài toán khó đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam.
Quy mô triển lãm công nghiệp phụ trợ lần thứ 4 do Công ty Samsung Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 26-7 ngay tại “đại bản doanh” ở Bắc Ninh, không thật sự "hoành tráng" khi chỉ có 26 đơn vị tham dự, trong đó có 20 gương mặt hoàn toàn mới, được Samsung tuyển lựa kỹ càng.
Hỗ trợ và đào tạo để trở thành nhà cung ứng cho Samsung
Đây là điểm khác biệt lớn, bởi nếu như mọi năm triển lãm tổ chức chỉ mang tính giới thiệu, mà ít có hiệu quả kết nối, thì nay Samsung sẽ hỗ trợ đào tạo trực tiếp cho doanh nghiệp để trở thành nhà cung ứng cấp 1.
Ông Kim Dong Hwan, Phó Tổng giám đốc phụ trách mua hàng của Samsung cho biết, số lượng doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ của Việt Nam trở thành nhà cung ứng cho Samsung ngày càng gia tăng.
Cụ thể, nếu như năm 2014 chỉ có 4 công ty, thì đến nay, sau 3 năm, đã có 25 nhà cung ứng cấp 1 của Việt Nam. Dự kiến cuối năm 2017 sẽ có 29 đơn vị.
Đặc biệt, nếu như trước đây chỉ có những doanh nghiệp cơ khí, bao bì, ép nhựa, đóng gói… cung ứng cho Samsung thì nay đã đa dạng hóa các lĩnh vực ở trình độ cao hơn, mở rộng với các sản phẩm điện, điện tử, linh phụ kiện…
Đã có đến 9 doanh nghiệp trong các lĩnh điện, điện tử, chiếm tới 31% trong tổng số các nhà cung ứng cho Samsung.
Sắp tới, ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, Samsung sẽ giúp đào tạo 1.000 sinh viên trở thành chuyên gia.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận năng lực doanh nghiệp Việt Nam, ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, dù đã nâng cao ở một số lĩnh vực như bao bì, đóng gói, song trên thực tế những nhà cung ứng trình độ cao vẫn rất hạn chế.
“Còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu kém, chưa có kinh nghiệm và trải nghiệm thực sự trong sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao và chất lượng sản phẩm làm ra vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Do đó khi cử các chuyên gia tư vấn thì chúng tôi luôn yêu cầu cử những chuyên gia đầu ngành về chất lượng và sản xuất”, ông Han nói.
Samsung "động viên", doanh nghiệp vẫn mới "nhúc nhích"
Khảo sát một số doanh nghiệp lần đầu tiên giới thiệu tiềm năng cung ứng cho Samsung nhưng cũng không ít rào cản đặt ra, đặc biệt là vốn và cơ chế hỗ trợ.
Ông Đinh Hồng Lương, Phó Giám đốc R&D Công ty cổ phần Cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ (PMTT Group) cho biết, doanh nghiệp ông hiện đang là cung ứng linh kiện cho Samsung "nhưng phải qua một đơn vị trung gian".
Do đó, theo ông Lương, trong thời gian tới, khi đặt mục tiêu trở thành nhà cung ứng cấp 1, PMTT Group "sẽ xây dựng thêm nhà máy chuyên lắp ráp và thiết kế chế tạo máy".
Tuy nhiên, ông Lương cho biết khó khăn lớn là Samsung luôn đặt ra yêu cầu cao về tốc độ, "nghĩa là đáp ứng đơn hàng quy mô lớn".
Để có thể đạt được tốc độ đó, theo ông Lương, đòi hỏi số lượng con người triển khai, khả năng cung ứng phải tăng lên.
Tuy nhiên, bài toán khó đặt ra là trình độ nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn thiếu hụt, vì thế, doanh nghiệp phải tự đi mày mò tìm lời giải từ hợp tác với các trường đại học để đào tạo.
Thêm nữa, ông Lương cho rằng, những chính sách hỗ trợ như thuế, vốn vay cho công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa có nhiều chính sách cụ thể.
Còn theo bà Lê Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh của Công ty TNHH 4P, yêu cầu của Samsung rất chặt chẽ nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn để đáp ứng sản phẩm có chất lượng.
Lý do là hiện nay nguồn linh kiện của Việt Nam đều phải nhập khẩu, nên việc kiểm soát được chất lượng đầu vào là vấn đề lớn.
Theo bà Huyền, Samsung có thể yêu cầu sản lượng tăng đột ngột khiến doanh nghiệp phải tính đến dự trữ nguồn nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất.
Khi đó tồn kho tăng trong khi năng lực vốn của doanh nghiệp lại hạn chế, chưa kể, về giá thành sản phẩm cũng chưa có tính cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường.
Bà Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (Bộ Công Thương), cho biết mặc dù có ưu tiên cho các doanh nghiệp điện tử, tự động hóa, công nghệ nhưng hiện số lượng của doanh nghiệp Việt Nam rất ít, đa phần là doanh nghiệp nhỏ có vốn hạn chế.
Chính vì thế, theo bà Bình, để đáp ứng được yêu cầu của Samsung thì doanh nghiệp buộc phải đầu tư mới, nâng cao năng lực.
Bà Bình cho biết Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ 30% vốn đầu tư cho doanh nghiệp, nhưng theo "thủ tục rất lằng nhằng”.
Chưa kể, doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế về mặt kỹ thuật, công nghệ, hay thậm chí có trường hợp có doanh nghiệp không chịu đầu tư để nâng cấp cho dù đã được Samsung “động viên” hỗ trợ.
Samsung đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 50 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, nhưng bà Bình cho rằng đây là con số rất nhỏ.
“Chính sách hỗ trợ đã có nhưng các ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn nhúc nhích rất chậm và toàn là doanh nghiệp tự làm. Doanh nghiệp khó có thể bứt phá vì đầu tư vốn mới để sản xuất chế tạo là khó, nhưng sự thúc đẩy của Chính phủ cũng rất hạn chế, đã nói nhiều nhưng hành động rất ít”, bà Bình nói.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), thừa nhận con số 29 doanh nghiệp tham gia là còn quá nhỏ so với nhu cầu nhập khẩu lớn của Samsung.
“Chính phủ vừa phê duyệt Quyết định 68 về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tới đây Bộ sẽ phối hợp cùng Samsung xây dựng bộ giáo trình đào tạo chuyên gia và triển khai các chính sách hỗ trợ”, ông Tuấn cho biết.
Nguồn TTO