Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phấn đấu tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%
Thứ năm: 14:47 ngày 22/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tỉnh Tây Ninh hướng đến đào tạo nghề có chất lượng cao phục vụ cho phát triển KT-XH tỉnh. (Trong ảnh, học viên thực hành tại Trường cao đẳng Nghề tỉnh. Ảnh: Đỗ Thành Nhân)

PHẤN ĐẤU ĐẾN NĂM 2030, TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ TÂY NINH ĐƯỢC CÔNG NHẬN TRƯỜNG CHẤT LƯỢNG CAO

Theo UBND tỉnh, việc triển khai nhằm cụ thể hoá chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Chỉ thị số 21 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch số 173 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nội dung này.

Cụ thể hoá những nội dung trên, UBND tỉnh ban hành kế hoạch với mục tiêu chung tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Qua đó tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề; đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Theo kế hoạch đề ra, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỉnh Tây Ninh thu hút 45% học sinh tốt nghiệp THCS và 50% học sinh tốt nghiệp THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Cũng đến năm 2030, tỉnh sẽ tuyển mới đào tạo nghề cho khoảng 13.000 người/năm; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động. Đồng thời phấn đấu xây dựng Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh đến năm 2030 được đánh giá, công nhận là trường cao đẳng chất lượng cao và phấn đấu 90% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia. Riêng đối với các ngành nghề trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh sẽ được đầu tư đồng bộ đáp ứng tổ chức đào tạo, trong đó, có từ 1 đến 2 ngành, nghề, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh vượt trội trong nước. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%.

Tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu đến năm 2024, giáo dục nghề nghiệp sẽ đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, trở thành địa phương phát triển về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực và cả nước, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

CHI NGÂN SÁCH TƯƠNG XỨNG VỚI VỊ TRÍ, VAI TRÒ CỦA GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

Để đạt các mục tiêu vừa nêu, UBND tỉnh xác định nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện tốt trong thời gian tới. Theo đó, một số nội dung quan trọng đề nghị các sở, ngành và địa phương có liên quan phải thực hiện như: chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở đào tạo nghề, các trường THCS và THPT tăng cường công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông, tăng tỷ lệ học sinh sau THCS và THPT vào học giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời thực hiện tốt công tác tuyển sinh, đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp và đào tạo lại cho lực lượng lao động đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thực hiện mô hình vừa đào tạo nghề vừa dạy học văn hoá tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, để học sinh tốt nghiệp vừa có bằng THPT vừa có bằng nghề bảo đảm chất lượng, có điều kiện tham gia thị trường lao động và cơ hội tiếp cận học tập, nâng cao trình độ. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động học sinh khá, giỏi vào học giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng đầu vào, bảo đảm sản phẩm đầu ra đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Một giải pháp nữa mà UBND tỉnh xác định và yêu cầu thực hiện tốt trong thời gian tới là ưu tiên bố trí nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách Nhà nước tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt ưu tiên cho các ngành, nghề đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm quốc gia. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá, thúc đẩy hợp tác công - tư nhằm huy động sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp công lập và tư thục cũng như nghiên cứu, áp dụng các cơ chế, chính sách hiện hành của Trung ương về xã hội hoá để thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tiềm lực tài chính, có uy tín đầu tư thành lập 1 trường cao đẳng tư thục tại cầu K13 (huyện Dương Minh Châu) và 1 trường trung cấp trong Khu công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu.

Cùng với đó là nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động hợp tác đào tạo với doanh nghiệp, tăng thời gian đào tạo thực hành cho người học trong doanh nghiệp; thành lập các xưởng thực hành, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường trung cấp, trường cao đẳng nghề Tây Ninh.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo khuyến khích doanh nghiệp thành lập cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp hoặc đặt hàng đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu vị trí việc làm, chủ động tham gia với cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngay từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến sử dụng lao động; doanh nghiệp cử chuyên gia kỹ thuật có tay nghề cao cùng cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố thành lập bộ phận chuyên trách trực thuộc Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Tây Ninh để theo dõi, quản lý thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục