Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Huyện Trảng Bàng phấn đấu, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện; đến năm 2030, tỷ lệ này là 50%.
Một trang trại chăn nuôi bò sữa ở Trảng Bàng.
Những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Trảng Bàng có nhiều chuyển biến tích cực.
Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân hằng năm là 4,2%. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 20,57% trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu cây trồng và vật nuôi chuyển dịch khá nhanh. Chăn nuôi theo hướng trang trại, tập trung ngày càng phát triển. Đàn bò sữa tiếp tục duy trì và phát triển.
Trong trồng trọt, thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, liên kết 4 nhà với tổng diện tích 1.200 ha/năm. Ngoài ra, trên địa bàn huyện thí điểm vùng chuyên canh rau sạch; phát triển mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao như dưa lưới, thanh long ruột đỏ, hoa lan cắt cành...
Nhìn chung, cơ cấu nông nghiệp Trảng Bàng đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị và hiệu quả cao, một số vùng chuyên canh cây trồng như: lúa, bắp, rau màu, hoa lan, chuối... được hình thành và phát triển ổn định.
Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ngày càng sâu rộng hơn, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản. Tỷ lệ sử dụng giống cây trồng, vật nuôi được nâng lên đáng kể; năng suất, chất lượng nông sản ngày càng cao.
Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng 15%. Phần lớn cây trồng chính đã thực hiện cơ giới hoá ở các khâu từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc và tưới nước, riêng cây lúa đạt tỷ lệ cơ giới hoá 100%.
Chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện tiếp tục phát triển theo mô hình trang trại lạnh, quy mô lớn, khép kín, bảo đảm an toàn sinh học và vệ sinh môi trường gắn với chế biến. Hiện gia súc, gia cầm chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp chiếm 48,8% so với tổng đàn. Công tác quản lý vật nuôi được thực hiện tốt, bảo đảm các điều kiện vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của huyện cũng còn những hạn chế nhất định như: Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hoá vào sản xuất, chăn nuôi chưa nhiều; các mô hình sản xuất trong nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hoá, giá trị gia tăng thấp; chưa tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều; các chính sách hỗ trợ nông nghiệp còn hạn chế, chưa tạo được đòn bẩy để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nhất là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Từ thực trạng trên, lãnh đạo huyện Trảng Bàng lập kế hoạch thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp.
Theo dự thảo kế hoạch, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 như sau: quy hoạch một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn sản xuất chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao với diện tích khoảng 110 ha đến năm 2020, và 380 ha đến năm 2030 (dự kiến là cây chuối); rau quả chuyên canh khoảng 160 ha đến năm 2020 và 380 ha đến năm 2030 (dự kiến là dưa lưới, dưa lê, ớt, rau quế vị, rau rừng); Tập trung phát triển hoa lan cắt cành (hiện nay là 85 ha), dự kiến đến năm 2030 là 120 ha; Xây dựng 3 điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các xã Hưng Thuận, Lộc Hưng, Bình Thạnh, với diện tích 280 ha đến năm 2020 và 700 ha đến năm 2030. Dự kiến, bình quân giá trị sản phẩm thu hoạch từ trồng trọt đạt 120 triệu đồng/ha đến năm 2020 và 264 triệu đồng/ha đến năm 2030.
Huyện Trảng Bàng phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm (bao gồm rau quả, trái cây) được sản xuất theo quy trình VietGAP, có thể truy xuất được nguồn gốc, đến năm 2030 tỷ lệ này là 60%, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; Xây dựng 1- 2 thương hiệu nông sản đặc thù của huyện (lúa, rau rừng, rau quế vị, khổ qua, đậu đũa, đậu bắp, bầu, bí…).
Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện; đến năm 2030, tỷ lệ này là 50%.
N.H