Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
PCT Quốc hội: Không cẩn thận thì Luật sẽ “cao su”, lúc giãn ra, lúc co vào
Chủ nhật: 08:52 ngày 12/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
"Thế nào là giải trình hợp lý? Thế nào là giải trình không hợp lý? Nếu không cẩn thận thì Luật sẽ “cao su”, lúc giãn ra, lúc co vào.", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi

Chiều 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Vấn đề "xử lý tài sản không giải trình được bằng cách đánh thuế, phạt hay ra Tòa" còn nhiều băn khoăn. Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp cuối năm.

Băn khoăn về tính khả thi

So với dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) trình ra Quốc hội kỳ họp 5, tại Điều 57 về "Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc", Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình Dự án Luật PCTN (sửa đổi) đề xuất thêm phương án mới. Đó là, xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục giải quyết tại Tòa án.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, với phương án này, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không có căn cứ pháp luật hoặc giải trình không phù hợp với thực tế thì việc xác lập quyền sở hữu phải thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

Cụ thể, trường hợp cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập kết luận là việc giải trình của cán bộ, công chức không hợp lý thì trong thời hạn 30 ngày, cơ quan này có trách nhiệm đề nghị Tòa công nhận quyền sở hữu của Nhà nước với tài sản đó. Nếu người có nghĩa vụ kê khai không đồng ý với với kết luận thì cơ quan chức năng khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập này.

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, phương án xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua thủ tục tố tụng dân sự ưu thế hơn so với các phương án khác. Nhưng ông lại băn khoăn tính khả thi.

Ông Học cho rằng, phương án này sẽ khả thi nếu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có khả năng, năng lực và có vị trí độc lập. “Hiện nay cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập là bộ phận tổ chức, thanh tra, là cơ quan tham mưu trong 1 cơ quan thì anh có dám khẳng định kê khai của các lãnh đạo giải trình không hợp ý và yêu cầu ra Tòa không?”, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương nói và bày tỏ ngại, khi luật ban hành “không có vụ nào đưa ra Tòa”.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng không ủng hộ phương án thu thuế thu nhập cá nhân mà đề xuất chọn phương án xử phạt hành chính vì vừa bảo đảm tính nghiêm minh của Nhà nước, vừa xử phạt được 45% tài sản.

Chốt lại hai phương án

Bày tỏ sự băn khoăn về 3 phương án này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết ông không đồng ý với cả 3 phương án. “Tôi đánh giá cao ý chí của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Các đồng chí có quyết tâm rất cao, luôn luôn suy nghĩ trình bày cái mới. Thế nhưng luật pháp và những vấn đề liên quan đến PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí thì phải chặt chẽ”, ông Hiển nói và đặt vấn đề: Thế nào là giải trình hợp lý? Thế nào là giải trình không hợp lý? Nếu không cẩn thận thì Luật sẽ “cao su”, lúc giãn ra, lúc co vào.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các nước có công cụ rất quan trọng là công cụ thuế và quản lý rất chặt chẽ tất cả các khoản thu nhập của công dân. “Cứ có thu nhập là có nộp thuế. Hệ thống thang bảng rất nhẹ nhàng. Anh trốn thuế thì có hành vi xử phạt, trốn thuế nặng thì xử hình sự”, ông Hiển nói và cho rằng cần củng cố lại hệ thống thuế; kiểm soát qua việc thanh toán không dùng tiền mặt. Còn khi chứng minh được tài sản hình thành từ hành vi tham nhũng thì thu hồi 100%.

Cũng chung tâm lý băn khoăn, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ lo lắng với câu hỏi: “Tôi không biết đề xuất mới có khả thi không? Giả sử khởi kiện đại biểu Quốc hội ra Tòa thì phải báo cáo Quốc hội, sẽ rất phức tạp”.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị chốt hai phương án là giải quyết bằng tố tụng dân sự và đánh thuế thu nhập cá nhân để trình Quốc hội. Nhưng dù phương án nào, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định tài sản do tham nhũng mà có thì phải tịch thu; khi xuất hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật là phải chuyển các cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc.

“Các cơ quan hữu quan sẽ ngồi lại với nhau để thống nhất, sau đó báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến về phương án xử lý như thế để đáp ứng yêu cầu cuộc đấu tranh PCTN nhưng cũng phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của chúng ta. Sau đó, chúng ta cũng phải tổ chức hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách và các cơ quan, chuyên gia cho ý kiến trước khi trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9 trước khi trình ra Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận.

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình cho ý kiến tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tháng 8/2018

 Điều 57. Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc

 Phương án 1:

 1. Tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì thuộc sở hữu của Nhà nước; việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này do Tòa án quyết định.

 2. Khi kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm sau đây:

 a) Nếu người có nghĩa vụ kê khai đồng ý bằng văn bản với Kết luận xác minh tài sản, thu nhập thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đề nghị Tòa án có thẩm quyền để xem xét, quyết định công nhận quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; Tòa án xem xét, quyết định công nhận quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập này theo trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự;

 b) Nếu người có nghĩa vụ kê khai không đồng ý với với Kết luận xác minh tài sản, thu nhập thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; Tòa án xem xét, quyết định việc công nhận quyền sở hữu Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc không công nhận yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nếu người có nghĩa vụ kê khai giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm. 

 3. Trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự, vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết việc dân sự, vụ án dân sự quy định tại khoản này.

 Phương án 2: 

 1. Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm sau đây:

 a) Chuyển vụ việc sang Cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý nếu Kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm có dấu hiệu do phạm tội mà có;

 b) Chuyển vụ việc sang cơ quan xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền xử lý nếu Kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm có dấu hiệu do vi phạm hành chính mà có;

 c) Nếu chưa có căn cứ xác định tài sản, thu nhập tăng thêm do phạm tội, vi phạm hành chính mà có thì chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

 2. Người nộp thuế theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện Quyết định của cơ quan quản lý thuế ra Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

 3. Việc thu thuế quy định tại điểm c khoản 1 Điều này không loại trừ việc xử lý vi phạm pháp luật, xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ việc hành chính mà chứng minh được tài sản, thu nhập không giải trình hợp lý về nguồn gốc có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội, vi phạm hành chính.

 4. Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.

(Nguồn: duthaoonline.quochoi.vn)

Nguồn Infonet

Tin cùng chuyên mục