Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng Đảng trong văn kiện đại hội XIII
Phần II: Năng lực cầm quyền trong mục tiêu tổng quát
Thứ tư: 07:03 ngày 18/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cầm quyền là lãnh đạo nhưng thông qua Nhà nước, với phương thức Đảng nắm, định hướng, kiểm soát hoạt động của Nhà nước trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là một đảng thật sự đạo đức, văn minh

So với mục tiêu tổng quát Đại hội XII, mục tiêu tổng quát phát triển đất nước tại Đại hội XIII của Đảng có một số điểm mới, trong đó bổ sung “năng lực cầm quyền” vào nội dung “nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” thành “nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng”. “Năng lực cầm quyền” chính là Đảng đã nhấn mạnh và khẳng định Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo chủ yếu bằng Nhà nước, thông qua Nhà nước...

Cầm quyền là lãnh đạo nhưng thông qua Nhà nước, với phương thức Đảng nắm, định hướng, kiểm soát hoạt động của Nhà nước trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng. Việc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bổ sung nội dung “năng lực cầm quyền” của Đảng vì trong thực tế những năm vừa qua còn tình trạng Đảng vừa làm thay, vừa buông lỏng lãnh đạo Nhà nước.

Vấn đề đặt ra cho Đảng ta phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế lãnh đạo của Đảng. Chỉ có như thế mới từng bước phát huy sức mạnh nguyên tắc lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bổ sung điểm mới về định hướng xây dựng Đảng giai đoạn 2021 -2030

Xây dựng Đảng có ý nghĩa then chốt, quyết định đối với toàn bộ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, vì vậy nội dung phương hướng xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được Đảng ta xác định là một trong mười hai định hướng lớn phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, đồng thời có bổ sung, làm rõ hơn nội dung mới cho giai đoạn sắp tới “Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, t.1, tr. 118-119).

Điểm mới về định hướng công tác xây dựng Đảng tại Báo cáo chính trị Đại hội XIII so với các kỳ Đại hội trước đó là đòi hỏi công tác xây dựng xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nêu lên yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Bổ sung điểm mới trong nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Nếu như Đại hội XII nêu 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với trọng tâm là kiên quyết, kiên trì, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI thì đến Đại hội XIII nêu 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, gồm: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị (Đại hội XII: chú trọng xây dựng Đảng về chính trị); Coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng (Đại hội XII: Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận); Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức; Đẩy mạnh xây dựng Đảng về tổ chức; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; Củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên;

Tăng cường xây dựng Đảng về cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu; Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; Thắt chặt hơn mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng (Đại hội XII: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân); Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí (Đại hội XII là: Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí); Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới (Đại hội XII: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng).

So với Đại hội XII, Đại hội XIII đã có sự kết thừa và có bước phát triển nhận thức mới. Giải pháp tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, kế thừa quan điểm từ Đại hội XII, Đại hội XIII tiếp tục xác định “kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội đồng thời bổ sung “giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng” và nêu rõ ba nhiệm vụ, giải pháp mới: Nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo; tổ chức thực hiện nghị quyết và thực hành dân chủ.

So với Đại hội XII, Đại hội XIII đã bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp mới về công tác cán bộ. Đại hội chỉ rõ: “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo...”.

Về trách nhiệm của người đứng đầu và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, Đại hội XIII xác định “xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”.

Đại hội XIII xác định, phải tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đại hội nêu rõ, phải cải tiến, đổi mới phương pháp, quy trình, kỹ năng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng bảo đảm khách quan, dân chủ, khoa học, đồng bộ, thống nhất, thận trọng, chặt chẽ, khả thi. Trong đó tập trung vào cơ chế, biện pháp chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên; có chế tài để phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm kỷ luật Đảng.

Văn kiện Đại hội XIII xác định phải kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với giám sát, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước và điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tăng cường phối hợp giữa giám sát, kiểm tra của Đảng với giám sát, thanh tra của Nhà nước và giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để tăng cường sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, không hiệu quả.

“Phát huy vai trò, sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, ban hành, tổ chức, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… bảo đảm hài hoà các lợi ích; quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021, t.1, tr. 191-192).

Đại hội XIII nêu rõ kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Trong đó, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự.

Xác định cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, văn kiện Đại hội XIII chỉ rõ phải cụ thể hoá phương thức lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể và công khai để cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, giám sát việc thực hiện.

Đặc biệt, Đại hội xác định phải đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền; có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm và bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ cơ bản thường xuyên, cũng là nhiệm vụ then chốt trong giai đoạn hiện nay để Đảng thật sự trong sạch, đạt đến chiều cao về đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh chính trị, vững vàng trước mọi thử thách của lịch sử.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục