Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Xác định vai trò, sức mạnh của quần chúng Nhân dân trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và xây dựng phong trào toàn dân PCCC, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đổi mới cả nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền nhằm đạt hiệu quả tích cực trong phòng ngừa cháy nổ trên địa bàn với phương châm “phòng ngừa là chính”, phát huy hiệu quả “4 tại chỗ” gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Lực lượng chức năng kiểm tra bình chữa cháy tại siêu thị.
Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH từ cấp tỉnh đến cấp xã; xây dựng, thành lập, củng cố các đội dân phòng tại xã, phường, thị trấn. Phong trào Toàn dân tham gia công tác PCCC được củng cố, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến.
Đến quý II năm 2024, toàn tỉnh có 2.413 Đội PCCC cơ sở, 545 đội dân phòng, 10 đội PCCC chuyên ngành; đã xây dựng 785 Tổ liên gia an toàn về PCCC, 30 Điểm chữa cháy công cộng tại các khu dân cư. Các lực lượng này đã trực tiếp giải quyết những vụ cháy xảy ra ở cơ sở, góp phần ngăn chặn không để xảy ra cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Trong kế hoạch trung hạn và dài hạn cho công tác tuyên truyền PCCC và CNCH, Bộ Công an đặt ra những mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 - 2030, như: Phấn đấu 100% người đứng đầu cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội được phổ biến và nắm quy định liên quan đến trách nhiệm tham gia thực hiện quản lý nhà nước về PCCC và CNCH.
90% chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương và quần chúng nhân dân được phổ biến, tập huấn và nắm được quy định cơ bản của pháp luật về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác PCCC và CNCH, kiến thức phổ thông về phòng ngừa cháy, nổ, tai nạn, sự cố; cách xử lý và thoát nạn khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra tại nơi ở, nơi làm việc.
Tuyên truyền phòng cháy chữa cháy cho các em học sinh.
100% học sinh, sinh viên các cấp, bậc học được phổ biến và nắm những quy định pháp luật cơ bản về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với công tác PCCC và CNCH; kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cháy nổ, sự cố, thoát nạn tại nơi ở, nơi học tập...
Theo cơ quan chức năng, để thực hiện những mục tiêu nêu trên, đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền trong tình hình mới, đòi hỏi phải đổi mới toàn diện, sâu sắc, từ tư duy đến phương thức làm công tác tuyên truyền, đầu tư nguồn lực con người và kinh phí cho công tác này. Trong đó, chú trọng việc tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu tiếp nhận thông tin của các tầng lớp nhân dân để có biện pháp, giải pháp tuyên truyền phù hợp.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tích cực, chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương vận dụng tốt những ưu thế của công nghệ thông tin, nền tảng kỹ thuật số phục vụ công tác tuyên truyền về PCCC và CNCH phù hợp chủ thể, đối tượng thông qua hình thức hỏi đáp, tư vấn pháp luật với các chuyên gia; ứng dụng mạng xã hội, xây dựng trang thông tin điện tử để tuyên truyền trên không gian mạng;
Các em thiếu nhi tham gia hoạt động trải nghiệm chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.
Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ chuyên trách làm công tác tuyên truyền đủ về số lượng, am hiểu về pháp luật, nghiệp vụ báo chí truyền thông, kiến thức, kỹ năng PCCC và CNCH, bảo đảm đủ năng lực tổ chức thực hiện chiến lược về công tác tuyên truyền xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tình hình mới.
Phương Thảo