Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Buổi chiều một ngày cuối tuần rồi, Bàn Dân vừa tắt ti-vi sau khi theo dõi buổi trực tiếp truyền hình phiên chất vấn của Quốc hội, bỗng có ông bạn đọc thân quen gọi điện hỏi thăm:
- Chào nhà báo, ông có theo dõi phiên chất vấn vị “Tư lệnh” ngành Thông tin - Truyền thông vừa kết thúc giữa buổi làm việc chiều nay đó không?
- Sao lại không, chuyện nóng hổi liên quan tới lĩnh vực công tác của mình không quan tâm sao được! Còn đối với ông, ông cảm thấy thế nào mà gọi điện “phỏng vấn” Bàn Dân gấp vậy?
- Hổng dám “phỏng vấn” nhà báo đâu. Là vầy, sau phần chất vấn và trả lời chất vấn, tôi có nghe Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, đề cập đến việc báo chí chính thống phải làm nhiệm vụ chống thông tin xấu độc lan tràn trên truyền thông xã hội. Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng để hạn chế thông tin xấu độc, các cơ quan Nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp cần phải chủ động lên tiếng, đưa thông tin chính thống trước đó hoặc ngay sau khi (thông tin xấu độc) xuất hiện; bên cạnh đó, cần quan tâm hỗ trợ báo chí chính thống phát triển. Nghe được điều đó, tôi cũng cảm thấy phấn khởi cho báo chí mấy ông, nên gọi điện chia sẻ với ông đó mà.
- Vâng, Bàn Dân xin cảm ơn bạn đọc đã đồng cảm với báo giới, và cũng rất tâm đắc về việc lãnh đạo Chính phủ quan tâm, thấu hiểu sự khó khăn của giới mình khi làm nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu thông tin cho bạn đọc, chẳng những phải chính xác, trung thực mà còn phải hết sức nhanh nhạy, kịp thời và có tính định hướng thông tin cho người đọc, người xem nữa. Trong tình hình bùng nổ thông tin hiện nay, với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, bất kỳ ai có cái điện thoại thông minh trên tay là có thể “tung tin” khắp thế giới qua mạng xã hội. Như thế trong “biển thông tin” bao la ấy, người tiếp nhận thông tin thật không dễ phân biệt đâu là đúng đâu là sai, trong khi đó, “đối tượng” được, hay bị phản ánh trong thông tin, dù là tổ chức, hay cá nhân đều khó tránh khỏi bị ảnh hưởng, tác động. Do vậy, vị lãnh đạo Chính phủ mới đề xuất là chính các cơ quan, doanh nghiệp (có liên quan trong thông tin được “tung lên”- BD) phải chủ động lên tiếng trước, hoặc ngay sau khi (thông tin) xuất hiện. Về việc “chủ động lên tiếng” này một mặt là cơ quan, doanh nghiệp ấy trực tiếp sử dụng phương tiện thông tin như là trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội của mình, mặt khác tích cực cung cấp thông tin chính thức cho báo chí, truyền thông chính thống để được phản bác kịp thời, nhanh chóng nhằm hạn chế tác hại của thông tin xấu độc liên quan đến cơ quan, doanh nghiệp cũng như cá nhân của từng công dân. Phó Thủ tướng nói cần hỗ trợ cho báo chí chính thống, một mặt là hỗ trợ về cung cấp thông tin. Nếu các tổ chức, cá nhân cứ “e ngại”, “giữ kẽ”, hay “thiếu tin tưởng”, “không mạnh dạn” lên tiếng, không cung cấp thông tin cho báo chí chính thống thì thật không khác nào nhận phần “thiệt thòi”, “vất vả” về mình khi có tác hại gây ra bởi luồng thông tin xấu độc. Một mặt là hỗ trợ cho báo chí chính thống phát triển về điều kiện vật chất, kỹ thuật để không bị “chậm chân” khi công nghệ thông tin phát triển cực nhanh, nếu báo chí chính thống không được cập nhật liên tục, nâng chất liên tục là sẽ bị lạc hậu ngay.
- Ông giải thích vậy, tôi hiểu rõ vấn đề rồi. Tuy nhiên trong phát biểu của vị lãnh đạo Chính phủ còn đề cập đến chuyện phải nâng cao sự hiểu biết, nâng cao tri thức của người dân trước các việc rủi ro; đồng thời một mặt tăng cường làm việc, quản lý đối với các nền tảng xuyên biên giới, các công ty đa quốc gia, các công ty nước ngoài; một mặt phải tăng cường hỗ trợ cho các nền tảng, các ứng dụng trong nước… thì tôi chưa nắm vững lắm, ông giải thích thêm cho tôi thấu hiểu với?
- Có lẽ vì lúc đó sắp hết thời gian Quốc hội ấn định, nên Phó Thủ tướng nói nhanh, ông nắm không kịp. Việc này theo Bàn Dân hiểu là lãnh đạo muốn nói đến việc Nhà nước ta phải kiên trì hướng dẫn, nâng cao sự hiểu biết về khoa học công nghệ, cũng như sự nâng cao cảnh giác trước vấn nạn kẻ xấu lợi dụng khoa học công nghệ của người dân để lừa đảo, trục lợi. Đồng thời, các ngành chức năng của Nhà nước phải tích cực làm việc, tăng cường quản lý các nền tảng, các ứng dụng công nghệ thông tin của các công ty nước ngoài (cụ thể như là các nền tảng Google, Facebook, YouTube, TikTok… -BD), không để cho thông tin xấu độc phát tán, lan truyền trên các nền tảng, các mạng xã hội ấy. Đồng thời, Nhà nước ta cần hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nền tảng, ứng dụng trong nước nhanh chóng phát triển để tăng sức cạnh tranh “thị phần” trên lĩnh vực truyền thông xã hội này. Cụ thể là Phó Thủ tướng đã nêu ví dụ về trường hợp phát triển của mạng Zalo, là nền tảng mạng xã hội “nội địa” của chúng ta, tính đến nay đã đạt được “thị phần” là 40% người dùng mạng xã hội trong nước ta rồi đó.
-Hay quá ông nhỉ! Lãnh đạo Chính phủ đã “thấu hiểu” và quan tâm chuyện ngành, chuyện nghề của giới báo chí, truyền thông như thế, mấy ông phải ráng làm sao “đồng thanh tương ứng” không thì… dở lắm đó nghen!
BÀN DÂN